Hôm nay:05/12/2024
Nói đến sự “nhộn nhịp” của các vùng thơ ca trên mảnh đất thi ca Quảng Nam ở “thì hiện tại”, nhiều người nghĩ ngay đến Đại Lộc. Đơn giản vì nơi đây đã và đang có một đội ngũ những người làm thơ đông đúc, trong đó có không ít những gương mặt thơ giàu cá tính và có “danh phận” trong làng thơ đất nước.
Sôi nổi những “chiếu thơ làng”
Theo đăng ký chính thức tại Phòng Văn hóa - thông tin huyện, ngoài câu lạc bộ (CLB) văn học cấp huyện mang tên Nam Trân, trên địa bàn Đại Lộc còn có 6 CLB thơ cấp xã, gồm CLB thơ Vu Gia (Đại Lãnh), Trăng Non (Đại Hồng), Hoàng Giang (Đại Hưng), Phú Hòa (Đại Thắng), Đại Phong và Đại Đồng với tổng số hội viên trên dưới 300 người. Tuy mang danh nghĩa của một địa phương cụ thể, song các CLB thơ cấp xã ở đây lại thu nhận, quy tụ cả những người yêu thơ từ các xã lân cận, thậm chí cả ở Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh. Lại nữa, thay vì chỉ có những người đã nghỉ hưu như thường thấy, các CLB thơ ở Đại Lộc đều có thành phần hội viên phong phú: người nghỉ hưu, cán bộ đương chức, thanh niên, học sinh, giáo viên... Đặc biệt, một số CLB còn có sự góp mặt của các hội viên Hội VHNT tỉnh - những người đã được định danh ít nhiều và có hoạt động sáng tác tương đối chuyên nghiệp.
Tập hợp trên tinh thần tự nguyện nhưng các CLB thơ ở Đại Lộc lại hoạt động khá bài bản; có ban chủ nhiệm, có quy chế hoạt động hẳn hoi. Đều đặn mỗi tháng hoặc mỗi quý một lần, họ lại gặp nhau để giới thiệu cho nhau những sáng tác mới của mình, rồi cùng bình phẩm, ngâm vịnh thơ phú. Thỉnh thoảng, họ tổ chức gặp gỡ, giao lưu giữa các CLB thơ trong huyện với nhau và cũng có khi tổ chức chương trình thơ - nhạc, giao lưu, giới thiệu tác phẩm với các CLB ngoài huyện... Ngoài ra, nhân các sự kiện văn hóa, văn nghệ của địa phương, các CLB này lại tổ chức trình diễn thơ ca phục vụ công chúng. Gần đây nhất, trong chương trình thơ Nguyên tiêu lần thứ XIV do Hội VHNT tỉnh tổ chức tại Đại Lộc vào rằm tháng giêng Bính Thân, các CLB này cũng đã đóng góp một số tiết mục đặc sắc... Thông qua những hoạt động này, số người yêu thơ tìm đến, xin gia nhập các CLB ngày càng đông. Theo một cán bộ của phòng VHTT huyện Đại Lộc, chính sự ra đời của các CLB thơ ca đã góp phần làm phong phú thêm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ trên địa bàn huyện.
Những cái tên được định danh
Từ những “chiếu thơ làng” lặng lẽ, khuất lấp nhưng hào sảng ấy ở Đại Lộc, nhiều cây bút mới với bút lực dồi dào, sung mãn đã xuất hiện. Trong đó, có thể kể đến những gương mặt ấn tượng như Đinh Huyền, Lê Đức Thịnh, Trần Vương, Nguyễn Thế Chất, Nguyễn Văn Nam, Sương Thu... Ngoài ra, những năm gần đây làng thơ xứ Quảng và cả nước còn ghi nhận được một số gương mặt mới khác, cũng xuất thân từ Đại Lộc. Đó là Đỗ Tấn Đạt, hiện ở Tam Kỳ; là Huệ Thi, hiện ở Cần Thơ; là Bách Mỵ, hiện ở Đà Nẵng... Những cây bút này đều đã có thơ đăng trên các báo, tạp chí chuyên về văn học - nghệ thuật; có người đã được kết nạp vào Hội VHNT cấp tỉnh nơi họ đang sinh sống, có người đã giành được các giải thưởng văn chương danh giá.
Ngoài những gương mặt mới ấy, nói đến vùng đất thơ ca Đại Lộc hẳn nhiên không thể không kể đến những tác giả đã được định danh trước đây. Ví như những Nguyễn Nhã Tiên, Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Hải Triều, Huỳnh Minh Tâm, Ngô Hà Phương... Ví như những Vũ Giang, Nguyễn Giúp, Trương Xuân Đông, Ngô Thị Thục Trang, Đỗ Thị Kết... Những người này đã và vẫn đang là những gương mặt thơ ấn tượng, cá tính; là mắc nối nhịp cầu thơ ca quê nhà, để Đại Lộc tiếp tục được nhận diện. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, tần số xuất hiện của các tác giả thơ quê Đại Lộc trên mặt báo trở nên thường xuyên và dày đặc hơn; thậm chí ở tạp chí Đất Quảng từng có lúc hơn một nửa số thơ xuất hiện trên một số tạp chí là của... người Đại Lộc. Đây có thể như một chỉ dấu không chỉ về sự hiện diện, sự góp mặt của “người thơ quê Đại Lộc” vào đời sống thi ca mà còn là một sự khẳng định về chất lượng tác phẩm do họ sáng tạo nên. Xa hơn, đấy còn là những nét vẽ đậm, bền để tô điểm và làm rõ hơn gương mặt ấn tượng của một vùng đất thơ ca.
BẢO ANH (Báo Quảng Nam)