Hôm nay:22/11/2024
ĐỘNG HÀ SỐNG - CHIẾN TÍCH LỪNG LẪY
Khánh Toàn
Động Hà Sống nay thuộc địa phận thôn Vĩnh Phước (xã Đại Đồng), nằm trên tuyến ĐT 609 (quốc lộ 14 B cũ), cách thị trấn Ái Nghĩa khoảng hơn 10 km. Động có độ cao chừng 40 mét so với mực nước biển. Bên trái là vịnh sâu sát sông Vu Gia. Bên phải là vách núi. Động Hà Sống là cửa ngõ của các xã phía Tây Đại Lộc nối liền với vùng rừng núi Hiên-Giằng (tức Đông Giang- Tây Giang và Nam Giang ngày nay). Từ đây, có thể nhìn bao quát 3 xã Đại Sơn, Đại Lãnh và Đại Hồng. Phía tây của Động là đồi núi nối tiếp nhau, trong đó có điểm cao 1.062 mét. Thuở xa xưa, con đường qua đèo tương đối sơ khoáng, nằm lọt giữa rừng rậm, cây cối um tùm rất khó đi lại. Với thế núi, hình sông như vậy, Động Hà Sống đã trở thành một phòng tuyến thiên nhiên khá lợi hại chống giặc ngoại xâm.
Trong những năm 1885-1887, phong trào Nghĩa hội Quảng Nam đã xây dựng căn cứ địa Sông Con để đánh Pháp và ngụy triều Đồng Khánh với người chỉ huy là cụ Trần Đỉnh (thường gọi là Tú Đỉnh), quê làng Gia Cốc, tổng Phú Mỹ, huyện Duy Xuyên, nay thuộc thôn Gia Huệ, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc. Đây là căn cứ địa thứ hai của Nghĩa hội, sau căn cứ Trung Lộc, Nông Sơn (Tân Tỉnh).
Căn cứ địa Sông Con có ưu thế là nằm sâu trong rừng núi phía Nam và Tây Bắc của tỉnh, có thể vào miền núi Gia Lai, Kon Tum hoặc ra miền núi Thừa Thiên, Quảng Trị. Nghĩa hội đã tận dụng thế hiểm trở của Động Hà Sống để biến nơi đây thành một phòng tuyến từ xa nhằm bảo vệ căn cứ địa Sông Con. Tuyến phòng ngự này gồm hai khu vực: dưới sông và trên đèo. Quân ta dùng tre, gỗ đóng chắn ngang sông, làm bẫy đá trên không để ngăn chặn quân Pháp và tay sai tiến lên căn cứ địa theo đường sông. Trên đèo, ta đào hào, ngụy trang kín đáo, bố trí các toán nghĩa quân sử dụng gươm giáo, súng hỏa mai, đoản, côn mai phục. Nghĩa quân còn dùng cả hỏa hổ và một loại xe bánh bằng gỗ, có bức chắn bằng đất sét trộn với rơm, vừa đẩy xe vừa tiêu diệt địch. Dọc đường lên Động, còn rải trái mù u để quân địch đi qua thì trượt ngã. Để tăng hỏa lực cho tuyến phòng thủ, Nghĩa hội Quảng Nam đã điều hai khẩu thần công từ Bến Đồn, Trung Phước về Hà Sống theo đường Bến Dầu- Truông Chẹt - Cấm Muồng bằng sức người và sức trâu. Súng thần công được đặt trên đỉnh Động nhằm thực hiện phương châm: "Đánh gần kết hợp với đánh xa": có thể bắn đi xa hoặc bắn thẳng xuống quân địch khi chúng dùng thuyền, ca nô đi lại trên sông.
Phòng tuyến xây dựng xong, nhân dân quanh vùng đã thực hiện phương châm "Vườn không, nhà trống", ban đêm ở nhà, ban ngày đi sản xuất hoặc tích cực luyện tập chuẩn bị đánh địch.
Với phòng tuyến Động Hà Sống, Nghĩa hội Quảng Nam đã nhiều lần cản phá cuộc tấn công của quân Pháp và triều đình vào căn cứ địa Sông Con. Tuy nhiên, từ năm 1886, phong trào Nghĩa hội liên tiếp gặp tổn thất, nhất là khi người chỉ huy căn cứ Sông Con là Tán tương quân vụ Trần Đỉnh bị giết, phòng tuyến Động Hà Sống bị vỡ.
Trong những thời kỳ lịch sử sau này, Động Hà Sống tiếp tục thể hiện vị trí chiến lược của mình. Năm 1947, quân Pháp trở lại đánh chiếm Đại Lộc. Chính Động Hà Sống đã góp phần ngăn chặn quân địch tiến sâu vào miền Tây Đại Lộc và vùng rừng núi Hiên- Giằng. Cách Động về phía tây khoảng 1,5km, vào ngày 26-3-1947, Trung đoàn 96 của tỉnh cùng lực lượng vũ trang địa phương đã làm nên chiến thắng Ba Khe lịch sử. Từ năm 1947-1950, Động Hà Sống trở thành ranh giới giữa vùng tự do và vùng địch tạm chiếm; từ năm 1950-1954 thuộc hẳn vùng tự do.
Trong những năm 1954-1975, đế quốc Mỹ và tay sai đã biến Động Hà Sống thành một cứ điểm quân sự lợi hại. Chính dưới chân Động, tối ngày 12-11-1954, địch đã hèn hạ bắn chết tất cả 6 đồng chí Xã ủy Đại Đồng, đạp xuống gành sông Vu Gia, rồi lấy đá đè lên xác. Đây là một trong những tội ác tày trời của địch ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ vừa được ký kết chưa đầy 4 tháng. Nhưng cũng chính tại ngọn đèo này, những năm sau đó, đã diễn ra nhiều trận đánh ngoan cường của lực lượng vũ trang chủ lực địa phương. Cuối năm 1967, du kích Đại Đồng, được sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực, đã phá hủy nhiều xe ủi đất của địch trong âm mưu cày ủi Động Hà Sống để xây dựng căn cứ, thu 5 súng AR 16, diệt 60 tên. Mặc dù kẻ thù canh gác nghiêm ngặt song lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam vẫn phấp phới tung bay ngay sát đồn Mỹ đóng tại Động Hà Sống, khiến chúng hoang mang, dao động. Đặc biệt, quân dân Đại Đồng đã cùng bộ đội chủ lực tiêu diệt cứ điểm Động Hà Sống vào ngày 17-8-1974 khiến cho địch mất đi một vị trí quan trọng để thực hiện âm mưu tái chiếm Thượng Đức.
Động Hà Sống, qua bao thăng trầm của lịch sử, đã trở thành chứng nhân quan trọng, là một trong những biểu tượng sáng ngời về ý chí bất khuất, kiên trung của mảnh đất và con người Đại Lộc, xưa và nay.
Di tích Động Hà Sống đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2008.