CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:25/11/2024

Ước mơ bên dòng Vu Gia

Bao đời nay, người dân khu 2 gồm 4 thôn của xã Đại Sơn, Đại Lộc mong ước có được cây cầu bắc qua dòng Vu Gia để thuận tiện cho việc đi lại. Nhưng với một công văn trả lời ý kiến mới đây của Bộ Giao thông vận tải, những kiến nghị chính đáng của người dân lại phải chờ và chưa biết khi nào cây cầu sẽ được xây dựng...

Ông Ngô Vinh - Chủ tịch UBND xã Đại Sơn lật giở hồ sơ cho biết, khu 2 của xã, nằm bên kia sông gồm có 4 thôn. Trong đó, thôn Tân Đợi có 168 hộ, 619 nhân khẩu; thôn Đồng Chàm 84 hộ 211 nhân khẩu; thôn Tam Hiệp 64 hộ 232 nhân khẩu; thôn Đầu Gò xa nhất có 92 hộ 348 nhân khẩu. “Đường bê tông và điện thắp sáng thì 4 thôn mới có được gần năm nay. Còn việc đi lại của người dân khu 2 mỗi khi có việc cần qua bên trung tâm xã thì chỉ có cách duy nhất là đi đò. Một chiếc đò nhỏ chòng chành đưa hết lượt người này đến người khác qua sông. Với học sinh và người nào hay đi lại, chủ đò sẽ thu lúa vào dịp cuối tháng. Còn với khách lạ, khi có việc qua lại, chủ đò thu tiền trực tiếp. Đò ngang là vậy, nhưng cũng chỉ được những ngày nắng chứ vào các tháng mưa lũ thì đành chịu, không ai qua lại được” - ông Vinh chia sẻ.

Đò ngang - phương tiện đi lại duy nhất của người dân khu 2 mỗi khi qua trung tâm xã Đại Sơn. Ảnh: N.THI
Đò ngang - phương tiện đi lại duy nhất của người dân khu 2 mỗi khi qua trung tâm xã Đại Sơn. Ảnh: N.THI

Cũng vì đò giang cách trở mà tình trạng học sinh bỏ học có nhà bên kia sông luôn cao hơn so với các thôn bên này, dù các em đi học đều nhận được chế độ miễn, giảm tiền học phí, thậm chí nhận tiền trợ cấp theo quy định. Cấp tiểu học, các em được học tại điểm trường tại thôn, nhưng đến THCS thì phải qua bên trung tâm xã học. Còn lên THPT thì phải đi các trường ở xã khác. Em Hà Văn Tiên (trú thôn Tam Hiệp, học sinh lớp 7/1 Trường THCS Tây Sơn) cho biết, vì điều kiện đi lại học tập quá khó khăn nên cả anh và chị của em khi học hết lớp 5, lên lớp 6, dù học lực rất giỏi nhưng phải bỏ dở việc học. Trong nhà chỉ còn mình Tiên là tiếp tục đi tìm “cái chữ”. Mấy năm liền Tiên đều đạt học lực loại giỏi và ước mơ của em là ngày sau được làm thầy giáo để mang chữ về dạy lại cho các em học trò sau này của khu 2 mình.

Cô giáo Nguyễn Thị Hải Vân - Hiệu phó Trường THCS Tây Sơn cho biết, toàn trường hiện có 71 học sinh là người 4 thôn bên kia sông của xã. “Mùa nắng các em đi đò qua sông học hành được. Chứ mỗi khi mưa gió là các em lại phải nghỉ học ở nhà. Thậm chí, nếu mưa gió kéo dài, có khi các em nghỉ học cả tháng. Bởi vậy, để giúp các em theo kịp chương trình học, nhà trường phải tổ chức dạy bù cho học sinh. Mấy năm trở lại đây, nhờ giáo viên thường xuyên xuống tận các gia đình để động viên học sinh ra lớp nên tỷ lệ bỏ học của học sinh khu 2 đã giảm rõ rệt” - cô Vân nói.

Việc thiếu một cây cầu bắc qua dòng Vu Gia khiến từ việc đi lại học hành cho đến giao thương buôn bán, khám chữa bệnh của người dân nơi đây đều rất khó khăn. Ông Lê Văn Lộc - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đầu Gò tâm sự, những năm trước ở thôn Đầu Gò có trạm sơ cứu khu 2, người dân còn được chăm sóc y tế tương đối thuận lợi. Nhưng từ năm 2013 đến nay trạm này dừng hoạt động, nhiều khi ban đêm mưa gió trong thôn có người chuyển dạ sinh nở bất ngờ, vì đò giang cách trở nên đành ở nhà “vượt cạn”, chịu cảnh may ít rủi nhiều. Do đó người dân khu 2 rất mong chờ có cây cầu bắc qua sông.

Ông Ngô Vinh cho biết, địa phương đã nhiều lần đề xuất lên các cấp về việc xây cây cầu nối đôi bờ Vu Gia nhưng chưa được chấp nhận. Và mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, cử tri có kiến nghị ngành giao thông vận tải hỗ trợ xây dựng cây cầu treo nối thôn Tân Đợi (khu 2) và thôn Hội Khánh (thôn trung tâm của xã Đại Sơn) để giải quyết nhu cầu đi lại, cứu nạn, cứu hộ trong mùa mưa bão của nhân dân trong khu vực. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã có Công văn số 14066/BGTVT-KHĐT trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri Quảng Nam, trong đó có nêu: “Trong danh sách các cầu của Đề án xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chưa có cầu nối thôn Tân Đợi và thôn Hội Khánh (xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc). Bộ GTVT xin ghi nhận ý kiến của cử tri và sẽ giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với UBND tỉnh và các cơ quan liên quan để khảo sát, nghiên cứu, xem xét việc bổ sung cầu này vào đề án theo quy định”. Công văn là vậy, còn việc “khảo sát, nghiên cứu, xem xét bổ sung” bao giờ mới thực hiện xong thì chưa biết. Như vậy, đồng nghĩa với việc người dân khu 2, xã Đại Sơn vẫn phải chờ...

N.Thi

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất