CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:22/11/2024

“Lá chắn xanh” bên dòng Vu Gia

Một khu rừng chạy dọc sông Vu Gia với nhiều loài gỗ quý, từ bao đời nay được xem là “lá chắn xanh” bảo vệ làng mạc trong vùng, nhất là vào những mùa bão lũ. Chính vì thế, chính quyền cùng lực lượng chức năng và người dân ở đây luôn ý thức việc gìn giữ và tôn tạo khu rừng…

Đối diện trụ sở UBND xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam có một khu rừng rậm rạp, xanh tốt; kéo dài từ động Hà Sống cho đến giáp chợ Hà Nha. Trong khi rừng ở các nơi không ngừng bị “chảy máu” thì khu rừng này đã được người dân bảo tồn rất cẩn thận và được đặt tên là “cấm Hà Nha”. Bên ngoài “cấm Hà Nha” là dòng Vu Gia, bên trong là một cái lạch nước rộng chừng 50m. Điều đặc biệt là lạch nước này không bao giờ cạn, dù là mùa khô hạn.

Tương truyền, ngày xưa nếu thả một quả bưởi ở lạch nước ấy thì quả bưởi sẽ theo dòng xoáy của con nước và biến mất, ra sông Vu Gia thì thấy nó nổi lên. Điều này khiến nhiều người tin, có một mạch nước ngầm rất lớn thông từ lạch nước và dòng sông xuyên qua khu rừng. Tuy nhiên, đến nay thì chưa ai phát hiện ra được mạch nước đó cả. Có thể qua thời gian, mạch nước ngầm đó đã bị bồi lấp…

Đáng quan tâm, từ bao đời nay “cấm Hà Nha” được xem như “lá chắn xanh” cho hàng trăm hộ dân sống ở Đại Đồng tránh được thiệt hại trong mùa mưa bão, nhất là sạt lở bờ sông và hứng chịu cây rác từ thượng nguồn đổ về trong lũ lụt. “Nếu không có khu rừng thì thôn Hà Nha với gần 700 hộ dân này đã không tránh được tình trạng sạt lở, trôi nhà mùa mưa bão. Do đó, người dân trong xã luôn có ý thức bảo vệ “cấm Hà Nha”.

Ngay trong tên gọi đã thể hiện sự bất khả xâm phạm lẫn sự tôn trọng và biết ơn của người dân đối với khu rừng. Không những vậy, hằng năm chính quyền, đoàn thể của xã và thôn Hà Nha đều tổ chức trồng thêm cây cho khu rừng này”, bà Nguyễn Thị Hồng Vỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng, bày tỏ…

Theo quan sát của chúng tôi khi đi thực tế thì khu rừng có rất nhiều cây to. Có cây to đến vài ba người ôm không xuể. Trong rừng, nhiều nhất là cây muồng, bên cạnh đó còn có cây dưới, cây bồng, cây gạo. Hệ thống thực vật của khu rừng cũng khá đa dạng khi ngoài các loài cây cổ thụ tán rộng, các cây ở tầng thấp và cây bụi cũng rất um tùm.

Ông Nguyễn Văn Ánh, một người dân thôn Hà Nha, cho biết: “Gần đây nhất, thôn chúng tôi đã trồng được mấy trăm cây muồng và sao đen xen vào chỗ các cây già bị ngã. Người dân trong thôn từ già đến trẻ, ai cũng ý thức được việc bảo vệ khu rừng này là bảo vệ cuộc sống của chính mỗi gia đình”.

 

Công an xã Đại Đồng cùng người dân đi tuần bảo vệ “cấm Hà Nha”.

Ông Võ Minh Tuấn, Trưởng Công an xã Đại Đồng, chia sẻ rằng, do cây muồng trong “cấm Hà Nha” có giá trị kinh tế cao nên không ít lần các đối tượng “lâm tặc” từ nơi khác kéo đến định đốn hạ; nhưng người dân đã kịp thời phát hiện, báo cho lực lượng Công an xử lý. “Công an xã thường xuyên tổ chức cho anh em đi tuần tại khu vực “cấm Hà Nha” và tuyên truyền, vận động người dân cùng với lực lượng Công an bảo vệ tốt khu rừng.

Nếu người dân bản địa vi phạm việc chặt hạ cây nhỏ trong rừng lần đầu thì bị cảnh cáo và buộc phải trồng lại cây mới. Còn tái phạm lần 2 thì bị xử phạt hành chính, đưa ra kiểm điểm trước dân. Tuy nhiên, trên thực tế, do ý thức giữ gìn của người dân rất tốt nên từ trước đến nay, chúng tôi chưa phải lập biên bản, hay xử phạt trường hợp nào chặt phá cây trong khu rừng. Nhờ người dân chung tay gìn giữ và trông coi nên “cấm Hà Nha” tồn tại đến nay”, ông Tuấn nói.

Ngọc Thi

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất