-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:24/11/2024
Theo thống kê của Bộ Thông tin & Truyền thông, ở nước ta hiện có hơn 30 triệu người sử dụng Internet và hơn 90 triệu thuê bao điện thoại di động. Mạng xã hội được ưa chuộng nhất ở Việt Nam là facebook- hiện có khoảng 25 triệu người sử dụng. Mỗi tài khoản facebook có thể liên kết với 5.000 người, có thể được hàng vạn người theo dõi, làm cho mỗi thông tin trên mạng xã hội có muôn nẻo đường truyền, phát đi với tốc độ lan truyền nhanh đến chóng mặt.
Ảnh Mạng xã hội
Không thể phủ nhận những lợi ích mà mạng xã hội mang lại. Bởi, nhờ có thông tin trên mạng xã hội, nhiều bài viết hay, ý nghĩa trên các diễn đàn đã được các cá nhân, tổ chức cập nhật, từ đó chia sẻ, bình luận tích cực, tạo điều kiện cho “cư dân mạng” biết thêm nhiều thông tin bổ ích cho đời sống, Song, lợi dụng triệt để sự tiện lợi của mạng xã hội, nhất là đặc tính lan tỏa nhanh, mạnh mẽ, cùng thói quen của người sử dụng là khi tiếp nhận thông tin thấy hay, nóng, lập tức chia sẻ ngay, chưa cần biết đúng, sai; thời gian qua, các thế lực thù địch đã lập ra các website, blog, sử dụng nhiều tài khoản Facebook để thu thập, nhào nặn, trộn lẫn thông tin thật-giả, cắt ghép hình ảnh, tán phát, nhằm thu hút sự hiếu kỳ của người đọc. Dễ dàng nhận thấy, trên một số trang mạng xã hội, trong thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, nhiều thông tin bị chúng cố tình bóp méo để đả kích, châm biếm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thâm độc hơn, chúng còn tổ chức lực lượng chia sẻ, bình luận với mục đích hạ uy tín, làm hoen ố hình ảnh của Đảng, Nhà nước ta và các đồng chí lãnh đạo cấp cao, các cơ quan trong hệ thống chính trị, gây hoài nghi trong nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Thực tế trên trước hết đòi hỏi những “cư dân mạng” thông minh phải thật tỉnh táo, nhận rõ tính hai mặt của mạng xã hội, nhất là mặt tiêu cực; biết "lọc" thông tin thu được trên mạng xã hội, tránh tình trạng vô tình tiếp tay cho các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Theo đó, không nên tham gia bình luận (comment), không chia sẻ những thông tin xấu, độc. Đặc biệt, cần hết sức cảnh giác khi tiếp cận những thông tin được đăng tải từ những trang không chính thống, giả mạo, có nguồn gốc từ nước ngoài, hoặc do cá nhân, phần tử xấu lập ra. Khi tiếp nhận được những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội, hãy chủ động tìm kiếm từ các trang báo chí, thông tin chính thống để so sánh, đối chiếu. Nếu không xác định được nguồn gốc, động cơ, mục đích của thông tin và người chia sẻ thông tin, cần bình tĩnh, thận trọng khi bình luận thông tin, tránh rơi vào cái bẫy của kẻ xấu. Ngoài ra, hãy xây dựng cho bản thân thái độ tích cực luôn tìm kiếm, chia sẻ những thông tin hay, bổ ích, hạn chế tìm đọc các thông tin tiêu cực, không rõ nguồn gốc. Điều quan trọng nữa là cần tuân thủ đúng Luật An ninh mạng (đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2019). Điều 8 Luật này quy định một số hành vi bị nghiêm cấm như: sử dụng không gian mạng để tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng… Khoản 1, Điều 18 quy định một số hành vi sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, như: đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng trái quy định; chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền internet; vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng; giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người khác; phát hành, cung cấp, sử dụng trái phép các phương tiện thanh toán; tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật; hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật…
Trên cơ sở nắm vững và tuân thủ các quy định của Luật An ninh mạng, mỗi “cư dân mạng” thông minh cần chủ động và thường xuyên tham gia phân tích, bình luận, chia sẻ các bài viết về những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những mô hình mới, cách làm hay của các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân trong tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Tự rèn luyện để hình thành kỹ năng phân tích, đánh giá, phản biện, đấu tranh với các hành vi tiêu cực, phản cảm, thiếu văn hóa trên mạng xã hội; xây dựng lối ứng xử văn minh trên mạng, không chạy theo và cổ súy cho những xu hướng lệch chuẩn, đi ngược lại truyền thống đạo lý và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tích cực đăng tải và chia sẻ các tin, bài, hình ảnh, video clip vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, nhất là những thông tin, bình luận, phát ngôn thiếu căn cứ, sai lệch các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoặc những thông tin xuyên tạc, vu khống, sai sự thật gây hoang mang dư luận xã hội. Tất nhiên, những “cư dân mạng” thông minh sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện vai trò của mình trên mạng xã hội, nhất là phải hứng chịu “gạch, đá” từ những “cư dân mạng” thiếu hiểu biết và những kẻ phản động, đội lốt dân chủ... Thế nhưng, “bàn tay không che được mặt trời”. Mọi hành vi bôi nhọ, xuyên tạc của một số phần tử xấu trên internet và mạng xã hội chắc chắn sẽ bị vạch trần một khi những “cư dân mạng” thông minh chung tay góp sức cùng các cơ quan chức năng định hướng dư luận theo hướng tích cực, đúng đắn, mang tính xây dựng, với quan điểm lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực, góp phần tạo sự “miễn dịch” trong mỗi người dân trước những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
Vân Trình