CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:28/09/2024

Để nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hoá cơ sở hiện nay

          Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được toàn xã hội thực hiện có hiệu quả trong những năm gần đây. Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là bước đi ban đầu, là nền tảng xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa.

Các gia đình có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong Phong trào "TDĐKXDĐSVH" năm 2018         

          Trong những năm qua, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn huyện ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương đã tổ chức thực hiện tốt Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”) gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, tộc văn hóa, thôn, khu phố văn hóatiếp tục được đẩy mạnh, góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống và bản sắc văn hóa của gia đình Việt Nam, xây dựng và bồi dưỡng nhân cách, đạo đức con người, làm cho mối quan hệ giữa gia đình với cộng đồng và xã hội ngày càng bền vững, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương.Bên cạnh đó, toàn huyện đãxây dựng cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, khu dân cư và mỗi gia đình thực sự là môi trường văn hóa lành mạnh để hình thành nhân cách con người. Năm 2018, toàn huyện có 36.908 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 92,22%, tăng 5,67% so với năm 2014; 145/160 thôn, khu phố đạt danh hiệu thôn, khu phố văn hóa, đạt tỷ lệ 90,6%, tăng 48,75% so với năm 2014; 9 xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, văn minh đô thị, tăng 8 xã, thị trấn so với năm 2014; 129 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 96,26%, tăng 6,22% so với năm 2014.

         Cơ sở vật chất văn hóa, thế thao được tăng cường đầu tư hơn trước, tạo điều kiện tổ chức tốt các hoạt động văn hóa- thể thao từ huyện đến cơ sở sông, góp phần nâng cao đời sống văn hóa. Ở cấp huyện, đã đầu tư tu sửa nhà làm việc của Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Phòng Văn hóa- Thông tin huyện; nâng cấp Nhà thi đấu TDTT, xây dựng Khu Thể dục- thể thao huyện với kinh phí trên 36,3 tỷ đồng (đã đưa vào hoạt động cuối năm 2016); lắp đặt dụng vụ tập luyện thể thao ngoài trời tại Công viên Ái Nghĩa. Đáng chú ý là hệ thống cơ sở vật chất cổ động trực quan trên địa bàn huyện được đầu tư hiện đại hơn trước (đã đầu tư 64 trụ treo Pano, băng-rôn; 5 trụ đèn Led, 2 cổng hoa, làm mới hệ thống pa-nô trên các tuyến đường Hùng Vương, Nguyễn Tất Thành (thị trấn Ái Nghĩa) và khu trung tâm một số địa phương; xây dựng 2 cụm Pano chiến lược trên tuyến Quốc lộ 14B). Đối với cấp xã, tính đến cuối năm 2018, trên địa bàn huyệncó 11xã đã được thẩm định đạt chuẩn về Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã; tổng kinh phí xây dựng: 35 tỷ đồng, 15/18 xã, thị trấn có sân vận động, đảm bảo các điều kiện phục vụ nhân dân tập luyện, thi đấu; 18/18 xã, thị trấn có trang thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở. Các thôn, khu phố đều có Nhà văn hoá - Khu thể thao, trong đó có 103/160 thôn, khu phố, đạt chuẩn, tỷ lệ 64,3%. Chính nhờ hệ thống thiết chế văn hóa- thể thao này, hằng năm đã tổ chức các hội thi, hội diễn, giải thể thao ở cấp xã và nhiều hoạt động văn hóa- thể thao ở thôn, khu phố ngày càng có chất lượng chuyên môn và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đặc biệt, đã phục vụ tốt Đại hội TDTT cấp xã năm 2016 và tham gia Đại hội cấp huyện năm 2017 đạt kết quả cao.

          Tuy nhiên, vấn đề bức xúc mà toàn xã hội đang quan tâm, đó là: Cơ sở vật chất văn hóa, thể thao tuy đã được quan tâm đầu tư khá nhiều nhưng tỷ lệ đạt chuẩn nông thôn mới chưa cao. Một số thiết chế văn hóa, thể thao đã được xây dựng nhưng trang thiết bị còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là thiết bị âm thanh, ánh sáng, bàn ghế... nên gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động và trên thực tế một số thiết chế chưa phát huy đầy đủ công năng theo quy định. Nhiều Thư viện xã, phòng đọc sách báo thôn hoạt động cầm chừng hoặc không hoạt động dẫn đến phong trào Văn hóa đọc trong cộng đồng tuy có chuyển biến nhưng chưa mạnh.Đến nay, điểm vui chơi giải trí công cộng chưa nhiều và chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, nhất là trẻ em. Tính bền vững của Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" có nơi chưa cao. Công tác phát động, kiểm tra, công nhận danh hiệu tộc văn hóa hằng năm ở cấp xã chưa được chú trọng đúng mức.

          Để nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở trong thời gian đến, đề nghị các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp sâu rộng:

          1-Hằng năm, các Trung tâm Văn hoá - Thể thao cấp xã phải xây dựng chương trình hoạt động cụ thể trên cơ sở phối hợp liên tịch giữa ngành Văn hóa- Thông tin và các ngành, đoàn thể ở địa phương. Theo đó, tất cả các hoạt động văn hóa- thể thao ở địa phương nhất thiết phải quy lại một đầu mối là Trung tâm Văn hoá - Thể thao cấp xã. Tránh tình trạng ngành nào, đoàn thể, tổ chức nào cũng tự đứng ra tổ chức các hoạt động, dẫn đến sự trùng lắp và gây lãng phí về kinh phí, con người, thời gian và đặc biệt là không phát huy được công năng của các thiết chế văn hóa, thể thao đã được đầu tư xây dựng từ nhiều năm nay.

          2- Cần tăng cường công tác quản lý hoạt động của Trung tâm Văn hoá - Thể thao cấp xã, Nhà Văn hoá - Khu thể thao thôn theo hướng xây dựng và thực hiện tốt Nội quy, Quy chế hoạt động. Nâng cao trách nhiệm của Ban Chủ nhiệm Trung tâm Văn hoá - Thể thao cấp xã và Ban Quản lý Nhà Văn hoá - Khu thể thao thôn trong quản lý, bảo quản và phát huy giá trị sử dụng của các cơ sở vật chất nhu Nhà văn hóa, Nhà thi đấu đa chức năng, sân vận động... Ban Chủ nhiệm Trung tâm Văn hoá - Thể thao cấp xã phải thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Ban Quản lý Nhà Văn hoá - Khu thể thao thôn, khu phố.

          3-Tiếp tục chăm lo xây dựng và mở rộng hơn nữa hệ thống cácloại hình câu lạc bộ văn hóa, thể thao tại Trung tâm Văn hoá - Thể thao cấp xã, Nhà Văn hoá - Khu thể thao thôn. Thực tiễn cho thấy, các CLB là “xương sống” của Trung tâm Văn hoá - Thể thao cấp xã, Nhà Văn hoá - Khu thể thao thônhiện nay. Các CLB sẽ thu hút một số lượng nhất định những người có sở thích về văn hóa- nghệ thuật, thể dục- thể thao và duy trì thường xuyên hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao, làm nòng cốt cho phát triển văn hóa, thể thao quần chúng một cách bền vững.

          4-Tập trung củng cố và khôi phục hoạt động của thư viện cấp xã và phòng đọc sách thôn, khu phố. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển mạnh văn hóa đọc trong cộng đồng. Thời gian qua, một số xã đã đạt chuẩn NTM nhưng thư viện hoạt động còn cầm chừng, chưa bố trí người quản lý thư viện, chưa bổ sung thêm lượng sách để đáp ứng nhu cầu của độc giả. Thời gian đến, đề nghị các địa phương cần có nhận thức đúng đắn hơn về vai trò, vị trí của thư viện trong phát triển văn hóa và con người theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW, từ đó có sựquan tâm đầu tư hơn cho phát triển văn hóa đọc một cách hiệu quả. Trước mắt là chỉ đạo đẩy mạnh Cuộc vận động “Mỗi người dân đóng góp một cuốn sách để xây dựng thư viện xã và phòng đọc sách báo thôn”,

          5-Tăng cường đầu tư hợp l‎í nguồn kinh phí từ ngân sách kết hợp với xã hội hóa để tổ chức thường xuyên, có chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao. Đầu tư thêm trang thiết bị, phương tiện để phát huy cơ sở vật chất của các thiết chế văn hóa- thể thao ở cơ sở hiện có; nghiên cứu bố trí hợp lý kinh phí sự nghiệp hằng năm cho Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã để các cơ sở này chủ động tổ chức có hiệu quả các hoạt động văn hóa- thể thao nhằm vừa phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương, vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng tăng của nhân dân.

          6-Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là công tác xây dựng gia đình văn hóa; thôn, khu phố văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tộc đạt chuẩn văn hóa, tạo nên sự phát triển về bề rộng lẫn chiều sâu của phong trào này ở cơ sở; thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

          7-Về phía ngành Văn hóa- Thông tin, cần có các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở như: tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên môn về quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao; tổ chức phát động thi đua đối với hệ thống Trung tâm VH-TT cấp xã; hướng dẫn và đôn đốc xây dựng hệ thống câu lạc bộ văn hóa, thể thao, gia đình của từng địa phương…

Kim Cúc

 Phòng VH- TT

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất