CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:27/07/2024

Nên chăng, sáp nhập trung tâm học tập cộng đồng?

Đại Lộc hiện có 18/18 xã, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ), song đến nay, phần lớn các TTHTCĐ đều loay hoay tìm hướng đi vì hoạt động không đạt kết quả như mong muốn.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về cuộc vận động xây dựng xã hội học tập nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, huyện Đại Lộc xây dựng các TTHTCĐ tại nhiều địa phương. Mục tiêu của các TTHTCĐ là hỗ trợ công tác điều tra, phổ cập giáo dục, phối hợp vận động học sinh bỏ học ra lớp; thực hiện khảo sát nhu cầu học tập của cộng đồng, phân loại đối tượng để tổ chức các khóa học dạy nghề về khoa học kỹ thuật, khuyến nông… Tuy nhiên, thực tế các TTHTCĐ này vẫn chưa hoạt động hiệu quả, mục tiêu “cần gì học nấy” khó trở thành hiện thực, người dân vẫn chưa mặn mà tìm đến, dù nhiều địa phương đã nỗ lực cải thiện bộ mặt của TTHTCĐ.

Trường hợp TTHTCĐ xã Đại Hòa là ví dụ. Cơ sở vật chất chưa đảm bảo, không có giáo viên đứng lớp, kinh phí chủ yếu là từ nguồn hỗ trợ của UBND xã, để duy trì hoạt động, ban giám đốc trung tâm phải đi vận động nguồn lực từ bên ngoài. Cũng như Đại Hòa, TTHTCĐ của xã Đại Hưng phải loay hoay tìm cách để tồn tại. Bà Lương Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho biết: “TTHTCĐ chỉ được hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất ban đầu, mua sắm tài liệu, trang thiết bị, không có nguồn để duy trì hoạt động nên phải tự lo liệu, xoay xở nguồn để tồn tại. Trung tâm vận động kinh phí từ doanh nghiệp, từ các tổ chức để tổ chức hội thảo, các buổi tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho nông dân, thì nông dân đến lớp cũng không mặn mà… Thực tế đó không chỉ riêng có ở địa phương Đại Hòa, Đại Hưng, mà là thực trạng chung của hệ thống TTHTCĐ ở Đại Lộc cũng như các địa phương khác”.

Ông Trương Ngọc Thu - chuyên viên Phòng GD-ĐT chia sẻ, không thể phủ nhận một số TTHTCĐ như Đại An, Đại Cường, Đại Thạnh, Đại Hiệp thời gian qua đã làm tốt công tác phối hợp phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi;  các TTHTCĐ ở Đại Hiệp, Đại Hưng, Đại Lãnh… đã làm tốt công tác khuyến nông, tập huấn kỹ thuật sản xuất, vệ sinh môi trường… Thế nhưng, bên cạnh đó nhiều TTHTCĐ cơ sở vật chất ban đầu bị hư hỏng, xuống cấp, số khác lại chưa được trang bị đầy đủ bàn ghế, máy chiếu, chưa có khu thực hành sản xuất để “cầm tay chỉ việc” cho nhà nông. Cũng theo ông Thu, toàn huyện có 14/18 TTHTCĐ có trụ sở chung với những cơ quan khác, chỉ 4 xã Đại Hiệp, Đại Lãnh, Đại Đồng, Đại Quang có trụ sở riêng, và các xã Đại Lãnh, Đại Đồng, Đại Chánh có khu thực hành sản xuất nằm trong TTHTCĐ, 15/18 cơ sở khác vẫn chưa có hạng mục này. “Trước hàng loạt cái thiếu và yếu trên, việc người dân không mặn mà, quay lưng là điều dễ hiểu” - ông Thu phân tích.

Ông Huỳnh Ngọc Ánh - Trưởng phòng GD-ĐT xác nhận, năm 2014, tổng kinh phí hoạt động được hỗ trợ cho 18 TTHTCĐ là 781 triệu đồng, bao gồm nguồn kinh phí hỗ trợ từ huyện và từ các địa phương. Với nguồn này, các trung tâm đã mở được 208 chuyên đề, 393 lớp học, thu hút 55.322 lượt người tham gia. Ngoài ra, nguồn này còn được trích hỗ trợ mua sắm tài liệu, phục vụ chi trả kiêm nhiệm, phụ cấp cho ban giám đốc. Vì thế, nhiều TTHTCĐ hoạt động theo kiểu đối phó, không hiệu quả. Thiết nghĩ, hướng sáp nhập TTHTCĐ với trung tâm văn hóa - thể thao, hình thành trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng, phục vụ công cuộc xây dựng nông thôn mới là cần thiết, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu bền vững, lãng phí nguồn lực.

BÍCH LIÊN

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất