Hôm nay:24/11/2024
Những di tích như Đền tưởng niệm Trường An, Nhà lưu niệm nơi thành lập Đảng bộ huyện, Khu tưởng niệm Chiến Thắng Thượng Đức hay Bia di tích nơi phát lệnh khởi nghĩa trên địa bàn Đại Lộc… đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng.
Bia chứng tích tội ác của giặc ở Đại Cường. Ảnh: Bích Liên |
Mốc son khó quên
Tháng 12.1937, tại nhà ông Phó Liên (thân sinh đồng chí Trương Quang Lạc ở làng Bàng Trạch, tổng Đại An), đồng chí Nguyễn Đức Thiệu đã chủ trì cuộc họp đại biểu các chi bộ. Hội nghị đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ huyện gồm 7 đồng chí do Nguyễn Đức Thiệu làm Bí thư.
Sự kiện Đảng bộ huyện ra đời là tất yếu, là mốc son lịch sử đánh dấu sự chuyển biến lớn về chất và lượng của phong trào cách mạng huyện nhà. Để từ đó, từ sự lãnh đạo của Đảng, nhiều phong trào đấu tranh cách mạng đòi dân chủ, dân sinh giai đoạn 1936-1939 liên tục nổ ra. Tiêu biểu là, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu - Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, đã thành lập ban vận động bầu cử cho đồng chí Phan Thanh, về sau là Đặng Thai Mai vào Viện Dân biểu Trung kỳ.
Cách mạng Tháng Tám nổ ra và thắng lợi, Đại Lộc bấy giờ có 3 chi bộ đảng hoạt động, trong đó có một chi bộ mới thành lập do đồng chí Trần Hồng Chu phụ trách chung, đồng chí Phạm Khoa phụ trách công tác nội bộ; ngoài ra còn 2 chi bộ khác là chi bộ Quyết Thắng (Tích Phú, Đại Hiệp) và chi bộ Kim Phúc (tổng Mỹ Hòa, Đại An nay). Bấy giờ, Đảng bộ huyện đã được khôi phục, không ngừng được kiện toàn. Song thời kỳ này, cách mạng đứng trước nhiều khó khăn, tổn thất nặng nề trước những âm mưu, thủ đoạn và tình trạng lùng sục, bắt bớ, thủ tiêu cán bộ cùng những trận càn ác liệt của kẻ thù trên quê hương. Công tác phát triển đảng ở một số địa phương giai đoạn 1945-1954 đối diện với không ít khó khăn, một lực lượng không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân yêu nước đã hy sinh, bị tù đày, bắt bớ.
Những năm 1954-1965 là chặng đường gian nan của cách mạng bởi tổn thất nặng nề từ chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” của chính quyền Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Đại Lộc đã cùng với cả nước liên tiếp chống lại hai cuộc “chiến tranh đặc biệt” và “chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Những trận đánh lớn và chiến thắng oanh liệt như: chiến thắng Cầu Ông Nở, Chiến thắng Núi Lở, Hà Vi… đã làm hàng ngũ địch nhiều phen lung lay. Đỉnh cao là chiến thắng Thượng Đức (7.8.1974) lừng lẫy đã góp phần tạo thế và lực giúp Đại Lộc nói riêng, Quảng Nam và cả nước nói chung tiến đến cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Địa chỉ đỏ
Trên đất Đại Lộc anh hùng, những di tích như Đền tưởng niệm Trường An, Nhà lưu niệm nơi thành lập Đảng bộ huyện, Khu tưởng niệm Chiến Thắng Thượng Đức hay Bia di tích nơi phát lệnh khởi nghĩa trên địa bàn Đại Lộc… đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng. Suốt 15 năm qua, Nhà lưu niệm nơi thành lập Đảng bộ huyện luôn nhắc nhớ những người con sinh ra trên đất này về quá khứ hào hùng của dân tộc, về sự kiện ra đời của Đảng bộ huyện diễn ra cách đây 78 năm tại làng Bàng Trạch, tổng Đại An cũ cũng như những dấu ấn trưởng thành của Đảng bộ huyện. Nhà lưu niệm mỗi năm đón hàng trăm lượt đoàn cán bộ, học sinh, sinh viên đến viếng hương, tham quan, tìm hiểu về lịch sử cách mạng địa phương qua 2 thời kỳ chống Pháp và Mỹ.
Tại thôn Phú Long, xã Đại Thắng thuộc vùng B Đại Lộc ngày nay, Bia chứng tích nơi phát lệnh khởi nghĩa của Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Lộc đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đại Lộc lập nên vào tháng 3.2015. Ông Nguyễn Hồng Phụng - nguyên Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, nguyên Trưởng ban khởi nghĩa huyện Đại Lộc nhớ lại: Nhận định thế và lực cách mạng đang mạnh lên, địch ngày càng bị động và suy yếu, thực hiện chủ trương của Đặc khu ủy Quảng Đà, Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Lộc đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa huyện do ông làm trưởng ban, cùng hai đồng chí Hoàng Ngọc Thừa, Phó Bí thư Huyện ủy, Trần Hùng Vỹ, Huyện đội trưởng làm phó ban. Vào lúc 10 giờ ngày 26.3.1975, tại thôn Phú Long, xã Lộc Quý (Đại Thắng nay), Ủy ban khởi nghĩa huyện đã tổ chức cuộc họp phát lệnh khởi nghĩa. Các đại biểu tham gia tuyên thệ đã tỏ rõ quyết tâm: “Có đi không về, nếu sự nghiệp giải phóng quê hương chưa thành công”. Mệnh lệnh khởi nghĩa nhanh chóng được truyền đi, thúc đẩy quân và dân toàn huyện với khí thế “một ngày bằng hai mươi năm”, đồng loạt tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn huyện Đại Lộc vào lúc 16 giờ ngày 28.3.1975.
Bốn mươi năm qua, Đại Lộc thuộc nhóm địa phương làm tốt công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Biểu hiện ở công tác biên soạn sách Lịch sử Đảng bộ huyện qua các thời kỳ: 1930-1945, 1930-1975, 1975-2000 cùng nhiều đầu sách về văn hóa - lịch sử khác. Ngoài xây dựng Nhà lưu niệm nơi thành lập Đảng bộ huyện, công trình Nhà lưu niệm nơi thành lập Đảng bộ xã Đại Minh cũng đã được xây dựng tại thôn Ấp Nam (Đại Minh), nơi ra đời của chi bộ Phan Đăng Lưu, chi bộ đảng đầu tiên của xã Đại Minh, trực thuộc Đại Lộc. Nhằm phục vụ tốt cho công tác biên soạn lịch sử Đảng, xác định nơi dựng bia chiến tích và nhà tưởng niệm tri ân các bậc tiền bối hữu công, giai đoạn 2013-2014, Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Lộc đã tổ chức khảo sát địa danh, gặp gỡ nhân chứng liên quan đến hoạt động của Ban Thường vụ Huyện ủy giai đoạn 1930-1975. Theo ông Phan Xuân Quang - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đại Lộc, qua khảo sát, đã xác định được một số địa điểm trước kia là nơi làm việc của Cơ quan Huyện ủy Đại Lộc thời kháng chiến như: địa điểm thôn Chấn Sơn (Đại Hưng); thôn Thạnh An, xã Lộc Thành (nay là thôn An Chánh, Đại Tân); thôn Xuân Đông, xã Đại Thắng; thôn 8, xã Đại Cường… Cho tới nay, việc khảo sát chưa dừng lại ở đó.
Có thể thấy, gần 78 năm qua là thời gian đánh dấu cho chặng đường phát triển vượt bậc của Đảng bộ huyện Đại Lộc. Những dấu ấn, mốc son khó quên đó mãi là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng qua bao thế hệ.
TRẦN BÍCH LIÊN