-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:24/11/2024
Những ngày qua, mặc dù những cơn mưa dông phần nào đã làm giảm bớt cái nắng nóng như thiêu như đốt nhưng người dân thôn Gia Huệ, xã Đại Minh vẫn đang mong chờ có thêm những “cơn mưa vàng” để những cái u, cái ghẹ trong gia đình được đổ đầy nước dùng cho sinh hoạt hằng ngày. Bởi lẽ, những đợt nắng nóng kéo dài nhiều ngày qua khiến nhiều giếng đóng, giếng đào ở đây hầu hết đã khô cạn.
Ảnh: thiếu nước sạch ở xã Đại Minh
Tạm gác tay công việc đồng áng, chị Võ Thị Nguyệt, thôn Gia Huệ tranh thủ chạy vội ra quầy tạp hóa đầu đường mua đỡ bình nước về để kịp nấu bữa cơm trưa. Chị cho biết, gia đình đóng giếng nước để phục vụ sinh hoạt từ 20 năm nay, tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, giếng nước có nguy cơ cạn dần, mỗi lần hút nước lên thì lại có màu đỏ ngầu, đục và rất hôi. Vì gia đình đông con, kinh tế lại khó khăn, nhiều lần chị Nguyệt tặc lưỡi cho qua, cứ thế tắm liều cho lũ nhỏ, nhưng thấy con ngứa ngáy khó chịu chị lại hốt hoảng và cố gắng chắt chiu để mua những bình nước về tắm cho con. Chị Võ Thị Nguyệt, thôn Gia Huệ cho biết :Giếng nước gia đình tôi xây từ năm 1998 đến nay nhưng bị phèn, nắng thì không có giọt nước nào. Người dân chúng tôi phải lên trên đường cái để gánh nước về rửa, tắm giặt còn uống thì phải mua nước bình để uống. Mong chính quyền địa phương hỗ trợ cho người dân chúng tôi có nguồn nước để sinh hoạt.
Câu chuyện nước sạch đang là đề tài nóng bỏng ở thôn Gia Huệ từ nhiều năm nay, nhất là mỗi dịp nắng nóng đỉnh điểm, các giếng đóng đều đục ngầu, đỏ ối và cạn kiệt nguồn. Chuyện cả làng thức dậy sớm để tranh nhau đi gánh nước ở các làng bên đã trở nên quen thuộc. Ông Nguyễn Hồng Lâm, tổ 2, thôn Gia Huệ chia sẻ: nước giếng đóng của gia đình ông chỉ có thể lọc thô để tắm heo, tưới cây, phục vụ vệ sinh, còn lại toàn bộ nước uống phải mua nước bình sử dụng, nhiều người tranh thủ gánh ở giếng làng vào ban đêm và cả sáng sớm. Cũng theo ông Lâm, nguồn nước giếng ở thôn Gia Huệ đã khô kiệt hàng chục năm qua. Trước đây, bà con trong thôn được dùng nguồn nước từ công trình nước sạch của xã Đại Thắng, nhưng từ ngày công trình bị hư hỏng, bà con trong thôn tự xoay xở nguồn nước sinh hoạt. Có khi phải tiết kiệm, dành tiền để mua nước về dùng.
Việc suy kiệt nguồn nước đã dẫn đến chất lượng nguồn nước không đảm bảo yêu cầu vệ sinh, dễ xảy ra bệnh tật hiểm nghèo. Để giúp người dân có được nguồn nước sạch để sinh hoạt, thời gian qua, UBND xã Đại Minh đã đẩy mạnh việc kêu gọi, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nhằm xây dựng công trình nước sạch để phục vụ cho người dân. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả khả quan. Đồng chí Lê Quang Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Minh nêu vấn đề này như sau: Địa phương cũng vận động nhân dân mua nước sạch về sử dụng chứ không có biện pháp nào khác, bởi địa phương còn nhiều khó khăn, không có nguồn vốn để đầu tư công trình nước sạch nông thôn. Địa phương cũng mong muốn các cấp, ban ngành đầu tư, hỗ trợ giúp người dân có được nguồn nước sạch để sử dụng.
Cùng chung cảnh ngộ với người dân thôn Gia Huệ, hiện nay người dân các thôn Phước Lâm, Lập Thuận, Hà Vy, Hòa Hữu Tây… xã Đại Hồng cũng đang đối diện với tình trạng thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt. Được biết, toàn xã có 10 thôn thì 8 thôn có công trình nước tự chảy. Những ngày nắng nóng vừa qua, hầu như các khe suối đều khô cạn, người dân phải đi mua nước bình về uống còn tắm rửa, giặt giũ thì vẫn dùng nước giếng không đảm bảo vệ sinh.
Có thể nói,chuyện hàng trăm người dân của 2 xã Đại Minh và Đại Hồng đang khát nguồn nước sạch để sinh hoạt là một thực tế. Song, bài toán cấp nước sạch ở các địa phương trên hiện chưa có lời giải. Vì vậy, người dân rất cần sự quan tâm, hỗ trợ cấp thiết từ các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội. Hơn thế nữa, tiêu chí nước sạch, nước hợp vệ sinh là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương hiện nay./.
Bích Liễu-Nhật Duy