Được viết ngày Thứ hai, 06 Tháng bẩy 2015 02:31 Lượt xem: 909
Trao đổi thông tin, tài liệu trên môi trường mạng đã góp phần giảm bớt chi phí, thời gian và tăng tính tiện lợi cho các cá nhân, tổ chức trong giải quyết công việc. Tuy nhiên, điều đó cũng tiềm ẩn những nguy cơ về an toàn thông tin như mạo danh người gửi, đánh cắp hoặc sửa đổi thông tin, tài liệu. Vì vậy, đối với văn bản, tài liệu số, việc xác thực bằng chữ ký số là giải pháp an toàn nhất hiện nay.
Sơ đồ quy trình sử dụng chữ ký số trong việc nộp tờ khai thuế cho các cơ quan thuế. Ảnh internet |
Thực trạng thuận lợi
Quảng Nam phấn đấu đến năm 2020 có 100% sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn ứng dụng chữ ký số và thư điện tử; 50% số văn bản hành chính được luân chuyển giữa các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã dưới dạng văn bản điện tử có ứng dụng chữ ký số; 80% số sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố ứng dụng chữ ký số vào các phần mềm như quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp, cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến. (Nguồn: Đề án ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước ở Quảng Nam) |
Tại Quảng Nam hiện nay, hầu hết cơ quan, đơn vị đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp phục vụ cho việc gửi nhận văn bản điện tử nội bộ. Trang thông tin điện tử của các cơ quan cũng đang được nâng cấp, hoàn thiện, hướng tới cung cấp các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, 4. Trong đó, ngành thuế và hải quan đã chính thức triển khai các phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp kê khai điện tử có ứng dụng chữ ký số. Hầu hết sở, ban ngành, huyện, thị xã, thành phố đã có mạng LAN và kết nối internet. Đáng chú ý, toàn tỉnh có 60 đơn vị kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng Chính phủ. Hiện nay, Quảng Nam đang triển khai xây dựng hệ thống mạng WAN trên cơ sở nâng cấp mạng truyền số liệu chuyên dùng Chính phủ, phục vụ cho việc kết nối, truy cập các ứng dụng, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh và trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước đảm bảo an toàn, thông suốt. Tuy nhiên chữ ký số chưa được ứng dụng trong các cơ quan nhà nước, nên các văn bản được phát hành chính thức vẫn phải được in ra giấy, đóng dấu của cơ quan; việc liên thông gửi nhận văn bản điện tử giữa hệ thống phần mềm của các cơ quan không thực hiện được và việc đảm bảo xác thực, bảo mật thông tin còn hạn chế. Trong khi đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển; các giao dịch điện tử thông qua trang/cổng thông tin điện tử, email… ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, các loại văn bản điện tử trao đổi qua mạng chưa đảm bảo tính pháp lý theo quy định do chưa áp dụng chữ ký số, do đó chưa thể thay thế văn bản giấy, khiến cho việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa thể triển khai đồng bộ, triệt để với hiệu quả cao nhất. Hầu hết cán bộ, công chức của tỉnh có kỹ năng tin học cơ bản, sử dụng thành thạo các ứng dụng văn phòng, mạng internet và các ứng dụng chuyên ngành. Đây là điều kiện thuận lợi cho công tác triển khai, áp dụng chữ ký số trong thời gian tới của tỉnh.
Nhiều tiện ích
Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử, dựa trên công nghệ mã khóa công khai (RSA): mỗi người dùng phải có cặp khóa (keypair) gồm khóa công khai (public key) và khóa bí mật (private key). Khóa bí mật thuộc hệ thống mật mã không đối xứng, được dùng để tạo chữ ký số. Khóa công khai thuộc hệ thống mật mã không đối xứng, được sử dụng để kiểm tra chữ ký số được tạo bởi khóa bí mật tương ứng trong cặp khóa. Ký số là việc đưa khóa bí mật vào một chương trình phần mềm để tự động tạo và gắn chữ ký số vào thông điệp dữ liệu. Người ký là thuê bao dùng đúng khóa bí mật của mình để ký số vào một thông điệp dữ liệu dưới tên của mình. Người nhận là tổ chức, cá nhân nhận được thông điệp dữ liệu được ký số bởi người ký, sử dụng chứng thư số của người ký đó để kiểm tra chữ ký số trong thông điệp dữ liệu nhận được và tiến hành các hoạt động, giao dịch có liên quan. |
Việc đẩy mạnh ứng dụng chứng thực và chữ ký số chuyên dùng trong các giao dịch điện tử sẽ từng bước thay thế các giao dịch truyền thống. Nếu thực hiện thành công, sẽ mang lại nhiều lợi ích như tăng năng suất xử lý công việc, giảm thời gian và chi phí dành cho các công việc liên quan đến văn bản giấy (in ấn, phát hành, lưu trữ...), nâng cao mức độ an toàn và bảo mật cho giao dịch điện tử giữa các cơ quan quản lý hành chính nhà nước trên môi trường mạng máy tính. Chữ ký số còn góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước; tăng cường trao đổi văn bản điện tử, giảm trao đổi giấy tờ giữa các cơ quan, giữa cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp; góp phần vào công cuộc cải cách hành chính, hướng tới chính phủ điện tử.
An toàn là vậy, nhưng để triển khai ứng dụng chữ ký số, đòi hỏi phải đảm bảo hạ tầng kỹ thuật. Chẳng hạn như hệ thống mạng LAN của các cơ quan, đơn vị kết nối với hệ thống mạng WAN và mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong hệ thống mạng. Một vấn đề quan trọng không kém là đào tạo nhân lực cho ứng dụng chữ ký số để định hình được phương thức và hiệu quả áp dụng. Vì vậy, UBND tỉnh dự kiến năm 2016 sẽ khảo sát hạ tầng, nhu cầu và đăng ký tiếp nhận chứng thư số. Sau đó, sẽ tổ chức tập huấn, triển khai và bàn giao chứng thư số giai đoạn 1; xây dựng quy chế quản lý và sử dụng chữ ký số.
BẢO NGUYÊN