CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:21/11/2024

Lễ đón nhận Bằng chứng nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia- Lễ hội Bà Phường Chào

     Sáng ngày 06/4 (nhằm ngày 25 tháng 2 âm lịch), UBND huyện Đại Lộc tổ chức Lễ đón nhận Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia-Lễ hội Bà Phường Chào. Tham dự buổi lễ có đồng chí Trần Văn Tân – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Công Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh.Về phía huyện có đồng chí Nguyễn Hữu Vũ – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; đồng chí Lê Văn Quang – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, UBMTTQVN huyện, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể của huyện, lãnh đạo các xã, thị trấn cùng đông đảo bà con nhân dân trong và ngoài địa phương về tham dự.

Quang cảnh buổi Lễ

     Diễn văn của Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc tại buổi lễ cho biết: Hằng năm, ở đất Quảng có hai lễ hội truyền thống tôn vinh Bà: Ở thôn Phước Ấm, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình có Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được diễn ra vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch- ngày người dân Chợ Được đón nhận sắc phong của Bà. Còn tại quê bà- làng Mỹ Phiếm, nay thuộc thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc- vào ngày sinh của Bà (25 tháng Hai âm lịch) - có Lễ hội Bà Phường Chào. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã vinh danh Lễ rước cộ Bà Chợ Được (năm 2014) và Lễ hội Bà Phường Chào (năm 2020) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đồng chí Lê Văn Quang – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện trình bày Diễn văn tại buổi lễ .  

 Lễ hội Bà phường Chào ghi dấu đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân đất Quảng, phản ánh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, đồng thời thể hiện lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân và những mong ước bình dị về cuộc sống an lành, no đủ. Lễ hội còn chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống mang đậm dấu ấn bản sắc Việt và là điểm tựa tâm linh vững chắc trong tâm thức của người dân, tạo nên sự cố kết cộng đồng, sự kết nối quá khứ - hiện tại và tương lai, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa làng xã, bảo tồn những vốn quý của di sản văn hoá phi vật thể. Đây là cơ sở quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch văn hóa tâm linh ở Đại Lộc.

     Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh Lễ hội Bà Phường Chào là một hình thái lễ hội dân gian được hình thành từ khi người Việt ở phía Bắc di cư đến khai phá vùng đất mới vào thế kỷ XV, giao thoa tiếp biến với văn hóa Chămpa. Lễ hội là minh chứng cho sợi dây cố kết cộng đồng, tinh thần quê hương đất nước mà Đại Lộc là nơi hội tụ, giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa miền núi với miền xuôi trong quá trình hình thành và phát triển Quảng Nam. Thời gian đến, huyện Đại Lộc và các ban ngành liên quan cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tốt giá trị di sản văn hóa Lễ hội Bà Phường Chào gắn với phát triển du lịch địa phương. Phối hợp Sở VH-TT&DL tham mưu UBND tỉnh để có cơ chế phát huy giá trị di sản văn hóa, chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân đã có công lưu truyền, thực hành di sản và truyền dạy lại cho con cháu mai sau.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trao Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia-Lễ hội
Bà Phường Chào cho lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc.

     Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trao Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia-Lễ hội Bà Phường Chào cho lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc.

Nhật Duy

 

 
 

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất