CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:23/11/2024

Những lợi ích của việc thực hiện Đề án Số hóa truyền dẫn , phát sóng truyền hình mặt đất

Trong thời gian qua, nhất là hiện nay, nhiều người ở khu vực Bắc Quảng Nam trong đó có huyện Đại Lộc, rất quan tâm đến việc số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất.Việc số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất mang lại lợi ích gì và ảnh hưởng đến từng hộ gia đình như thế nào.

 

 

 

Số hóa truyền hình là quá trình chuyển đổi và tạm ngưng phát sóng truyền hình analog (A-na-lốc) hiện nay để chuyển sang phát sóng kỹ thuật số. Mục tiêu chính là chuyển đổi phát sóng analog mặt đất sang phát sóng số mặt đất nhằm phục vụ tốt hơn cho mọi người xem truyền hình. Theo Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất ở nước ta đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2451, với mục tiêu đến 31/12/2020 đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau.

 

Theo lộ trình triển khai đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất thì đến cuối năm 2015, năm thành phố trực thuộc Trung ương là: Thành phố Hà Nội; Thành phố Hồ Chí Minh; Thành phố Đà Nẵng; Thành phố Cần Thơ và Thành phố Hải Phòng sẽ ngừng phát sóng truyền hình analog (còn gọi là truyền hình tương tự) và đến cuối năm 2020, cả nước sẽ chuyển sang truyền hình số mặt đất... Theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt, Đà Nẵng sẽ là thành phố được chuyển đổi phát sóng truyền hình số đầu tiên trong cả nước và thí điểm triển khai vào ngày 01/7/2015.

Đối với nền kinh tế - xã hội, truyền hình số mặt đất không chỉ đem lại lợi ích về chất lượng chương trình truyền hình mà còn đem lại rất nhiều lợi ích về hiệu quả sử dụng tần số vô tuyến điện, điều quan trong là truyền hình số mặt đất sẽ sử dụng phổ tần số ít hơn so với truyền hình tương tự. Chẳng hạn, nếu như với truyền hình tương tự, chỉ có thể truyền tải một kênh chương trình truyền hình trên một kênh tần số 8 MHz, thì với kỹ thuật số tiêu chuẩn DVB-T2 cho phép truyền tải khoảng 20 chương trình truyền hình SD trên một kênh 8 MHz. Điều này cũng có nghĩa là, khi hoàn thành số hóa truyền hình, một phần băng tần UHF sử dụng cho truyền hình mặt đất sẽ được giải phóng. Phần băng tần “dôi dư” này có thể dành để phát triển các dịch vụ thông tin di động băng rộng (4G) và một số dịch vụ thông tin vô tuyến khác. Nói cách khác, việc số hóa truyền hình sẽ mở đường cho việc triển khai dịch vụ băng rộng 4G tại nước ta. Nguồn kinh phí thu được do các băng tần “dôi dư” này có thể được đầu tư trở lại để thúc đẩy quá trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. Bên cạnh đó, do truyền tải được nhiều kênh chương trình trên một kênh tần số, nên  thay vì phải đầu tư nhiều máy phát, để mỗi máy phát, phát một kênh chương trình như hiện nay, chỉ cần đầu tư một máy phát số có thể phát được tất cả các chương trình này dẫn đến tiết kiệm được kinh phí đầu tư thiết bị, nhân công vận hành, tiền  điện, nhà trạm v.v… Ngoài ra, đối với truyền hình tương tự mặt đất, do đặc điểm mỗi kênh tần số chỉ truyền tải được một kênh chương trình, nên việc thêm kênh chương trình mới tại một địa điểm nhất định là hết sức khó khăn, đôi khi là một nhiệm vụ bất khả thi do không còn tần số hoặc bị can nhiễu, thì việc này đối với truyền hình số được thực hiện một cách dễ dàng. Như vậy, hiệu quả đầu tư và khai thác hệ thống truyền dẫn và phát sóng số cao hơn so với hệ thống truyền dẫn và phát sóng tương tự.

Với những ưu điểm vượt trội của truyền hình số so với truyền hình analog; trong những năm qua, truyền hình số mặt đất đã phát triển mạnh mẽ trên thế giới và đang thực hiện ở Việt Nam. Việc thay thế hoàn toàn truyền hình mặt đất analog  bằng công nghệ truyền hình số mặt đất trên toàn thế giới sẽ diễn ra trong tương lai không xa. Do đó,đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất ở nước ta nói chung và tại Đà Nẵng nói riêng là một chủ trương đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân và xã hội.

Trên phương diện lý thuyết, kể cả quá trình phát thử nghiệm đều cho thấy: khi xem tín hiệu truyền hình số mặt đất thay cho tín hiệu truyền hình tương tự, đồng nghĩa với việc người xem sẽ xem được rất nhiều kênh truyền hình có chất lượng âm thanh và hình ảnh tốt hơn, thay vì chỉ được xem một số kênh chương trình như hiện nay. Tín hiệu truyền hình số sẽ  không còn hiện tượng “muỗi”, “bóng ma” như khi xem tín hiệu truyền hình tương tự. 

          Đối với người xem truyền hình, việc tham gia vào Đề án số hóa truyền hình, xem ra rất đơn giản.  Với những hộ gia đình đang sử dụng Tivi đã mua từ những năm trước, chưa tích hợp bộ thu tín hiệu truyền hình số thì chỉ cần đầu tư thêm một đầu thu tín hiệu truyền hình số mặt đất chuẩn DVB-T2là có thể thu được tất cả các các kênh truyền hình thiết yếu, các phần còn lại như tivi, anten, dây fi-đơ … đều có thể tận dụng lại được. Trong thời gian này hoặc về sau, nếu có điều kiện thì nên mua Tivi đã tích hợp bộ thu tín hiệu truyền hình số;  Người mua có thể nhận biết được các tivi đã tích hợp sẵn bộ  thu truyền hình số  thông qua nhãn hàng hóa, dấu hợp quy, hoặc logo biểu trưng số hóa truyền hình gắn trên sản phẩm. Hiện tại, có khoảng 100 loại tivi khác nhau của các hãng sản xuất đã được tích hợp sẵn đầu thu DVB-T2. Lúc đó, người xem có thể được xem truyền hình có độ phân giải cao (HDTV) hoặc siêu cao (SHDTV);  truyền hình 3 chiều (3D TV), truyền hình trên thiết bị di động và điều này chỉ có thể thực hiện khi đã số hóa tín hiệu truyền hình. Tuy nhiên, những hộ gia đình sử dụng truyền hình trả tiền như: truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh sẽ không bị ảnh hưởng.

Hiện tại, do trong quá trình chuẩn bị triển khai thực hiện đề án, đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc; song Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất vẫn quyết định giữ nguyên thời điểm bắt đầu tắt kênh chương trình analog theo đúng kế hoạch đã vạch ra và có một số điều chỉnh nhằm phù hợp với tình hình thực tế đó là: Thay vì cắt sóng analog hoàn toàn từ ngày 1/7/2015 như lộ trình ban đầu, Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam sẽ chỉ chuyển sang số hóa 3 kênh truyền hình không thiết yếu là VTV6, VTV Đà Nẵng và DRT1 vào thời điểm nói trên. Các kênh còn lại, trong đó có VTV1 và VTV3 sẽ được cắt sóng dần trước hạn chót 30/9/2015.

                                                                              

 Lê Ngọc Cường

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất