CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:22/11/2024

Đại Lộc trẻ hóa cán bộ

Những năm gần đây, Huyện ủy Đại Lộc đã có những cách làm hay, nhằm từng bước chuẩn hóa, trẻ hóa và nâng cao tỷ lệ nữ trong đội ngũ cán bộ từ huyện tới cơ sở.

Việc quy hoạch, tạo nguồn, đề bạt, bố trí cán bộ trẻ, nữ là mục tiêu trọng tâm được Đại Lộc chú trọng. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Việc quy hoạch, tạo nguồn, đề bạt, bố trí cán bộ trẻ, nữ là mục tiêu trọng tâm được Đại Lộc chú trọng. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Chú trọng yếu tố trẻ, nữ

Chủ trương trẻ hóa và từng bước nâng tỷ lệ nữ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ cấp huyện tới cơ sở được Huyện ủy Đại Lộc không ngừng chú trọng trong quy hoạch, sắp xếp, bố trí, điều động cán bộ trong những năm gần đây. Theo ông Phạm Thắm - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Đại Lộc, Huyện ủy đã làm tốt công tác quy hoạch cán bộ ở cấp huyện và xã ngay từ đầu nhiệm kỳ. Về yếu tố nữ, theo yêu cầu chung, phải đạt 20% ở cấp huyện song trên thực tế, tỷ lệ này hiện đã đạt 30,13%. Còn yếu tố trẻ, theo quy định chung phải đạt 15% ở cấp huyện, song tỷ lệ này hiện đã là 28,7%. Ở cấp xã, công tác quy hoạch cán bộ đảm bảo tiêu chuẩn trình độ đào tạo, kể cả chuyên môn nghiệp vụ và trình độ chính trị. Nhiều xã hiện có nữ đạt 100% theo quy hoạch và một số xã tuy chưa đạt, song tỷ lệ nữ ở cấp ủy, cấp chính quyền, mặt trận và đoàn thể cũng chiếm khá cao. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy và thường vụ cơ sở lên tới 49 người (cấp ủy cơ sở chiếm 28,8%, thường vụ là 14,7%).

Cụ thể, trong đội ngũ cán bộ chủ chốt, toàn huyện có 4 xã có nữ là bí thư (Đại Hòa, Đại Hiệp, Đại An, Đại Thắng); 2 xã có nữ là phó bí thư (Đại Sơn, Đại Lãnh); 4 xã có nữ chủ tịch (Đại Hiệp, Đại Hòa, Đại Thạnh, Đại Hồng); 5 xã có nữ phó chủ tịch (Đại Hưng, Đại Nghĩa, Đại Quang, Đại Thắng), đặc biệt ở khối đoàn thể - mặt trận, tỷ lệ nữ làm thủ lĩnh rất đông. Còn ở cấp huyện, nữ tham gia ban chấp hành có 8 người (18,6%), tham gia thường vụ có 1 người. Nữ giữ vị trí trưởng phó phòng hoặc tương đương là 33 người (13,8%). “Qua rà soát lại quy hoạch của Huyện ủy giai đoạn 2015 - 2020, số lượng cán bộ nữ được đề bạt, điều động, luân chuyển chiếm hơn 30%. Tỷ lệ cán bộ nữ và trẻ trong HĐND hai cấp rất cao. Đại Lộc cũng đã triển khai thí điểm “nhất thể hóa” mô hình bí thư kiêm chủ tịch xã là nữ ở Đại Hiệp” - ông Phạm Thắm chia sẻ thêm.

Trao đổi về công tác cán bộ của huyện, Bí thư Huyện ủy Đại Lộc Phan Xuân Quang cho rằng, việc cơ cấu nữ vào thường vụ ở cấp huyện lẫn cấp xã là khâu đột phá lớn trong công tác cán bộ huyện Đại Lộc từ trước tới nay. Và tỷ lệ này sẽ tiếp tục được nâng lên qua các nhiệm kỳ tới. Bên cạnh chú trọng đến yếu tố nữ, Đại Lộc cũng chú trọng yếu tố trẻ trong công tác quy hoạch lẫn bổ nhiệm, đề bạt ở cấp huyện và cơ sở. “Chủ trương của huyện là mạnh dạn giao việc cho cán bộ nữ, cán bộ trẻ và kiểm nghiệm qua thực tiễn. Năm 2017, sẽ bổ sung số cán bộ trẻ dưới 35 tuổi giữ chức vụ phó phòng và dưới 40 tuổi bổ sung chức danh cấp phó ở xã/thị trấn. Giao nhiệm vụ cho người trẻ xuống cơ sở nhiều hơn, qua đó soát xét tình hình, nắm chuyên môn nhiều hơn. Đây cũng là cách tạo điều kiện cho người trẻ trưởng thành, rèn luyện trong thực tiễn” - Bí thư Huyện ủy Phan Xuân Quang nói. Tuy nhiên, công tác cán bộ ở Đại Lộc cũng gặp nhiều khó khăn, cần tháo gỡ do thời gian rèn luyện của người trẻ ở độ tuổi này chưa nhiều. Phần lớn cán bộ thi công chức đã ngấp nghé 30 tuổi rồi, với độ tuổi này hầu như chưa bố trí chức danh gì nên khâu rèn luyện còn ít. Gần đây, tỉnh lại không tổ chức thi tuyển công chức nên “đầu vào” của người trẻ còn hạn chế. Ở cấp xã, một số xã đạt được yếu tố trẻ, song vẫn còn nhiều xã do “đầu ra” không có, định biên cho người trẻ ít, khó bố trí người trẻ vào vị trí chủ chốt nếu không có người về hưu.

Quy hoạch, tạo nguồn

Để đạt được những kết quả bước đầu về công tác cán bộ, kinh nghiệm của Đại Lộc là làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn và xác định đây là mục tiêu cấp thiết. Từ kết quả đạt được, giai đoạn 2020 - 2025, Đại Lộc tiếp tục nâng tỷ lệ trẻ, tỷ lệ nữ trong quy hoạch, không ngừng phát hiện, đề bạt, luân chuyển cán bộ, rèn luyện, bồi dưỡng cũng như giao việc, thử thách cán bộ trong thực tiễn. “Huyện hướng tới mục tiêu là “nói đi đôi với làm”, mạnh dạn đề bạt, bố trí, luân chuyển chức danh đối với người trẻ, cán bộ nữ. Đặc biệt là với cán bộ nữ, huyện luôn xem xét và cân đối trong điều kiện của họ khi giao việc và đánh giá. Việc chú trọng bố trí cán bộ nữ vào bộ máy quản lý nhằm thực hiện quyền bình đẳng giới trong bộ máy công. Và trên thực tế, hầu hết trường hợp được bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển này đều đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, cơ bản nhiều nơi vẫn giữ được phong trào” - Bí thư Huyện ủy Phan Xuân Quang chia sẻ.

Theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Đại Lộc, ông Phạm Thắm, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết 04, kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 được huyện xác định mục tiêu, trọng tâm cụ thể. Tiếp tục rà soát, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2015 - 2020 và quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý 2020 - 2025 ở cả hai cấp. Việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức và kiểm điểm tập thể, đánh giá phân loại chất lượng cán bộ ở tổ chức cơ sở đảng, đảng viên năm 2016 theo Nghị định số 56/2015/NĐ-CP được thực hiện chặt chẽ. Khâu đào tạo cán bộ tạo sự chuyển hóa từ cấp huyện tới cơ sở. Ở cấp cơ sở, số lượng ủy viên ban chấp hành các xã, thị trấn có trình độ chuyên môn là đại học trở lên đạt 74,6%, có trình độ lý luận chính trị trung cấp là 91,1%, cao cấp là 8,9%. Ở cấp huyện, ban chấp hành có 100% cán bộ là đại học (18,6% là thạc sĩ). Huyện có cơ chế khuyến khích cán bộ, công chức ở cả hai cấp tiếp tục nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện tỷ lệ học sau đại học ở cấp huyện ủy viên là 25%, đội ngũ trưởng phó phòng là 20%; ở cấp xã, phấn đấu mỗi xã có 1 - 2 cán bộ học sau đại học và tỷ lệ này sẽ nâng lên thời gian tới. Không chỉ chú trọng đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, Đại Lộc còn chú trọng mở lớp đào tạo trung cấp và cao cấp lý luận chính trị cho cả trăm lượt cán bộ ở cả hai cấp trong năm 2016.

Cũng theo ông Phạm Thắm, cùng với khâu đào tạo, bồi dưỡng, nâng chất lượng nguồn cán bộ ở hai cấp, Đại Lộc quan tâm tới công tác luân chuyển cán bộ, mục tiêu là tăng cường cán bộ ở cơ sở, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có chiều hướng phát triển được thử thách, rèn luyện trong thực tiễn, vừa tăng cường cán bộ cho cơ sở, vừa đảm bảo nguồn cho huyện. Công tác theo dõi, quản lý nguồn cũng được chú trọng, nhất là quan tâm nâng cao hiệu quả công tác, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân.

HOÀNG LIÊN (Báo Quảng Nam)

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất