Bốn tháng “trời cho”
Sáng sớm, nắng cuối thu nhẹ nhàng rải đều lên thảm cỏ non mướt xanh dưới chân cầu. Từng đàn bò trong xóm nhỏ đủng đỉnh bước ra. Bãi bồi phút chốc trở nên nhộn nhịp bởi tiếng nói cười, hỏi thăm chuyện cặp bò cái đêm qua trở dạ... Đứng từ cầu Hà Nha nhìn xuống hệt như một trang trại bò, đàn bò cả ngàn con phủ khắp thảo nguyên xanh.
Dẫn chúng tôi ra thăm đàn bò của mình, ông Huỳnh Ngọc Cài (54 tuổi, thôn Ngọc Kinh Đông), nói: “Đến chậm chừng hai chục ngày nữa sẽ không thấy được thảo nguyên bò này đâu”. Tháng 6 âm lịch, khi lạc, ngô, hoa màu trên bãi bồi thu hoạch xong, bà con bắt đầu đưa đàn bò ra đây chăn thả. Đến tháng 10 âm lịch, họ lại lùa hết bò về chuồng, trả lại đất để tiếp tục trồng trọt.
Năm nào cũng vậy, đàn bò của bà con được ra đây tha hồ ăn cỏ suốt bốn tháng trời. Cỏ hết lớp này đến lớp khác mọc lên xanh tốt trên nền phù sa được bồi đắp sau những trận lũ. Thảo nguyên dài và rộng mênh mông, không cầm chân được đàn bò. Chuyện sáng dắt bò ra thả, chiều phải chạy xe máy đi tìm là chuyện rất thường, chẳng ai kêu ca bởi nhờ không gian rộng rãi ấy mà bò khỏe mạnh, dẻo dai hơn.
Chỉ vào đàn bò của mình, ông Cài cười: “Nhờ có thảo nguyên này mà bò ở đây không lo thiếu cỏ, con nào cũng lớn nhanh và khỏe mạnh, bò giống giống tốt, bò thịt thịt ngon. Hơn nữa, để bò chạy nhảy nhiều tránh biết bao mầm bệnh, cứ nuôi nhốt trong chuồng sức đề kháng của nó yếu lắm.
Dù mỗi năm thảo nguyên này chỉ chăn thả được chừng bốn tháng, nhưng bà con chúng tôi coi đó là bốn tháng trời cho. Dễ tìm đâu được một bãi bồi đủ rộng, đủ cỏ để nuôi được cả ngàn con bò như ở đây”. Cũng nhờ thảo nguyên ấy mà người dân Đại Hồng không tốn công cắt cỏ, giữ bò, cứ sáng lùa ra, chiều lùa về, bà con có thêm thời gian lo việc đồng áng, buôn bán, phụ hồ kiếm thêm thu nhập.
Cất nhà, nuôi con đại học từ bò
Vùng đất Đại Hồng được mọi người ví von là xứ sở của lũ. Năm nào lũ cũng càn quét nơi đây, cuốn phăng thóc lúa, hoa màu, nhà cửa. Nông dân quanh năm đói nghèo bám riết. Thế rồi một vài hộ mạnh dạn mua bò về thả ngoài bãi bồi, tốn ít thời gian và công sức chăm nom mà lãi lớn nên bà con bắt chước làm theo.
Năm năm trở lại đây, hầu như nhà nào cũng có bò, ít hai con, nhiều chục con. Để không hụt giống bò khỏe, bà con chú trọng nuôi bò cái, cứ ba năm bò đẻ, sau đó thì mỗi năm đẻ một lần. Bê con ra đời, nuôi chừng năm tháng bán được, nuôi đến 15 tháng thành bò giống bán giá cao hơn.
Tiếng thơm bò thả bãi bồi Đại Hồng chắc thịt, khỏe mạnh đồn xa, dân bê thui Cầu Mống (huyện Điện Bàn) và thương lái khắp nơi ngày nào cũng tới tìm mua. Bê con bán từ 10-15 triệu, bò giống, bò thịt trên dưới 20 triệu, giống đẹp có khi đắt hơn. Những hộ nuôi đến chục con bỗng chốc trở thành “đại gia” trong làng.
Ông Nguyễn Ngọc Thịa (56 tuổi, thôn Ngọc Thạch) là “tiền bối” nuôi bò ở Đại Hồng. Đàn bò của ông có thời điểm lên đến 20 con, đủ cả bò giống, bò thịt, bò đẻ. Ông thật lòng: “Cả nhà tôi sống nhờ bò, không có đàn bò thì chắc bây giờ vẫn chui rúc trong cái lán nhỏ”.
Rồi ông kể câu chuyện cách đây 4 năm, ngôi nhà của ông bị cháy do chập điện, khi vợ chồng ông về đến nơi thì chỉ còn lại một bãi tro tàn. Cả nhà sống tạm bợ lay lắt suốt mấy tháng trời. Ông quyết bán đàn bò chục con, cất ngôi nhà khang trang, mua mới lại tất cả đồ đạc. Qua cơn bĩ cực, đến nay ông vẫn tiếp tục nuôi đàn bò 10 con, phần nhiều là bò đẻ.
Ông Huỳnh Ngọc Cài (thôn Ngọc Kinh Đông) với đàn bò 10 con thả trên thảo nguyên béo tốt, khỏe mạnh. Ảnh: Thanh Trần
Ông Nguyễn Văn Xuyến (thôn Ngọc Thạch), cười nói: “Nuôi bò cực kỳ lợi, nhà nào có vài con bò đẻ thì ít nhất mỗi năm cũng thu được vài chục triệu đồng. Bò giống, bò thịt cứ thả trên bãi, no cỏ béo tốt chờ ngày bán thôi. Ở xã bây giờ nhà nào cũng có trong tay vài chục triệu tiền bò, có việc gì đột xuất cũng dễ dàng xoay xở”.
Chăm như chăm… bò
Điều lạ, nuôi cả ngàn con bò ở thảo nguyên “lộc trời” này nhưng bà con không mấy ai được học tập, có kĩ thuật nuôi bò. Mọi người cứ bắt chước nhau, người trước truyền kinh nghiệm cho người sau để chăm bò. Bà con nói rằng trời cho Đại Hồng thảo nguyên, còn giúp cho đàn bò quanh năm khỏe mạnh.
Nhưng không vì thế mà họ chủ quan, lơ là. Xong việc đồng áng, ai cũng tất tả ra bãi bồi thăm bò, để ý xem con nào ủ rũ là cách ly, tiêm thuốc lập tức. Mỗi bận bò phát ho, lười ăn ai cũng lo. Bà con sợ nhất bệnh tụ huyết trùng, căn bệnh dễ sống mà cũng dễ chết nếu như không phát hiện kịp thời.
Ông Nguyễn Ngọc Thịa (thôn Ngọc Thạch) cất được ngôi nhà hàngtrăm triệu từ đàn bò của mình. Ảnh: Thanh Trần
Cực nhất vào mùa lũ. Con nước dòng Vu Gia bò thẳng lên bãi bồi rồi lấn vào từng xóm nhỏ, hù dọa những đàn bò vốn liếng của bà con. Những cuộc đưa bò tháo chạy trong đêm quá quen với dân Đại Hồng, dẫu nguy hiểm và vất vả nhưng họ chấp nhận bởi với họ bò là tài sản, mất bò coi như mất hết.
Bà Nguyễn Thị Lạc, Chủ tịch UBND xã Đại Hồng, cho biết: “Nhờ đẩy mạnh nuôi bò nên cuộc sống của hầu hết người dân trong xã được cải thiện rõ rệt. Nếu cứ bám riết vào hạt lúa, rau màu như trước đây thì chắc chắn khó xóa đói, giảm nghèo. Nhận thấy được hiệu quả của việc nuôi bò, xã đã động viên người dân cố gắng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cùng nhau để phát triển đàn bò ngày một lớn hơn”.
Theo ông Nguyễn Bá Hiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Hồng, các hộ dân trong xã đều nuôi bò dựa trên kinh nghiệm truyền thống, không áp dụng các kĩ thuật chăn nuôi tiên tiến nên chưa nuôi được nhiều giống bò có hiệu quả kinh tế cao hơn. “Năm tới, xã sẽ tổ chức cho bà con nông dân đi tập huấn ở các vùng nuôi bò điển hình, học hỏi cách thức của họ để biến việc nuôi bò ở Đại Hồng quy mô, bài bản hơn”, ông nói. THEO TIỀN PHONG.VN