CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:20/09/2024

Điểm tựa của người nghèo

Là kênh ủy thác nguồn vốn vay tín dụng tin cậy, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Đại Lộc luôn là điểm tựa giúp người nghèo trên địa bàn huyện vươn lên ổn định cuộc sống.

Đồng hành với phụ nữ nghèo

Nhiều năm liền, Hội LHPN xã Đại Hưng tích cực đồng hành với phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân trên địa bàn. Hội đã đứng ra tín chấp, là cầu nối giữa Ngân hàng CSXH huyện và hội viên phụ nữ để giúp chị em hoàn cảnh khó khăn được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, nuôi con ăn học. Toàn xã có 11 tổ tiết kiệm và vay vốn đa phần do các chi hội trưởng phụ nữ thôn làm tổ trưởng. Các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn luôn sâu sát hoàn cảnh phụ nữ khó khăn để giúp những chị em có nhu cầu, điều kiện vay vốn hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi, kinh doanh buôn bán, trồng trọt. Bà Nguyễn Thị Thu Thanh - Chủ tịch Hội LHPN xã Đại Hưng chia sẻ: “Nhờ chị em ở cơ sở sâu sát từng hồ sơ, trường hợp vay vốn nên rất ít hồ sơ Hội LHPN gửi lên Ngân hàng CSXH huyện bị trả lại. Nhiều năm qua, Hội LHPN và các tổ tiết kiệm và vay vốn đã đứng ra tín chấp, giúp đỡ cho 462 hộ do phụ nữ đơn thân, phụ nữ làm chủ hộ được hỗ trợ vay vốn với tổng nguồn 8,7 tỷ đồng. Chỉ riêng Chi hội Phụ nữ thôn Mậu Lâm đã đứng ra tín chấp cho chị em phụ nữ vay hơn 1 tỷ đồng”.

Chị Tăng Thị Phượng bên ao cá nuôi của gia đình. Ảnh: T.N
Chị Tăng Thị Phượng bên ao cá nuôi của gia đình. Ảnh: T.N

Trên địa bàn xã Đại Hưng, nhiều chị em phụ nữ đã sử dụng có hiệu quả vốn vay, vươn lên thoát nghèo. Chị Phan Thị Tĩnh (thôn Đại Mỹ) cho hay: “Để có điều kiện mở rộng chuồng trại, đầu tư con giống, thức ăn trong chăn nuôi, gia đình tôi vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH và một kênh vay vốn khác. Đến thời điểm này, gia trại của tôi có 150 heo thịt. Dù giá cả thị trường luôn biến động nhưng nhờ làm chủ được nguồn thức ăn đầu vào, tận dụng các phụ phẩm trong chăn nuôi, giảm thiểu thức ăn công nghiệp nhờ có máy xay xát, mỗi năm gia đình tôi thu nhập hơn 150 triệu đồng từ chăn nuôi, chưa kể hoạt động kinh doanh hàng nông sản khác”. Cũng như chị Tĩnh, tranh thủ nguồn vốn vay lãi suất thấp, thời hạn hoàn vốn dài (có thể gia hạn), gia đình chị Tăng Thị Phượng (thôn An Tân) vay 30 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi gà, đào ao thả cá, cải thiện kinh tế gia đình. Hiện, gia trại của chị có hơn 2.000 gà đẻ trứng, tận dụng nguồn phụ phẩm, thức ăn dư thừa của gà, chị thả cá trên 2 sào diện tích mặt nước với rô phi, trắm cỏ, mè. Ngoài ra, gia đình chị Phượng cùng với một hộ khác chung tiền đầu tư đường ống nước tự chảy dẫn từ khe Hóc Bạc cách mấy cây số đường rừng. “Vợ chồng tôi dự tính khi đáo hạn sẽ tiếp tục vay vốn nuôi thêm ba ba trên 1 sào diện tích mặt nước còn lại” - chị Phượng nói.

Sâu sát cơ sở

Ông Lê Tấn Hùng - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đại Lộc thông tin, tính đến 31.12.2015, tổng dư nợ ủy thác qua các hội đoàn thể (phụ nữ, thanh niên, nông dân…) của phòng giao dịch hơn 221 tỷ đồng. Nguồn này được ủy thác qua 350 tổ tiết kiệm và vay vốn với 13.039 hộ vay. Mục tiêu là hỗ trợ, tạo điều kiện giúp cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp để đầu tư sản xuất kinh doanh, sửa chữa và xây dựng nhà ở tránh lũ, xây dựng công trình nước sạch, giải quyết việc làm… “Do đối tượng vay vốn chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo nên tùy điều kiện của mỗi hộ, cán bộ tín dụng ngân hàng phối hợp với các địa phương, các hội đoàn thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho người được vay vốn sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả nhất với lãi suất thấp” - ông Hùng nói. Nhờ đó, Đại Lộc là đơn vị có chất lượng tín dụng ở mức khá, toàn huyện có 14 xã không có nợ quá hạn, các xã Đại Hiệp, Đại Đồng… là những xã có số dư tăng tương đối tốt.

Ông Nguyễn Hữu Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, trong năm 2016 để phát huy hơn nữa vai trò đồng hành, là điểm tựa của người nghèo, kế hoạch đặt ra của Ngân hàng CSXH huyện là phấn đấu nâng mức tăng trưởng nguồn vốn đạt 8 - 10% so với năm 2015. Ngân hàng CSXH huyện phối hợp với chính quyền địa phương các xã/thị trấn, hội đoàn thể các cấp và các tổ tiết kiệm và vay vốn làm tốt công tác xử lý nợ quá hạn dưới 0,02%, phấn đấu 17/18 xã/thị trấn không có nợ quá hạn. Phấn đấu thu lãi đạt 100% số lãi phải thu, 100% số hộ tham gia tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vốn vay. Đồng thời Ngân hàng CSXH huyện phải hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2016 do ngân hàng cấp trên giao, thực hiện có hiệu quả các chương trình cho vay theo chỉ định của Chính phủ. “Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH phải lập chương trình kiểm tra, giám sát thường xuyên. Tiếp tục rà soát danh sách hộ nghèo chuẩn mới để bổ sung kịp thời danh sách hộ nghèo theo từng thời điểm, tích cực hỗ trợ, đồng hành giúp hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống” - ông Vũ nói.

TRIÊU NHAN (Báo Quảng Nam)

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất