-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:24/11/2024
Đại Lộc là một trong những điểm sáng trong công tác biên soạn lịch sử đảng bộ và lịch sử đấu tranh cách mạng địa phương để giáo dục cho thế hệ trẻ…
Những năm qua, công tác biên soạn lịch sử Đảng được Đảng bộ huyện Đại Lộc chú trọng chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, địa phương và đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng của huyện tích cực tham gia biên soạn lịch sử địa phương. Trước đó, lãnh đạo huyện Đại Lộc đã chỉ đạo biên soạn nhiều công trình lịch sử có giá trị. Tiêu biểu như các công trình “Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Đại Lộc (1930 - 1954)”, “Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Đại Lộc (1954 - 1975), “Đại Lộc - Đất anh hùng”, “Thượng Đức - cánh cửa thép bị mở toang”… Từ khi có Chỉ thị 15/CT-TW, các cấp ủy, chính quyền địa phương lại càng coi trọng công tác này. Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện trích một phần kinh phí từ ngân sách để hỗ trợ cho các xã triển khai nghiên cứu, biên soạn và xuất bản sách lịch sử. Đồng thời giao cho Ban Tuyên giáo Huyện ủy triển khai và ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử địa phương, ngành; tổ chức thẩm định, xuất bản nhiều công trình giá trị.
Ông Đặng Văn Kỳ - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc cho hay, thực hiện Chỉ thị 15/CT-TW, Đại Lộc có 18/18 xã, thị trấn đã biên soạn, xuất bản lịch sử đấu tranh cách mạng giai đoạn 1930 - 1975; 15/18 xã, thị trấn đã xuất bản lịch sử đấu tranh cách mạng giai đoạn 1975 - 2000. Ở quy mô cấp huyện cũng đã biên soạn được “Lịch sử đấu tranh cách mạng giai đoạn 1975-2000”. Nhiều ngành, đoàn thể và mặt trận của huyện đã xuất bản lịch sử ngành như thanh niên, nông dân, quân sự, công an, mặt trận… Công tác sưu tầm, hệ thống, biên soạn và sử dụng các tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng theo Chỉ thị 54/CT-TU của Tỉnh ủy, các xã, ban ngành, đoàn thể… cũng đã xuất bản nhiều tập sách về đề tài chiến tranh cách mạng, về nhân vật và sự kiện qua các thời kỳ hào hùng. “Đại Lộc - một thời để nhớ” (tập 1, tập 2); “Những ngày giữ lửa”; “Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện giai đoạn 1937- 2012”; “Tĩnh Gia - Đại Lộc, nghĩa nặng tình sâu”, “Đại Lộc - 40 năm dấu ấn thành tựu”… là những công trình của huyện được sưu tầm biên soạn công phu. Các xã, thị trấn cũng đã xuất bản những công trình “Đại Hiệp - những năm tháng hào hùng”, “Đại Nghĩa đất và người”, “Đại Hòa - từ vùng đất này…”. Đặc biệt, hai xã Đại Nghĩa và Đại Cường cũng đã xuất bản địa chí của xã.
Tính đến nay, toàn huyện có hơn 60 đầu sách về lịch sử đảng bộ huyện, lịch sử đảng bộ các xã, thị trấn giai đoạn 1930 - 1975 và 1975 - 2000… Có được kết quả đó là nhờ sự chỉ đạo của lãnh đạo huyện và sự cố gắng phấn đấu của các địa phương, đơn vị. Không dừng lại ở khâu biên soạn, xuất bản, huyện còn phát hành rộng rãi những công trình biên soạn đến các đầu mối cơ sở, đơn vị, cơ quan, trường học trên địa bàn và chỉ đạo đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy trong nhà trường, lấy tên anh hùng lực lượng vũ trang, những người con kiên trung để đặt tên cho các trường học. Nhiều cuộc thi tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng địa phương cũng được tổ chức rộng rãi trong các trường học, các tầng lớp nhân dân về lịch sử Đảng bộ huyện, truyền thống của địa phương mình như thi tìm hiểu về Chiến thắng Thượng Đức, về lịch sử Đảng bộ huyện Đại Lộc… nhằm giáo dục truyền thống cách mạng trong cán bộ, học sinh, quần chúng nhân dân. Đi đôi với công tác chỉ đạo nghiên cứu, sưu tầm, xuất bản lịch sử địa phương, huyện Đại Lộc còn xây dựng công trình Đền tưởng niệm Trường An, Nhà lưu niệm nơi thành lập Đảng bộ huyện, các bia chiến tích ở các địa phương ghi lại những dấu ấn lịch sử như đồn Chợ Cá, cầu Ông Nở, tượng đài Chiến thắng Thượng Đức…
Trong thời gian tới, huyện Đại Lộc sẽ tiếp tục biên soạn giáo án về lịch sử địa phương để đưa vào giảng dạy tại các bậc học, chỉ đạo cho ngành văn hóa - thông tin tuyên truyền về đất và người Đại Lộc, lịch sử cách mạng địa phương cho cán bộ, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc về quê hương xứ sở…
TRIÊU NHAN