Hôm nay:21/11/2024
Trên đỉnh Bằng Am
ĐĂNG KHOA
(QNO) – Ở vùng Đại Hồng (Đại Lộc) có một thắng cảnh Bằng Am - Bàn Cờ. Theo tư liệu về địa danh, di tích, thắng cảnh huyện Đại Lộc sở dĩ có tên Bằng Am là vì nơi đây gắn liền với loài cây thông, hơn một trăm năm trước từng là nơi ẩn cư của một chí sĩ yêu nước thời Cần Vương với những giai thoại dân gian ly kỳ…
Người ẩn sĩ ấy tên thật là Bùi Ngọc Châu, đạo hiệu Thiền Định, sinh năm Kỷ Mão triều Gia Long; quê làng Bát Vọng, phủ Thừa Thiên. Làm quan ở Phủ Nội vụ thuộc Bộ Công, triều vua Tự Đức. Được vua cử theo phái bộ Nguyễn Thành Ý sang Pháp nghiên cứu công nghệ máy móc Tây dương để về nước lo việc canh tân, mở mang công nghệ nước nhà. Thời gian ở Pháp, nhờ tư chất thông minh, khéo tay sáng dạ, ông đã nghiên cứu học tập được cách chế tạo nhiều loại máy móc tân kỳ của người Âu thời bấy giờ nên người ta thường gọi ông là “chú Sáu Máy”.
Quang cảnh Bằng Am.
Đất nước đang thời kỳ bị giặc Pháp xâm lược, triều đình nhu nhược, vua nghe lời nịnh thần chủ hòa cắt dần giang sơn cho giặc. Chán cảnh quan trường nô lệ, không thi thố được chí lớn nên ông rũ áo từ quan, từ biệt quê nhà, vai gánh đôi bầu hành lý tùy thân, trong đó có bộ triều phục của mình, cất bước Nam du qua đèo Hải Vân với ý nguyện gặp gỡ, tập hợp những bạn bè, đồng chí, đồng liêu mưu cầu đại sự, tìm con đường diệt thù cứu nước.
Khi vào đến Hà Nha - Đại Đồng, ông tá túc tại chùa Cổ Lâm và gặp gỡ, kết giao cùng thiền sư Quản Thạch, Bốn Kế, Ông Thị Thất Sơn, Trình Hiền, Đỗ Đăng Tuyển… những yếu nhân của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam sau thất bại năm 1886 đang ẩn mình qua lại nơi đây chờ thời cơ mới.
Năm 1897, chùa Cổ Lâm bị tên tri huyện Phạm Ngọc Lãng ra lệnh đốt phá vì hắn nghi ngờ trong chùa có người làm “quốc sự”. Sư cụ trụ trì và bà vãi phải tự thiêu, những người trú ngụ trong chùa đành lưu tán tứ xứ, kẻ vào Nam, người ra Bắc. Riêng ông “Sáu Máy” cùng đệ tử của mình là Bốn Kế (cháu gọi cụ Nguyễn Duy Hiệu bằng chú ruột) - lúc này đã là tăng nhân với pháp danh là Hoằng Nhẫn và Hoằng Cam thì lánh cư tu ẩn tại vùng núi Hữu Trinh - Hòa Hữu (Bằng Am ngày nay).
Hoàng hôn trên đỉnh Bằng Am. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Câu chuyện về ẩn sĩ Tùng Sơn không chỉ có vậy. Có rất nhiều chi tiết rất lý thú mà ông Nguyễn Hải Triều - Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam kể: ...Những ngày đầu tiên đến vùng rừng núi hoang vu, nơi “con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh”, nhưng với phong cảnh hữu tình tạo nên bức tranh sơn thủy hợp với lòng người quy ẩn; thầy trò ông chọn một chiếc hang đá tự nhiên dưới rừng thông, bên suối nước chảy róc rách làm nơi trú ngụ. Cũng bởi đặc điểm này nên người dân quanh vùng kính cẩn gọi ông là “Đức Tùng Sơn”.
Từ đó, thầy trò ông tháng ngày chuyên tâm đọc sách thánh hiền, nghiên cứu kinh kệ Phật pháp; thường xuyên giao du với các danh sĩ trong vùng như cử nhân Lương Thúc Kỳ, chưởng ấn Nguyễn Văn Quỳ cùng các bậc tú, cử, nho, y… danh tiếng khác. Ông còn nấu thuốc luyện đơn chữa bệnh cho dân nghèo vùng chín xã Sông Con, cứu giúp kẻ cô thế nên được người dân quanh vùng tôn vinh như bậc tiên thánh.
Uy tín, tài năng và đức độ của thầy Tùng Sơn ngày một bay xa khiến bọn quan lại Nam triều, tay sai của thực dân Pháp bắt đầu để ý nghi ngờ, dòm ngó.
Đỉnh Bằng Am nhìn từ trên cao. Ảnh: NGUYỄN CÔNG THẢO
Quanh các làng Hữu Trinh, Hòa Hữu, Phước Lâm thuộc xã Đại Hồng, hay tận vùng bờ bắc sông Vu Gia như Hà Tân, Đại An, Hà Dục… còn lưu truyền trong dân gian nhiều chuyện ly kỳ về tài năng võ nghệ của thầy Sáu Máy.
Một lần sau khi bốc thuốc chữa bệnh cho bà con dưới làng Hữu Trinh, trên đường trở về am ông gặp một con cọp hung dữ xông ra chặn đường. Ông nghe kể con cọp này từng bắt trâu bò và đã giết nhiều người dân. Trong tay không tấc sắt nhưng chỉ bằng chiếc khăn quấn cổ và với vốn võ nghệ của mình, sau vài đường quyền, ông đã quật ngã con hổ dữ và làm cho nó đau đớn, hốt hoảng chạy biến vào rừng, từ đó không còn dám ra quấy nhiễu dân làng nữa.
Từ lời đồn thổi trong nhân dân về tài nghệ và danh tiếng của thầy Tùng Sơn, tên Quản Sơn chỉ huy đồn An Điềm nghi ngờ ông đang hoạt động “quốc sự” nên sai lính đến vây bắt giải về phủ Điện Bàn để tâng công. Vừa gặp ông, nó trợn mắt, tay tóm cổ áo rồi quát: “Mày định làm quốc sự à?”. Nhanh như cắt, bằng một động tác võ nghệ điêu luyện, người ta chỉ nghe Quản Sơn la lên một tiếng rồi đổ kềnh ra đất trước bao con mắt ngạc nhiên và thán phục của nhiều người. Lần ấy, ông theo lính về phủ Điện Bàn, gặp Lãnh binh Đình Điềm là người quen cũ bảo lãnh nên được tự do. Tên Quản Sơn bị quở trách là quấy rối người ẩn sĩ.
Một buổi sáng cuối xuân năm Thành Thái thứ nhất (1900), thầy Tùng Sơn xuống làng gặp đệ tử của mình là thầy Bốn Kế, dặn rằng: “Khi nào thấy cửa động có khói là ta đã tịch. Con nhờ mọi người lên đậy giúp nắp thạch quan cho ta!”. Đêm ấy vào tiết Trung nguyên, trăng sáng vằng vặc; dân chúng nhìn lên phía Am Thông thấy một vầng khói quyện lờ mờ thì biết là thầy Tùng Sơn đã an nhiên nhập định. Sáng hôm sau, dân làng kéo lên am thực hiện lời di huấn của thầy thì thấy mối đã đùn lấp kín miệng hang thạch táng nơi thầy tịch diệt.
Trong am còn để lại một bài kệ và một bài thơ thất ngôn bát cú có tựa là “Cảnh thế”, nguyên văn như sau:
“Chài danh câu lợi ủa mà chi
Lợt lạt mùi thiền họa có khi
Khe hạc sóng yên miền tế độ
Non tùng bia tạc đá còn ghi
Tòa sen phất phất đưa hương nhẹ
Áo tuyết phau phau chút bụi gì
Ngoảnh lại Hoàng Châu thương những kẻ
Khối trần đẽo mấy cũng còn y”.
Trong cuốn "Quảng Nam trong hành trình mở cõi và giữ nước", tác giả Nguyễn Q. Thắng đã sưu tầm và công bố bài ký "Đài Sơn tăng truyện" của Hà Tân Hậu bổ Lương Thúc Kỳ là tư liệu quý góp phần "giải mã" hành trạng của nhân vật huyền thoại - vị ẩn sĩ yêu nước Tùng Sơn, người mà tên tuổi gắn liền với Bằng Am - Khe Lim (Đại Hồng, Đại Lộc). Bài ký của cụ Lương Thúc Kỳ có đoạn: "Trong thạch động, thiền sư có đề một bài thơ rằng: "Lánh trần lên cõi tiên/ Non tùng mơ bảy từng/ Trường sanh tin có thuốc/ Chẳng già tăng bạch vân". (Vân Trình, Trang Thông tin điện tử huyện Đại Lộc: http://www.dailoc.quangnam.gov.vn/, ngày 11.10.2012).
Mùa hè, cây cối trên đỉnh Bằng Am cũng khoe lộc. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Trên đỉnh Bằng Am cùng với những vườn thông, đồi cây chổi và các thực vật khác rất phong phú, đẹp mắt, còn có một rừng hoa sim tím rất đẹp. Rừng sim ở Bằng Am sẽ là một địa chỉ trải nghiệm lý thú, khó quên đối với du khách.
Dù chưa được đưa vào khai thác như một điểm đến đáng chú ý của giới trẻ nhưng các mùa xuân – hè – thu… Bằng Am không thiếu bước chân lui tới của giới trẻ ưa đi phượt, tìm kiếm, khám phá nét hấp dẫn của thiên nhiên xứ Quảng. Chính quyền Đại Lộc cũng trải qua thời gian dài kêu gọi các dự án đầu tư vào đây nhằm đánh thức Bằng Am.
Theo Phó Giám đốc Sở VHTTDL Lê Ngọc Tường: thời gian qua, đã có một doanh nghiệp vốn là người con của Đại Lộc, thành đạt ở TP.Hồ Chí Minh đã theo đuổi đầu tư vào khu du lịch sinh thái Bằng Am. Đó là ông Lương Hạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty CP Quảng Cường. Tuy nhiên, dự án vẫn chưa thực sự hình thành bởi một số trở ngại, khó khăn trong quá trình triển khai.
Quan tâm nhiều về việc đánh thức Bằng Am, từ năm 2018, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc VH-TT&DL Quảng Nam đã có cuộc khảo sát, tìm hiểu về Khu du lịch sinh thái Bằng Am. “Đỉnh Bằng Am có phong cảnh đẹp, mặt bằng khá lý tưởng để khai thác du lịch sinh thái, du lịch tâm linh. Song phải có nhà đầu tư có năng lực, có kinh nghiệm và thực sự chuyên nghiệp tham gia cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành thì Bằng Am mới trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn trên bản đồ du lịch của Việt Nam”.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh trong một chuyến khảo sát lên Bằng Am.
Theo các đồng chí lãnh đạo huyện Đại Lộc, thời gian qua, có nhiều nhà đầu tư đã khảo sát và muốn đánh thức Bằng Am, nhiều ý tưởng được đề xuất nhằm khai thác tiềm năng du lịch đỉnh Bằng Am như đầu tư hệ thống cáp treo, tổ chức thêm các khu du lịch sinh thái, trục hành hương đến khu văn hóa tâm linh, khu nghỉ dưỡng, khu phức hợp mua sắm thương mại, triển lãm, các show diễn nghệ thuật truyền thống...
Thiết nghĩ, du lịch đỉnh Bằng Am phải tính toán kỹ sự kết nối du lịch từ Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn, Điện Bàn, Tam Kỳ... lên Bằng Am. Đại Lộc phải nghĩ đến việc xây dựng một tour trải nghiệm để phục vụ du khách trước khi đến Bằng Am, có thể đó là tour tìm hiểu mô hình HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa - cánh chim đầu đàn của phong trào kinh tế hợp tác tỉnh Quảng Nam, cùng thưởng thức đặc sản bánh tráng thịt heo rất nổi tiếng của Đại Lộc. Ghé Đại Nghĩa nghiên cứu phong trào Nghĩa hội do Tiến sĩ Trần Văn Dư và Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu khởi xướng (1885) và cuộc biểu tình chống sưu thuế (1908); lên Đền Tưởng niệm Trường An (xã Đại Quang) tri ân các bậc tiền bối hữu công và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; sau đó tìm về chùa Cổ Lâm – nơi ẩn sĩ Tùng Sơn tá túc trước đây (thuộc xã Đại Đồng) rồi đến Hà Vi (xã Đại Hồng) nghe kể về trận đầu tiên của bộ đội địa phương cấp huyện cùng du kích xã tiêu diệt nhiều quân Mỹ nhất trên chiến trường Quảng Đà...
Du khách cũng có thể được đưa qua sông Vu Gia ngắm nhìn những màu xanh bạt ngàn của bãi bắp, nương dâu và cùng trải nghiệm công việc đồng án của người nông dân chất phát, hiền lành nơi đây. Sau đó là hành trình vượt dốc lên đỉnh Bằng Am...
Mong là ngày đó không xa.