Hôm nay:22/11/2024
Trên mảnh đất Đại Cường (Đại Lộc), ngôi đền tưởng niệm tiền nhân, anh hùng liệt sĩ vừa được dựng lên, từ sự chung tay đóng góp của lòng dân.
Đền tưởng niệm của lòng dân
Bước ra khỏi hai cuộc chiến khốc liệt, Đại Cường có tới hơn 1.000 liệt sĩ, 220 thương bệnh binh, 239 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 5 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và gần 1.000 gia đình có công cách mạng. Từ ngày giải phóng tới nay, địa phương không ngừng đẩy mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa bằng những việc làm, hành động thiết thực. Bà Võ Thị Thúy Nguyệt - Bí thư Đảng ủy xã Đại Cường cho biết, thời gian qua địa phương đã làm tốt công tác phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng đến cuối đời. Cùng với đó, các phong trào “Nàng dâu hiếu thảo”, “Áo lụa tặng bà”… cũng là hình thức tri ân giàu ý nghĩa do tổ chức đoàn thể - xã hội phát động. Đại Cường cũng đã 3 lần nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, quy tập và an táng 750 hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang xã và trên 150 hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang gia tộc… Năm 2014, được sự thống nhất của xã, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đại Cường và Câu lạc bộ Những người kháng chiến xã chính thức phát động nhân dân, gửi tâm thư kêu gọi nguồn lực từ lực lượng cán bộ cách mạng lão thành ở trung ương, tỉnh, huyện đã từng sống và chiến đấu trên mảnh đất Đại Cường nói riêng, Đại Lộc nói chung, các doanh nghiệp, người con xa quê… nhằm huy động xây dựng đền tưởng niệm thuộc khu tưởng niệm văn hóa xã rộng 3.000m2.
Cắt băng khánh thành đền tưởng niệm. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Ông Nguyễn Thành Dũng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đại Cường chia sẻ, khác với những công trình khác, đền tưởng niệm xã Đại Cường là công trình của lòng dân, từ sức dân mà có, nhân dân có nghĩa vụ chung tay bảo vệ, gìn giữ cho muôn đời sau. “Rất đáng mừng là từ khi phát động xây dựng đền, bà con hưởng ứng rất mạnh mẽ, mỗi hộ đóng góp ít nhất 200 nghìn đồng, có hộ lên tới cả triệu đồng. Mỗi người mỗi viên gạch để dựng nên đền tri ân. Từ nguồn lực xã hội, ngôi đền đã được xây dựng với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng” - ông Dũng nói.
Đền tưởng niệm xã Đại Cường được khởi công xây dựng vào cuối năm 2014. Đền chính cao 18m tượng trưng cho 18 thế hệ con dân trên quê hương Đại Cường, đồng thời cũng tượng trưng cho sức trẻ vươn lên mạnh mẽ của mảnh đất này. Đền có 3 gian thờ chính: gian chính diện thờ Bác Hồ, hàm ân các bậc thủy tổ, tiền hiền các chư tộc phái trên địa bàn xã; gian bên trái đặt hàm ân các anh hùng liệt sĩ, gian bên phải thờ linh vị Mẹ Việt Nam anh hùng. Công trình nằm trong khu tưởng niệm văn hóa xã Đại Cường với nhiều hạng mục khác như tái hiện hầm chữ A, hầm bí mật, ấp chiến lược “2 sông 3 núi”, nhà bảo tàng nông cụ sản xuất và tiện nghi sinh hoạt của nhân dân qua các thời kỳ…
Đậm giá trị nhân văn
Vào những ngày cuối tháng 7 lịch sử, công trình đã chính thức hoàn thành trong niềm vui của đông đảo những người tham gia kháng chiến, cán bộ và nhân dân địa phương. Lễ khánh thành đền tưởng niệm diễn ra suốt 2 ngày theo hình thức cổ lễ và tân lễ. Đây cũng là ngày hội của toàn dân, quy tụ mọi tầng lớp nhân dân tham gia.
Để có ngôi đền tọa lạc trong niềm ngưỡng vọng tiền nhân ngày hôm nay, phải nhắc đến sự đóng góp rất lớn của những thành viên Câu lạc bộ Những người tham gia kháng chiến xã. Gần một năm qua, những thành viên tích cực trong câu lạc bộ dù tuổi cao, sức yếu vẫn nhiệt thành, thay phiên nhau đóng góp ngày công, chỉ đạo xây đền. Có thể kể đến những tấm gương tiêu biểu như ông Nguyễn Hồng Phụng - nguyên Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, nguyên Trưởng ban Khởi nghĩa huyện; ông Nguyễn Hữu Mai - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; hay ông Phạm Văn Chính, cán bộ hưu trí của xã nay đã 75 tuổi… Chia sẻ về ý nghĩa to lớn từ công trình, ông Nguyễn Hữu Mai nhấn mạnh: “Nơi đây sẽ là nơi tổ chức các hoạt động tri ân, tế lễ, dâng hương, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Ngôi đền được xem là biểu tượng về truyền thống đấu tranh của Đảng bộ và nhân xã Đại Cường. Từ công trình này, những người đứng ra vận động xây dựng đền muốn gửi gắm đến thế hệ ngày hôm nay và mai sau bài học về đạo lý uống nước nhớ nguồn”.
Ngưỡng vọng hướng về nguồn cội, tri ân công đức tiền nhân có công khai sơn phá thạch, những lớp lớp người đã đổ máu xương trên đất này, trong đó còn rất nhiều người chưa có mộ phần, không nơi hương khói, cũng chưa được vang danh trong đá vàng, sử sách… là lẽ sống tốt đẹp cần được phát huy và giáo dục để giới trẻ không quên đạo lý, nguồn cội. Vì vậy đền tưởng niệm nơi mảnh đất vùng B Đại Lộc là công trình có ý nghĩa, giá trị to lớn, sẽ trường tồn cùng thời gian, sống trong lòng người dân Đại Cường.
HOÀNG LIÊN