Trải bao biến thiên, nhiều làng quê tại Đại Lộc vẫn lưu truyền lễ hội tế nghĩa trủng. Gắn với huyền thoại về đình chùa, miếu mạo, tế nghĩa trủng là câu chuyện đẹp về văn hóa làng, thể hiện niềm tri ân tiền nhân, những người vị nước vong thân…
Theo lệ, cứ dịp 16.3 âm lịch hằng năm, dân làng Nghĩa Tây, xã Đại Nghĩa, Đại Lộc lại linh đình lễ hội cúng tế nghĩa trủng và giẫy mả trủng. Nghi thức này diễn ra sau lễ khai hạ - mùng 7 tháng Giêng và lễ vía Bà Ngũ Hành Tiên Nương diễn ra vào 16 tháng Giêng. Theo nhiều già làng, nghi thức tế lễ này đã có tự xưa, thể hiện sự tri ân những người đã vong thân vì nước, thân xác, mộ phần bị chôn vùi, nằm rải rác trên khắp làng quê, không người hương khói. Dần dần, địa phương tập kết, quy hoạch vào khu nghĩa địa tập trung của làng để con cháu đời sau tiện bề chăm sóc, nhang khói. Xuất xứ của lễ hội cúng tế nghĩa trũng, ngay cả những người già nhất trong làng vẫn không ai nhớ rõ. Chỉ biết rằng, cứ đời này sang đời khác, con cháu được dạy dỗ phải chăm lo việc làng và 16.3 âm lịch được định là ngày giỗ tập thể và giẫy mả tử sĩ. Khu vực tế lễ là Dinh bà Ngũ Hành, nơi có cây da hàng mấy trăm năm tuổi tỏa bóng sum sê bao phủ khắp khuôn viên di tích rộng 1.500m2, nơi có miếu âm hồn và ngôi mả trũng.
Dinh Bà Ngũ Hành Tiên Nương, nơi diễn ra lễ hội tế nghĩa trủng của làng. Ảnh: BÍCH LIÊN |
Đêm 15.3 âm lịch, các vị chức sắc trong làng chia ra 4 hướng, đánh trống, khua mõ mời âm linh về chứng và dự lễ. Đêm tiên thường (15.3), phẩm vật được dâng lên gồm hương hoa trà phẩm, mâm cơm cúng, các vị chức sắc khăn đóng áo dài, lên hương đèn trịnh trọng. Đến sáng 16.3, 4 vị chức sắc trong làng vẫn tiếp tục khua mõ, mời vong linh 4 hướng về dự lễ chính. Song hành với lễ tế, con cháu kéo nhau vào khu mả trủng để giẫy mả, viếng hương. Lễ tế năm nào cũng diễn ra trang nghiêm với các phần tế văn, hô hát bài chòi, hát tuồng, con cháu tụ về đông như trẩy hội. Sau nghi thức là phần hội hè, yến ẩm. Ông Võ Văn Thu - Trưởng thôn Nghĩa Tây chia sẻ: “Ngày trước làng nghèo xơ xác, song dù khó đến mấy thì lễ tế nghĩa trủng năm nào cũng có hai con heo, một con heo quay và một con heo chọc tiết, thành lệ. Ngày nay, con cháu khấm khá, diện mạo làng cũng thay da đổi sắc nên khu Dinh Bà cũng đã trải qua nhiều đợt trùng tu với hàng tỷ đồng từ xã hội hóa”. Tự bao giờ, huyền thoại về Dinh Bà và lễ hội tế nghĩa trủng đã ăn sâu vào tiềm thức bao người dân quê. Làng Nghĩa Tây là nơi hội tụ của nhiều di tích, thắng cảnh đẹp như: bàu Ông, dinh Bà Chúa Ngọc, dinh Ông nằm ở vị thế của 5 hướng đông - tây - nam - bắc và trung tâm tương ứng với thuyết ngũ hành, có khu du lịch sinh thái Vũng Thùng… Có lẽ vì ngày trước, quần thể di tích này nằm ở khu vực cây cối um tùm, thâm u nên chẳng mấy ai tới gần, lại là vị trí thuận lợi cho chiến sĩ cách mạng nương náu, hoạt động trong lòng địch.
Theo nhà nghiên cứu Vu Gia, ở Đại Lộc, lễ nghĩa trủng thường gắn liền với lễ tế kỳ yên, diễn ra trước lễ kỳ yên một ngày. Dân làng tụ tập kéo nhau đi giẫy mả hoang, cúng tế tại miếu âm linh hoặc tại sân đình nếu không có miếu âm linh. Ở vùng Đại Lộc, số lượng miễu ở các xóm vốn nhiều hơn đình và việc cúng miếu là do làng tự đóng góp. Có nơi, tự điền (người canh tác trên điền thổ công, đất chung của làng) lấy phần lợi tức từ đất hương hỏa để lo. Và tế nghĩa trủng là cổ lệ tồn tại đến ngày nay. Ngay từ tháng Giêng, mỗi làng đều tổ chức đấu giá công điền, công thổ để thu tiền chi cho việc cúng tế nghĩa trủng này. Trước khi vào việc, các hương chức trong làng bầu ra chánh bái, bồi bái, đông hiến, tây hiến… để lo việc. Ngoài chánh bái, bồi bái, hai người phân hiến luôn đứng hai bên tả hữu hương án, tiếp nhận các thứ lễ vật (đồ hiến tế) do học trò lễ, lễ sanh dâng lên để đặt trên án thờ.
Ngày nay, tế nghĩa trủng vẫn diễn ra ở một số vùng, được xem như ngày giỗ làng, ví như thôn Hà Tân, Hoằng Phước Bắc (xã Đại Lãnh) gắn liền với huyền thoại về miếu bà, những vị thần nữ hay người được phong là thành hoàng làng, dày công đức phò hộ độ trì cho dân được bình yên, no ấm. Lễ tế trủng ở thôn Hoằng Phước Bắc diễn ra vào 25 tháng Chạp hằng năm tại miếu Bà, ngôi miếu cổ có lịch sử hàng trăm năm. Cồn Văn Thánh (xã Đại Minh) bên cạnh là nơi tôn thờ sự học còn là một nghĩa trủng lớn tưởng niệm nghĩa sĩ vong trận. Với địa thế vắng vẻ, miếu Văn Thánh xưa là nơi các sĩ phu họp bàn mưu sự để làm nên những chiến công vang dội như trận Gò Mùn, Hà Nha, trận Mù U, đò Ông Đốc, đồng Gia Cốc. Đây cũng là nơi Đỗ Đăng Tuyển lãnh đạo phong trào nghĩa quân tham gia chống Pháp, nơi nổ ra cuộc đấu tranh chống sưu thuế của dân 9 xã Sông Con. Đây là nơi chôn cất thi hài của hàng trăm sĩ phu và chiến sĩ yêu nước trong phong trào Cần vương (1887), là mồ chôn tập thể của những người tham gia chống sưu thuế bị giết. Cũng tại cồn Văn Thánh, những năm 1969 đã diễn ra những trận đánh ác liệt của quân và dân ta chống âm mưu càn quét của địch. Là xã gắn liền với lịch sử 9 xã Sông Con thời chống Pháp và chống Mỹ, Đại Minh là chiếc nôi cách mạng nằm ở vùng B Đại Lộc. Sau ngày quê hương giải phóng, cồn Văn Thánh chỉ còn lại bãi đất trống và một ít phế tích. Do bom đạn cày xới, không thể xác định chính xác nơi chôn các sĩ phu yêu nước. Vì thế, Văn Thánh ngày nay được dựng lên nhằm tri ân công đức người xưa và lễ giỗ được tổ chức vào mùng 10 tháng Ba hằng năm.
Không mấy tài liệu, sử sách đề cập hoạt động lễ hội tế nghĩa trủng. Cần có những nghiên cứu, cứ liệu xác đáng, song bàn ở khía cạnh tâm linh và nét đẹp trong văn hóa ứng xử dân gian thì lễ hội tế nghĩa trủng là biểu trưng cho đạo lý, lẽ sống tốt đẹp qua hàng trăm năm.
BÍCH LIÊN