CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:22/11/2024

TRƯỜNG CẤP 2 DUY MỸ - NGÔI TRƯỜNG KHÁNG CHIẾN

TRƯỜNG CẤP 2 DUY MỸ - NGÔI TRƯỜNG KHÁNG CHIẾN

Vân Trình 

     Trường cấp 2 Duy Mỹ  hình thành và tồn tại trong thời kháng chiến chống Pháp, từ năm 1951 đến 1954. Trường toạ lạc trên đồi Cây Cốc, thôn Phú Hanh, xã Duy Mỹ, huyện Duy Xuyên, nay thuộc thôn Tây Lễ, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc. Từ ngôi trường kháng chiến này, các thế hệ học sinh sau Cách mạng Tháng Tám đã được giáo dục chu đáo, không chỉ kiến thức mà cả về lòng yêu nước, về nhân cách sống ở đời, về tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Nhiều người trở thành những trí thức, những cán bộ, chiến sĩ hết lòng hết sức cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang dân tộc.

     Thu Đông năm 1950, phối hợp với chiến trường Việt Bắc, tại Liên khu 5, ta mở chiến dịch Hoàng Diệu, kết quả đã giải phóng được một vùng khá rộng ở phía Bắc và Tây Bắc huyện Duy Xuyên; phía Bắc huyện Đại Lộc. Để xây dựng và củng cố vùng mới giải phóng, một trong những chủ trương lớn của tỉnh Quảng Nam là vừa nhanh chóng phát triển hệ thống các trường cấp 1 ở khắp xã, thôn, vừa mạnh dạn mở một trường cấp 2 chung cho toàn vùng. Mục đích mở trường cấp 2 lúc này, trước hết nhằm nâng cao dân trí, đào tạo lớp cán bộ trẻ phục vụ yêu cầu kháng chiến. Đây cũng là biện pháp đấu tranh văn hóa - giáo dục với địch ở vùng giáp ranh, thu hút con em vùng tạm chiếm đến học và khỏi phải đi học xa ở các trường cấp 2 phía Nam tỉnh. Nơi được chọn để lập trường là xã Duy Mỹ- trung tâm của vùng mới giải phóng phía Bắc tỉnh. Giao thông đến đây tương đối thuận lợi cả đường thuỷ (sông Thu Bồn) và đường bộ. Học sinh các vùng tạm chiếm, tự do, giáp ranh đều lên xuống tập trung dễ dàng.

     Tháng 7-1951, thầy giáo Kiều Xuân Bá (sau này được phong Giáo sư) được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường cấp 2 Duy Mỹ. Ông đã cùng các lãnh đạo xã Duy Mỹ: Trương Ban- Bí thư chi bộ xã, Trần Xuân Tại (tức Lê Văn Đại)- Chủ tịch Uỷ ban Hành chính kháng chiến xã chọn lựa địa điểm đặt trường lớp theo những yêu cầu cần thiết trong hoàn cảnh có chiến tranh, đó là: đảm bảo kín đáo để phòng tránh máy bay địch bắn phá và dễ dàng di dời nếu địch từ Ái Nghĩa, Giao Thủy vượt sông Vu Gia sang càn quét vùng tự do của ta. Mặt khác, phải có đủ số nhà dân để học sinh ở xa đến xin trọ học. Địa điểm thích hợp được chọn là khu đình làng nằm trên đồi Cây Cốc, phía trong chợ Bến Dầu chưa đầy một cây số. Nơi đây có cây trâm bầu cổ thụ cùng nhiều cây cối che chắn, nguỵ trang.

     Trong hoàn cảnh kháng chiến gặp nhiều gian khó, nhân dân địa phương, mà nòng cốt là Hội phụ huynh học sinh (do cụ Nghè Sáu, một nhân sĩ yêu nước làm Hội trưởng), đã sốt sắng góp công, góp của nên chỉ trong một thời gian ngắn đã xây dựng xong trường lớp mà chính quyền cấp trên không phải tốn một khoản kinh phí nào. Xung quanh ngôi đình - nơi đặt Văn phòng Hiệu trưởng, có 3 lớp học tranh tre bố trí cách nhau khoảng 50 - 70 mét. Bàn ghế thô sơ: ván gỗ xẻ kê đà tre. Bảng đen sơn bằng lá dâm bụt, lá rau lang trộn với nhọ nồi. Cạnh mỗi lớp là những hầm trú ẩn cá nhân do học sinh tự đào làm nơi phòng tránh khi có báo động máy bay địch đến. Cán bộ quản lý trường, ngoài thầy Kiều Xuân Bá là Hiệu trưởng kiêm giảng dạy, còn có thầy Huỳnh Anh làm Thư ký kiêm dạy cấp 1 (trường có 2 lớp 5). Giáo viên giảng dạy lúc đầu có 5 thầy: Nguyễn Văn Giai, Hồ Văn Nhỏ, Lê Đình Liệp, Nguyễn Hữu Thương, Đặng Học Vấn. Thời gian sau, có thêm 3 thầy giáo: Huỳnh Tân (Tú Tân), Nguyễn Thuật và Trần Ngọc Anh. Mỗi niên học trường Duy Mỹ có hơn 150 học sinh, chia làm 3 lớp (2 lớp 5 và 1 lớp 6). Ngoài số học sinh của các xã vùng mới giải phóng của hai huyện Đại Lộc và Duy Xuyên, còn có các học sinh đến từ các vùng tự do của Quế Sơn (các xã phía Tây Đèo Le) và từ vùng địch tạm chiếm (có cả học sinh người Đà Nẵng, Hoà Vang). Vai mang ruột nghé đựng lương thực, tay xách hũ mắm, chai dầu lặn lội đi bộ suốt đêm, lách tránh các đồn bốt của địch để đến nơi trọ học là hình ảnh thân thương khó quên của các học sinh ngày ấy. Các lớp học ở trường Duy Mỹ đều phải dạy vào ban đêm để tránh máy bay địch bắn phá. Dưới ngọn đèn mù u, thầy và trò dạy và học với niềm say mê kỳ lạ, cần mẫn như mầm xanh vươn tìm ánh nắng. Thành tích học tập của trường Duy Mỹ không hề thua kém các trường trong tỉnh và Liên khu V. Không chỉ dạy kiến thức, các thầy giáo còn chú ý bồi dưỡng học sinh lòng yêu nước thiết tha, đặc biệt là gắn học với hành, gắn nhà trường với kháng chiến. Hưởng ứng phong trào tăng gia sản xuất do nhà trường phát động, học sinh siêng năng trồng lúa, trồng khoai đậu trên mảnh đất xã cấp hoặc trồng rau, nuôi gà tự túc trong vườn nhà chủ trọ. Học sinh trường Duy Mỹ còn tích cực tham gia tuyên truyền vận động thực hiện giảm tô, giảm tức theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, tham gia cứu đói cho dân…

     Trường cấp 2 Duy Mỹ chỉ duy trì được vỏn vẹn 4 niên khoá. Năm 1954 máy bay địch phát hiện và điên cuồng thả bom na- pan phá huỷ, các phòng học và cả vở sách, áo quần cũng đều bị cháy trụi. Thầy trò phải nhường nhau cái ăn, cái mặc và tạm dời qua Mỹ Sơn tiếp tục dạy và học. Sau khi Hiệp định Giơ - ne - vơ được ký kết, kẻ thù khủng bố trắng vùng tự do cũ của ta. Trường Duy Mỹ bị buộc phải giải tán trong nỗi xót xa vô hạn: "Trường ngưng, thầy nghỉ, trò thôi học/ Nước mắt lưng tròng cảnh biệt ly".

     Trường kháng chiến Duy Mỹ không còn nữa. Ngôi đình Hanh Tây trên đồi Cây Cốc- từng làm Văn phòng Hiệu trường- giờ chỉ trơ vơ bức bình phong rêu phủ. Nhưng dấu ấn về một ngôi trường kháng chiến vẫn không hề phai mờ trong tâm khảm nhiều học sinh cũ và nhân dân địa phương. Đây xứng đáng là biểu tượng ngời sáng về xã hội hoá giáo dục, về tinh thần hiếu học đáng khâm phục và ý chí vượt khó tuyệt vời để thi đua "dạy tốt, học tốt" của lớp người "lớn lên trong mùa Cách mạng". Địa điểm Trường kháng chiến Duy Mỹ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2009.

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất