-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:23/11/2024
Mỗi khi xuân về mang theo một hơi thở gấp gáp nhưng đầy sức sống. Những ngày giáp Tết, không khí dường như náo nhiệt hẳn, mọi người ai nấy đều bận rộn. Ai cũng gác lại mọi chuyện làm ăn khi quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để nhà nhà, người người cùng nhau đón tết. Dù một năm làm ăn phát đạt hay khó khăn, gia đình nào cũng chăm lo sửa soạn trang trí bàn thờ sao cho thật ấm cúng, quét dọn nhà cửa sao cho thật sạch sẽ gọn gàng. Các chị, các mẹ thì tranh thủ đi chợ tết.
Vậy nên, dù cái lạnh phảng phất của mùa đông vẫn còn quyến luyến nhưng các phiên chợ ngày giáp tết luôn có một sức hút diệu kì với sự tất bật của dòng người từ khắp nơi nô nức kéo về. Người bán hàng thì đến sớm để bày biện hàng hóa, người mua hàng cũng tranh thủ đi mau để lựa mua những thức ăn tươi ngon. Tiếng nói cười, gọi nhau í ới vang dậy cả một góc không gian.
Ngày thường các phiên chợ chỉ đông vài tiếng thì vãng nhưng ngày giáp tết do nhu cầu của người tiêu dùng nhiều nên các chợ họp suốt cả ngày để người dân mua sắm được thỏa mái. Với quan niệm “một năm mới đón tết một lần” nên tâm lí ai cũng muốn mua sắm thật nhiều sau một năm dành dùm chắt chiu, được diện những bộ áo quần đẹp nhất để đi đây đi đó để được “ bằng chị bằng em”. Vậy nên các mặt hàng như áo quần, giày dép, mũ nón, mỹ phẩm rồi còn ly, chén, tích trà, son nồi … đều bán rất chạy. Đi chợ tết dù có bận rôn đến đâu các chị, các mẹ đều không quên ghé gian hàng nông sản để tìm mua vài nải chuối, buồng cau, ít hoa quả để dâng lên ông bà tổ tiên với những ước vọng đầu năm kèm theo đó là vài cuộn lá chuối được vuốt phẳng lì, để sau đó cùng với nếp, đậu và thịt sẽ làm nên những chiếc bánh chưng, bánh tét cực kì xinh xắn. Đó là lễ vật không thể thiếu của mọi nhà trong 3 ngày tết để dâng lên ông bà tổ tiên, là nét đẹp văn hóa truyền thống được các thế hệ người Việt Nam lưu truyền.
Phiên chợ ngày tết còn được tô điểm thêm màu sắc bởi sự quyến rũ, cuống hút khó cưỡng của hàng trăm loài hoa, nào là hoa huệ, lay ơn, ly ly, cẩm chướng, hoa cúc, vạn thọ, hoa hồng…tất cả đều sặc sỡ, lung linh lẫn hương thơm thoang thoảng của giác trầm được người dân mua về xông nhà những dịp cuối năm nhằm tẩy đi những điều không may....
Không có phiên chợ nào vui và nhộn nhịp như phiên chợ ngày tết, bởi góp phần tô điểm không gian đó là tiếng nói tiếng cười, gọi nhau í ới của lũ trẻ. Nhìn nét mặt cô cậu nào cũng hớn hở, vui tươi bởi chúng được mẹ dẫn đi sắm cho những bộ quần áo đẹp nhất để đầu năm phúng phính đi khoe ông bà, họ hàng được nhận những bao lì xì xinh xắn.
Có thể nói, từ lâu không gian chợ quê ngày Tết đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, ăn sâu vào ký ức, tiềm thức của mỗi người nhất là những người con xa quê, bởi ở đó họ mới có thể tìm lại cảm xúc của những ngày còn thơ khi được cùng mẹ ra chợ. Đó là niềm nhớ mà mỗi người mang theo suốt hành trình sống. Để rồi, những ngày cuối năm, lòng người ai cũng náo nức, rạo rực, chờ đợi như muốn hòa vào không gian ngày tết để được cảm nhận sâu sắc hơn sự giao hòa giữa đất trời và vạn vật.
Bích Liễu