Hôm nay:05/12/2024
Quảng Nam là xứ vàng - sách xưa chép vậy. Từ một địa danh Bồng Miêu, nơi có quặng vàng với trữ lượng nhiều nhất nước, có thể đã hình thành bao nhiêu cơ sở chế tác vàng tinh xảo ở xứ Quảng. Và sẽ có một bảo tàng của nghề kim hoàn lấp lánh như một giấc mơ.
Anh Ngọc Minh với bộ sưu tập nghề kim hoàn. |
Tôi hẹn gặp anh ở ngã ba thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên), chỗ hiệu vàng của anh. Ngọc Minh - tên hiệu vàng và cũng là tên anh. Còn nhớ cái tên Ngọc Minh đã làm nhiều người sửng sốt khi anh tham gia trưng bày bức tranh bản đồ Việt Nam với 1.000 con rồng làm bằng vàng gắn trên đó (tranh khổ lớn 3m x 6m) trong triển lãm “Những ngày văn hóa Quảng Nam” ở thủ đô Hà Nội. Sau đó bức tranh được trưng bày trong triển lãm Một ngàn năm Thăng Long với tên gọi là Thiên long Việt đồ. Tranh này sau đó được ghi vào sách kỷ lục Guinness Việt Nam.
Dụng công dụng sức
Bên ngoài hiệu vàng Ngọc Minh, quốc lộ 1 luôn ồn ào và tấp nập xe cộ, nhưng bên trong tôi phải tịnh và gập người để tò mò săm soi qua các tủ kính với vài công cụ để chế tác các đồ trang sức và cả những người thợ của anh đang tỉ mỹ gia công. Anh Minh tươi cười giải thích cho tôi từng công đoạn, từng sản phẩm. Điều anh quan tâm, bỏ công sức nhiều hơn cả là những tác phẩm trang sức làm bằng tay – những đồ thủ công mỹ nghệ bằng vàng, bạc... mà ngày nay hầu như nhiều hiệu vàng trong nước đã bỏ qua. Thời đại công nghệ, các phương tiện máy móc đã làm nên những các sản phẩm giống nhau, nhất là đồ trang sức. Từ kiểu dáng chung đến từng tiểu tiết, chỉ khác nhau khi thêm chi tiết về tên của hiệu, doanh nghiệp…
Máy cán do ông Nguyễn Thắng và bà Nguyễn Thị Kim Liên (TP.Tam Kỳ) tặng. |
Anh Ngọc Minh đưa tôi đến xem một số hiện vật cổ về nghề kim hoàn mà anh và vài đồng nghiệp vừa sưu tập được. Bên trạm xăng dầu gần Hương An (Quế Sơn), trong căn phòng nhỏ mà anh dự định làm địa điểm triển lãm, có bộ sưu tập đồ vật của nghề kim hoàn xưa. Mỗi hiện vật mang lại cho tôi một sự ngạc nhiên khác nhau. Đầu tiên là nét vẽ một ngôi nhà như kiểu mái đình xưa, trên đó là 142 khuôn dấu của các doanh nghiệp, hiệu vàng trên địa bàn Quảng Nam. Ngọc Minh đã bỏ công sức và thời gian đi đến 142 cửa hiệu để... xin khuôn dấu. “Việc tưởng đơn giản mà cũng lắm nhiêu khê bởi nhiều chủ nhân hiệu vàng không hiểu mục đích của việc làm này nên họ không cho, tôi phải giải thích mãi” – anh Ngọc Minh nói.
Cân tiểu ly. |
Bộ sưu tập được bố trí từ những cân tiểu ly thô sơ, đến các loại cân chính xác (cân điện tử). Cả dụng cụ lấy quặng, cán vàng, phân kim đến các đồ nghề để chế tác vật trang sức, khảm cẩn... đều làm bằng tay. Công phu hơn cả là những bản khắc tên bằng đồng của người hiến tặng đồ xưa từ cái cân tiểu ly, bàn kéo, máy cán vàng, bàn cán đúc đến công cụ thô sơ đãi vàng và cả cục đá có quặng vàng. Có thể đọc tên như cái máy cán do ông Nguyễn Thắng và bà Nguyễn Thị Kim Liên (TP.Tam Kỳ) tặng vào lúc 12g30 ngày 23.6.2015. Tất cả hiện vật đều được trang trọng ghi rõ xuất xứ nơi sưu tập, chủ nhân và quan trọng là các bản chú thích được làm thủ công. Dẫu việc trưng bày chỉ là bước đầu như là cách để bảo tồn nhưng anh Ngọc Minh đã cho người xem cảm nhận ý nghĩa của việc gìn giữ những giá trị của nghề kim hoàn.
Dấu xưa còn lại
Nếu nói về nghề kim hoàn nhất là nghề làm đồ trang sức thì phải nhắc đến ngôi làng ở phía bắc miền Trung là làng Kế Môn, xã Điền Môn, Phong Điền, Thừa Thiên Huế với những sản phẩm của cung đình dành cho vua chúa. Nhưng, với ý tưởng của chủ hiệu vàng Ngọc Minh, bước đầu gợi ý cho tôi về vùng đất xưa của xứ vàng Bồng Miêu, nơi mà vào thời Chăm pa cổ đã biết khai thác vàng. Biết đâu những cổ vật quý, nay là báu vật quốc gia như kosa linga bằng vàng phát hiện tại thôn Phú Long, Đại Thắng, Đại Lộc và biết bao nhiêu đồ trang sức đẹp trong các cuộc khai quật khảo cổ học đã là vàng từ khai khoáng ở mỏ vàng Bồng Miêu và là sản phẩm của người bản địa?
Kosa linga bằng vàng phát hiện tại thôn Phú Long, Đại Thắng, Đại Lộc. |
Người viết bài này đã từng tham gia một chuyên đề về tìm hiểu việc khai thác quặng vàng của người xưa ở Bồng Miêu. Nơi này còn dấu vết như cối giã quặng của người Chăm xưa hay hầm khai thác của nhà Nguyễn, các đập nước rửa quặng của thực dân Pháp và cả dấu vết của khu mồ mả của các phu vàng người Việt chết khi bòn vàng, sập hầm… Hơn một tuần đi khảo sát ở trong lòng các hầm mỏ ở núi Kẽm - Bồng Miêu, tôi từng nghĩ đến thời huy hoàng của nghề hoàn kim đã có mặt trên đất này. Đến nay qua 5 năm, có thể các dấu vết ấy đã biến mất và chỉ còn là những tư liệu và hình ảnh lưu trong đĩa CD hay máy tính. Ý tưởng cho một bảo tàng về vàng và nghề kim hoàn với các hiện vật cụ thể là điều mà những doanh nghiệp về khai thác vàng lẫn chế tác chưa quan tâm. Đã có những bảo tàng sống động như bảo tàng chuyên đề về than, về muối và thời gian đến ở Hội An sẽ có bảo tàng về nghề y truyền thống, về ghe thuyền. Vậy bảo tàng kim hoàn, tại sao không? Từ suy nghĩ này, anh Ngọc Minh cùng vài đồng nghiệp bước đầu lặn lội sưu tầm.
Sẽ là nhanh hay chậm để có một bộ sưu tập khá hoàn chỉnh trong một không gian trưng bày rộng thoáng và cả một dự án, với một đề cương trưng bày mang tính lịch sử - văn hóa và cả yếu tố thẫm mỹ của người xưa và nay? Sẽ nhanh hay chậm để có một bảo tàng vinh danh nghề kim hoàn ở xứ Quảng - xứ vàng? Ngọc Minh và những người cộng sự đang dốc sức để giấc mơ ấy thành hiện thực.
NGUYỄN THƯỢNG HỶ