-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:24/11/2024
Nhiều năm qua, Đại Lộc đã có những nỗ lực trong công tác xây dựng trường chuẩn, trở thành đơn vị dẫn đầu tỉnh ở lĩnh vực này.
Một góc triển lãm thành tựu giáo dục Đại Lộc 40 năm qua. Ảnh: TRIÊU NHAN |
Chất lượng giáo dục tại các bậc học trên toàn huyện không ngừng được nâng lên. Thực tế đáng phấn khởi là toàn huyện có 60/61 trường đạt chuẩn quốc gia, gồm 18 trường mầm non, 25 trường tiểu học, 17 trường THCS đã được UBND tỉnh kiểm tra công nhận. Trong số đó, 13 trường tiểu học đã đạt chuẩn ở mức độ 2. 19 trường được UBND tỉnh kiểm định chất lượng giáo dục, đánh giá ngoài và công nhận ở mức độ 3, gồm 1 trường mầm non, 11 trường tiểu học, 5 trường THCS. Ở bậc THPT, Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển vinh dự vừa được công nhận đạt chuẩn.
Ở bậc mầm non, giai đoạn 2010-2015, Đại Lộc đã xây mới và nâng cấp, sửa chữa 24 phòng học tại 7 trườngmầm nonvà nhiều công trình hạng mục nhà vệ sinh, bếp ăn cũng đã được xây mới đảm bảo yêu cầu xây dựng trường chuẩn. Hầu hết các trường mầm non trên địa bàn đều thực hiện đạt yêu cầu về trường học an toàn. Các trường đã thành lập được ban chỉ đạo công tác y tế tại nhà trường, trang bị đầy đủ dụng cụ sơ cứu, chăm sóc y tế cho trẻ. Các trường mầm nonđã có chế độ bán trú với 28 nhóm trẻ, 100% trẻ nhà trẻ được nuôi ăn tại nhóm, chưa kể trẻ thuộc lớp mẫu giáo trên địa bàn. 100% trường bán trú ở bậc mầm non đều có bếp ăn riêng theo quy định và có nguồn nước sạch đảm bảo hợp vệ sinh cho trẻ dùng. Ngoài đảm bảo các điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho trẻ bán trú, các trường đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc y tế cho trẻ mỗi năm 2 lần, qua đó theo dõi việc uống vắc xin, nhỏ vitamin A, theo dõi sức khỏe của trẻ trên biểu đồ tăng trưởng, nhằm có kế hoạch bồi dưỡng, chống tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em. Ngành giáo dục Đại Lộc luôn là đơn vị dẫn đầu về thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo tinh thần Nghị định 20/NĐ-CP của Chính phủ khi 100% trường, lớp mẫu giáo 5 tuổi thực hiện chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD-ĐT ban hành, 100% các cháu 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chuẩn bị tâm thế bước vào lớp 1…
Ở bậc tiểu học, ngành giáo dục huyện đã chủ động tổ chức dạy học theo dự án mô hình trường học mới tại nhiều trường học có đủ điều kiện. Việc áp dụng mô hình giáo dục rèn luyện kỹ năng và năng khiếu cho trẻ, phối hợp với Tổ chức CRS đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho trẻ khuyết tật tại cộng đồng bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực. Ông Lương Đức Hiền - Phó Trưởng phòng GD-ĐT cho hay: “Với nhận thức dù có thay đổi hình thức dạy học cũng như cách đánh giá thì vấn đề then chốt vẫn là vì mục tiêu chất lượng và hiệu quả giáo dục nên các trường có quan tâm, chú trọng đến việc nhìn nhận, đánh giá học sinh đúng mức. Nhiều trường đã tổ chức cho tổ chuyên môn và giáo viên lập kế hoạch bồi dưỡng đối với học sinh năng khiếu ở một số môn: mỹ thuật, âm nhạc, tiếng Anh, tin học… và có kế hoạch phụ đạo đối với học sinh còn lơ là, chậm tiếp thu để giúp các em lấy lại kiến thức căn bản. Chính việc tổ chức dạy bồi dưỡng và phụ đạo đã giúp cho chất lượng giáo dục không ngừng được tăng lên”. Cũng theo ông Hiền, để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nhiều trường đã duy trì và mở rộng lớp học 2 buổi/ngày, tổ chức bán trú. Hiện, 25/25 trường tiểu học đều tổ chức lớp học 2 buổi/ngày với 376 lớp/9.987 học sinh/tổng số 10.600 học sinh toàn huyện. Trong đó, có 314 lớp/8.565 học sinh được học 9-19 buổi/tuần. Đối với những nơi có điều kiện, tổ chức lớp bán trú với 115 lớp/2.959 học sinh. Ở dự án mô hình trường học mới, toàn huyện bước đầu đã tổ chức được 47 lớp học trên tổng số 2.979 học sinh. Từ kết quả đánh giá mô hình, thời gian tới, sẽ tổ chức triển khai nhân rộng mô hình ra toàn huyện nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. “Với những nỗ lực đổi mới, đa dạng hóa hình thức đào tạo, thành quả đáng mừng là25/25 trường tiểu học của huyện đã được công nhận đạt chuẩn. Trong đó có 13 trường đạt chuẩn ở mức độ 2, đã và đang hoàn tất hồ sơ để đề nghị cấp trên kiểm tra công nhận 2 đơn vị đạt mức độ 2 (Nguyễn Văn Bổng và Đoàn Nghiêng)” - ông Lương Đức Hiền chia sẻ.
Để nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc học THCS, toàn ngành giáo dục đã đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt - học tốt; tăng cường chỉ đạo việc cải tiến trong công tác soạn giảng cũng như việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Năm học 2014-2015, huyện đã có một đơn vị trường học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, trên 6 lớp/205 học sinh và thời gian tới, huyện sẽ có kế hoạch chỉ đạo một số trường mở rộng dạy 2 buổi/ngày. Hiện 2 trường THCS Trần Phú và Nguyễn Du đã triển khai dạy học theo chương trình thí điểm ở lớp 6 của đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT. Sắp tới, từ việc đánh giá những kết quả đạt được, sẽ triển khai nhân rộng mô hình ra một số trường trên địa bàn. Việc mở rộng đào tạo, nâng cao năng lực, đội ngũ giáo viên không ngừng được tăng cường. Năm học 2014-2015, Phòng GD-ĐT tiếp tục cử giáo viên tiếng Anh đi học, chuẩn bị đội ngũ giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn (B2) để triển khai dạy thí điểm tiếng Anh ở hầu hết các trường trong các năm đến.Tập trung phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về năng lực chuyên môn, kỹ năng xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh; năng lực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá... Đặc biệt, các cuộc thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh là dịp để giáo viên cọ xát, nâng cao kỹ năng giảng dạy, kỹ năng giáo dục trẻ, trau dồi kiến thức và nâng cao tinh thần học hỏi. Theo Phó trưởng phòng GD-ĐT Phan Thường Sĩ, biểu hiện rõ nét cho nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học của ngành thể hiện ở chất lượng các kỳ thi học sinh giỏi, giáo viên giỏi cấp huyện và tỉnh qua mỗi năm. Cụ thể là kỳ thi học sinh giỏi ở cấp tỉnh 2014-2015, toàn huyện có 2 giải nhất, 6 giải nhì, 9 giải ba, 8 khuyến khích, 25/51 giải (giải cá nhân), đạt giải tư toàn đoàn...
Có được những thành quả vượt bậc nói trên, bên cạnh sự nỗ lực rất lớn của các trường ở việc đổi mới phương pháp dạy và học, quan trọng là có sự quan tâm, đầu tư rất lớn của UBND huyện cho ngành giáo dục. Ông Nguyễn Hữu Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, giai đoạn 2010-2015, UBND huyện cùng các cấp, ban ngành, các tổ chức đã hỗ trợ kinh phí phục vụ nâng cao chất lượng dạy và học với tổng kinh phí 72 tỷ đồng. Nguồn đầu tư này được dùng để xây dựng trường lớp, mua sắm thêm trang thiết bị máy móc, nâng cấp các hạng mục công trình như: phòng học, nhà vệ sinh, thiết bị dạy học, bàn ghế giáo viên và học sinh, nâng cấp sửa chữa các phòng học, phòng chức năng, tường rào cổng ngõ… Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Vũ chia sẻ thêm: “Sức bật của một nền giáo dục không dừng lại ở việc đầu tư đổi mới dạy và học, kiện toàn hệ thống trường lớp... mà còn thể hiện ở việc giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục đạo đức lối sống, nhân cách cho thế hệ trẻ. Cần thiết phải nhân rộng các mô hình "Cổng trường an toàn giao thông", "Bến đò an toàn giao thông", “Văn hóa giao thông vì sự an toàn của thanh, thiếu niên và cộng đồng”, “Văn minh và An toàn giao thông”... vào các trường học, nhằm giáo dục ý thức pháp luật, rèn luyện và hoàn thiện nhân cách nơi các em. Mục tiêu thời gian tới là giữ vững và phát huy thành tích của một huyện dẫn đầu toàn tỉnh về xây dựng trường đạt chuẩn”...
TRIÊU NHAN - BÍCH LIỄU