CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:29/09/2024

VỀ ĐẠI CƯỜNG NGHE HUYỀN THOẠI BÀ PHƯỜNG CHÀO

        Theo thần phả do đồng đệ tam giáp tiến sĩ, khoa Nhâm Thìn, với chức Gia Nghị đại phu tên Học biên soạn năm Khải Định thứ 4 (1919), Bà tên là Nguyễn Thị Của, sinh ngày 25-2 năm Cảnh Thịnh bát niên (1800) tại làng Phường Chào (thuộc châu Phiếm Ái), nay thuộc thôn Mỹ Phiếm, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Thế nhân gọi thành tên là "Bà Phường Chào" là vì vậy. Thân phụ làm quan triều Lê, tên là Nguyễn Trí. Thân mẫu họ Trịnh, huý là Tình. Nhũ mẫu là Đoàn Thị Vệ. Cả ba là "Tam vị khải thần'' được thờ tại miếu Nhũ Mẫu.

        Tương truyền, lúc thân mẫu trở dạ, ngoài trời một cơn gió quay cuồng, cát bụi mù mịt, mây trắng bồng bềnh che phủ một vùng. Là tiên giáng thế, toàn thân Bà không có xương, làn da trắng như tuyết, thơm như hoa; đi đứng khác thường (chỉ dùng hai ngón chân cái); tiếng nói trong trẻo; thích mặc vải lụa điều; thịt mua ở chợ nếu có người mua trước là bà không dùng. Thú vui ưa thích của Bà là ưa vỗ về, nô giỡn, ca múa với trẻ em. Bà cũng thích hát bội, thích tiếng pháo và thích đua ghe. Lớn lên, Bà hành nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người.

Diễu hành, rước sắc bà trong Lễ hội - ảnh Nhật Duy

        Ở trần gian được 18 năm, ngày 19-11 năm Gia Long thứ 16 (1817), Bà hiển linh tại đất Phường Chào. Người ta kể rằng, sau khi an táng, có một con trâu húc vào mộ Bà, liền ngã lăn ra chết. Thấy vậy, ông chủ bái của làng bảo: "Trâu chết là việc tình cờ, chứ cô gái ấy có gì mà linh thiêng". Vừa nói xong, đầu ông bỗng đau như búa bổ, vài ngày sau đột tử! Dân làng và thân quyến kiêng sợ oai linh của Bà, tổ chức lệ vía sinh vào ngày 25 tháng Chạp âm lịch hằng năm và giỗ ngày 19-11. Năm Thành Thái thứ 10 (1898), Tổng đốc Quảng Nam sợ sông đào Ái Nghĩa làm lở mất mộ Bà nên cho cải táng về làng Phước Yên, nay thuộc Gò Muồng (khu 6, thị trấn Ái Nghĩa).

        Bà Phường Chào được triều đình nhà Nguyễn phong thần hai lần. Ngày 20-9 năm Thành Thái thứ 6 (1894), triều đình sắc phong thần cho Bà với mỹ hiệu: "Trai thục Dực bảo Trung hưng trung đẳng thần nữ Nguyễn thị linh ứng  tôn thần". Cũng trong năm này, Tây cung Từ Dũ ân ban hai đồng tiền: một đồng hiệu Tam Thọ được thờ ở Dinh Bà Chợ Được; một đồng hiệu Tứ Mỹ thờ ở Miếu Phiếm Ái châu. Năm Thành Thái thứ 8 (1896), Miếu thờ Bà tại làng Phiếm Ái cũng được sắc phong. Năm Khải Định thứ 4 (1919), triều đình ban sắc gia phong tặng Bà Phường Chào là "Trang huy Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần".Lăng Bà tại xã Bình Triều, huyện Thăng Bình đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.

        Theo các nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Vu Gia, Bà Phường Chào thuộc vào hệ thống thần linh chính thống. Nhiều tư liệu liên quan cho phép nhận định Bà là một nữ thần Chăm được Việt hóa ở mức độ cao và có những điểm tương đồng với Bà Thu Bồn (Bô Bô phu nhân). Dân gian cho rằng họ là chị em:

"Bô Bô nói với Phường Chào

Xem tôi với chị bên nào hiền hơn"

        Thần tích Bà Phường Chào ghi rõ: "Ngôi Kim có Đức Bà Thiên Y Ana Thánh Mẫu Chúa Ngọc tôn thần; Ngôi Mộc có Đức Bà Bạch Phụng - Bạch Thố phu nhân tôn thần; Ngôi Thủy có Đức Bà Bô Bô phu nhân, hiệu Thu Bồn tôn thần; Tam Động Hỏa Phong Thần nữ, sắc phong Trai thục Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần - là Đức Bà linh hiển tại Phường Chào chúng ta".

        Tương truyền, sau khi tạ thế, hồn Bà Phường Chào chu du khắp bốn phương trời và hiển linh để trừng phạt bọn quan tham sâu mọt hại dân, cho thuốc cứu độ chúng sinh, đặc biệt rất yêu thương dân nghèo. Năm Tự Đức thứ 5 (1853), Bà vân du qua thôn Phước Ấm (Bình Triều, Thăng Bình). Nơi đây vốn là rừng cây sum suê; nhà cửa thưa thớt nhưng cảnh trí hữu tình, trên có rừng, dưới có sông, núi Ngọc Châu hoàn tả hữu. Bà nảy ý muốn tụ người lập chợ nhằm giúp dân địa phương đỡ vất vả, khỏi phải qua sông lụy đò sang chợ Trà Đỏa (Bình Đào) để mua bán. Chẳng mấy chốc, thôn vắng trở thành chợ búa thịnh mậu, nhà quán xây dựng như nơi đô hội. Sông Trường Giang ghe thuyền tới lui tấp nập, có cả đoàn ghe bầu hàng chục chiếc, tải trọng vài chục tấn, buôn hàng tận Gia Định, Đồng Nai… Dân chúng gọi đó là Chợ Được  (hàm ý: cầu chi cũng được!) hay Chợ Bà. Nhớ ơn Bà, người dân lập Dinh Bà Chợ Được.

        Hằng năm, ở khu vực Chợ Được (Bình Triều, Thăng Bình), Lễ hội rước cộ Bà Phường Chào được tổ chức rất trang trọng, diễn ra vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch- ngày người dân Chợ Được đón nhận sắc phong của Bà. Điều đáng chú ý là hội cộ chỉ diễn ra ban đêm, sau khi các vị cao niên tiến hành xong phần lễ ở lăng thờ Bà. Dẫn đầu đoàn cộ là 6 người khiêng Sắc phong của Bà, có phường bát âm, cờ, phướn, tàn lọng. Hai bên đường, dân chúng bày hương án cung kính nghinh đón. Ban ngày, trên sông Trường Giang, hội đua thuyền được tổ chức không kém phần sôi động, thu hút đông đảo ghe đua và khán giả gần xa. Còn tại làng Mỹ Phiếm, quê hương của Bà, Lễ hội Bà Phường Chào được được tổ chức hằng năm vào ngày sinh của Bà- ngày 25 tháng 2 âm lịch nhằm thể hiện sự tri ân công đức của Bà Phường Chào nói riêng đối với quê hương, đất nước. Đây cũng là một lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng dân gian, chứa đựng những nội hàm tinh túy, hướng con người đến cái đích “Chân - Thiện - Mỹ”, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, bội thu. Lễ hội chẳng những đáp ứng nhu cầu tinh thần, tâm linh của người dân địa phương, thể hiện bản sắc của một miền quê mà còn là một hoạt động thiết thực góp phần khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Mặt khác,Lễ hội còn góp phần hình thành và phát triển loại hình du lịch văn hóa- tâm linh ở xã Đại Cường nói riêng và huyện Đại Lộc nói chung.

                                             Vân Trình

 

 

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất