Hôm nay:22/11/2024
Hướng đi mới cho chè An Bằng Đại Thạnh
Bích Liễu
Đại Thạnh là một trong những xã miền núi của huyện Đại Lộc, đời sống, kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Xã có diện tích đồi gò rất lớn, hiện nay đa số đồi gò trồng những cây lâu năm, trồng tiêu, trồng chè còn kém hiệu quả, chưa giải quyết được nhu cầu về công ăn việc làm cho người dân địa phương. Một thời, người Đại Lộc tự hào về danh tiếng của một loại chè thơm, ngon được trồng nhiều ở vùng gò đồi Đại Thạnh vốn có chất đất feralit đỏ vàng. Lá chè An Bằng nhỏ, hơi vàng, giòn, thơm đậm, có vị chát, màu đẹp. Trước năm 1945, xứ chè An Bằng từng có những gia đình phất lên nhờ sở hữu hàng ngàn gốc chè cho tới cả chục ngàn gốc như ông Thủ Thi, Xã Nhạn, Hương Ba, Thủ Lựu… Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm, hiện toàn xã chỉ còn khoảng 150 hộ trồng chè rải rác với gần 30ha. Trong đó tập trung khoảng 20 ha tại thôn An Bằng, còn lại rải rác ở thôn Mỹ Lễ, Tây Lễ. Nguyên nhân suy giảm diện tích là vì yếu tố gió bão tự nhiên, thị trường bị thu hẹp, tập quán canh tác lạc hậu của người dân khiến diện tích giảm sút và đất đai bị thoái hóa.
Với quyết tâm xây dựng và phục hồi thương hiệu chè xanh An Bằng từ những cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước và từ nguồn vốn đối ứng của chính phủ, HTX Đại Thạnh Phát với 7 thành viên đã chủ động xây dựng Dự án "Sản xuất Chè An Bằng liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm". Theo đó, HTX đãđứng ra ký kết hợp đồng với các đơn vị cung ứng giống chè cho nông dân trồng dặm trên diện tích chè đã trồng trước đó. Đồng thời, thu mua nguyên liệu, tự sản xuất để tạo ra các sản phẩm ban đầu như: chè tươi truyền thống, cao chè, bột chè xanh matcha, bancha mang thương hiệu chè An Bằng. Đây là những sản phẩm được thị trường ưa chuộng rộng rãi.
Được biết, mỗi héc ta chè xanh An Bằng sẽ cho ra 20 tấn chè tươi với giá bán 15.000 đồng/kg, doanh thu mỗi héc ta chè xanh từ 200-300 triệu đồng. Đối với sản phẩm chè bancha, mỗi ký chè có giá 300.000 đồng. Riêng đối với chè khô vốn được HTX sao khô từ chè tươi theo dây chuyền sao lạnh, đóng gói, hút chân không, gắn nhãn mác, với 20 tấn nguyên liệu, sau khi sơ chế, đóng gói, lợi nhuận HTX thu về 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, HTX thu lãi 300-500 triệu đồng/ha trồng chè. Hiện HTX đang nỗ lực tìm kiếm thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm chế biến sâu, liên kết giữa 4 nhà, tạo chuỗi giá trị. Qua đó giúp đưa sản phẩm tham gia vào chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), nâng giá trị, thương hiệu, hướng tới xuất khẩu khi sản phẩm được công nhận các tiêu chuẩn liên quan. Bà Nguyễn Thị Minh Nam, Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh chia sẻ:“Việc xây dựng thương hiệu chè xanh An Bằng đã góp phần nâng giá trị sản phẩm trong chuỗi liên kết sản xuất lẫn tiêu thụ, giúp người dân yên tâm trồng chè, yên tâm giữ lại và đầu tư thâm canh vào những diện tích chè xanh nhiều năm tuổi. Vùng Đại Thạnh hiện vẫn còn nhiều gốc chè có tuổi đời từ 50-70 năm, đặc tính của cây chè là càng lâu năm, chất lượng càng tốt, dược tính càng cao".
Năm 2020, HTX dự kiến hợp đồng bao tiêu 5ha sản phẩm chè xanh An Bằng và tiếp tục mở rộng thu mua sản phẩm cho nông dân. Với hướng đi này, chè xanh An Bằng dự kiến đạt giá trị 200 triệu đồng/ha/năm và tiếp tục nâng giá trị trên 1 héc ta diện tích. Ngoài ra, HTX còn chú trọng việc ứng dụng các tiến bộ KHKT trong khâu sản xuất như quá trình tưới tiêu sử dụng hệ thống tưới tự động; đóng gói, gắn nhãn mác, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Theo đó, người dân sẽ được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ giống, phân bón, hệ thống tưới… Đặc biệt, người sản xuất phải tuân thủ quy trình sản xuất cây chè theo tiêu chuẩn của Bộ NNvà PTNT. HTX cũng sẽ phổ biến quy trình sản xuất từ đào hố, bón phân, trồng chè, Mục tiêu phải xây dựng mô hình trồng chè an toàn có liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm có quy mô 20 tấn/ha/năm. Không chỉ tập huấn kỹ thuật trồng chè, người dân tham gia dự án còn được hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật đóng gói sản phẩm chè tươi, đóng gói sản phẩm chè khô sau sản xuất. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình NTM, hợp tác xã đầu tư máy sấy lạnh, máy đóng gói sản phẩm và máy in màu nhãn sản phẩm. Ông Ngô Văn Chi, Giám đốc HTX Đại Thạnh Phát cho biết: “Việc tham dự dự án sẽ giúp người dân có cơ hội nâng cao nhận thức sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và phát triển nông nghiệp bền vững góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm của địa phương".
Có thể nói, với Dự án " Sản xuất Chè An Bằng liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm" là một hướng đi mới góp phần ổn định đầu ra nông sản cho người. Đồng thời là cơ sở để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi sản phẩm, đưa sản phẩm chè An Bằng tham gia Chương trình OCOP vào năm 2020./.