CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:23/11/2024

Người dân phát triển kinh tế nhờ trồng thơm

 

Trong những năm gần đây, kinh tế người dân của các xã Đại Sơn, Đại Hồng dần khá lên nhờ vào cây dứa.  Tận dụng diện tích hàng trăm ha vùng gò đồi dọc, nhiều năm qua người dân 2 xã Đại Hồng và Đại Sơn đã tổ chức trồng thơm ( dứa) nhằm nâng cao thu nhập kinh tế địa phương, cây dứa trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho nhiều người dân nơi đây.

Những ngày cuối năm và  đầu xuân Ất Mùi 2015, dọc các tuyến đường QL 14B qua địa phận 2 xã Đại Hồng, Đại Sơn. Mọi người sẽ dễ dàng nhận thấy cảnh vận chuyển, thu gom hàng diễn ra khá tấp nập, khiến cho bức tranh kinh tế của người dân có phần sáng sủa hơn. Theo quan sát của chúng tôi, những bãi tập kết thơm (dứa) tại vùng Khe Hoa, D7 (xã Đại Sơn), địa phận giáp ranh với Nam Giang đông đúc từ 25 tháng Chạp đến nay. Những ngày này, dọc tuyến QL 14B đi qua địa phận Đại Hồng, Đại Sơn, những chợ thơm di động được hình thành, cảnh mua bán diễn ra tấp nập. Hàng trăm chiếc cộ (xe trâu) chở thơm từ nương rẫy về tập kết tại các bãi để các thương lái tiện việc tới thu gom và vận chuyển đi. 

Theo nhiều chủ thơm vùng Khe Hoa, Đại Sơn cho biết :  vụ thơm  năm nay tuy giá cả không đắt đỏ như  những năm trước nhưng cũng ở mức cao, dao động từ 4.000 - 5000 đồng/trái. Trước đó, để phục vụ thị trường trái cây tết, nhiều hộ trồng thơm nơi đây đã làm việc cật lực để thu gom và vận chuyển từ trên rẫy xuống đường để các tiểu thương đến mua. Gía thơm ở mức 5000 – 7000 đồng/ trái, khiến cho nhiều hộ dân trồng thơm vui mừng phấn khởi. Bà Nguyễn Thị Tin, người trồng thơm xã Đại Hồng cho biết, gia đình bà làm 3 sào đất lúa tuy nhiên do địa hình gò đồi, thường xuyên bị thiếu nước đa phần phụ thuộc vào nước trời nên năng suất của cây lúa rất bấp bênh, có năm mất mùa khiến kinh tế gia đình bà rơi vào khó khăn. Biết cây lúa không trở thành cây chủ lực cứu đói nên gia đình bà đã khai thác trồng được 3 ha thơm ( dứa), qua nhiều khâu chăm sóc, vun bón, vụ lứa thơm tết vừa rồi gia đình mà đã lãi gần 50 triệu đồng.

 Ngoài ra, do thu hoạch trúng dịp tết nên nhiều hộ trồng thơm được phen khấm khá, người trồng nhiều thì thu nhập khoảng từ 50 - 70 triệu đồng hoặc cả trăm triệu đồng cho một vụ thơm, còn hộ trồng ít có thể đạt 20 - 30 triệu đồng/ vụ.

Được biết, cả vùng Đại Lộc có khoảng 1.500ha đất trồng thơm, chủ yếu tập trung ở những vùng đồi núi của các xã Đại Hồng, Đại Lãnh, Đại Sơn, Đại Tân với số lượng hộ tham gia trồng lên đến vài trăm. Những vụ thơm bội thu đã góp phần đem lại đời sống ấm no cho người dân bản địa. Ông Huỳnh Đức Cam, một tiểu thương có nhiều năm mua hàng nông sản tại các vùng cao Đại Lộc cho hay, từ 25 tháng Chạp tới nay, ông đã thu gom cả chục tấn thơm của người dân 2 xã Đại Hồng, Đại Sơn để đưa đi bỏ mối sỉ các chợ đầu mối tại Đà Nẵng, Huế. Năm nay, nhu cầu thị trường thơm có phần ổn định bởi không chỉ là thực phẩm cho ngày tết mà còn là thứ quả dùng để thờ cúng tổ tiên. Vì đáp ứng nhu cầu chưng và thờ cúng nên thơm được thu mua phải còn là thơm xanh hoặc chỉ ở độ chín hường, trái đẹp.

Còn với chị  Đinh Thị Thanh Nga, một tiểu thương tại Aí Nghĩa cho hay mỗi ngày cơ sở của chị cũng tiêu thụ khoảng vài tạ dứa, chủ yếu do các thương lái bỏ sỉ lại. Chị Nga cho hay “ thị trường dứa gần đây có chiều hướng tăng mạnh bởi người dân bây giờ có nhu cầu thờ dứa rất nhiều vì vừa đẹp, sạch lại để được lâu không giống như nhiều loại trái cây chỉ để vài ngày là úng rồi chị Nga chia sẻ” Không những phân phối cho một số chợ như Hà Nha, Aí Nghĩa, Ngã Tư,.. các thương lái còn chở đi phân phối ở một số khu vực miền Trung - Tây Nguyên thông qua bỏ sĩ bạn hàng và  phục vụ nhu cầu ăn uống lẫn thờ cúng, trung bình mỗi xe tải chở từ 8 vạn đến cả chục vạn thơm.

Có thể nói, những vụ thơm bội thu đã góp phần nâng cao kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đem lại đời sống ấm no cho người dân bản địa nơi đây. Cây thơm đã trở thành cây hàng hóa chủ lực vùng cao Đại Lộc đặc biệt là dịp Tết đến xuân về.

Nhật Duy

 

 

 
 

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất