CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:20/09/2024

Phòng tránh cháy rừng

Đại Lộc là huyện có diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp khá lớn, vào mùa khô hạn, nguy cơ cháy rừng rất dễ xảy ra. Để phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) có hiệu quả, Đại Lộc triển khai nhiều giải pháp một cách đồng bộ…

Nguy cơ “giặc lửa”

Đại Lộc có diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp chiếm 58,6% tổng diện tích tự nhiên của huyện (58.708ha). Trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 19.851ha; diện tích rừng trồng, chủ yếu cây nguyên liệu là 14.579ha, nhiều nhất là các xã Đại Hiệp, Đại Quang, Đại Thạnh, Đại Chánh… Các vụ cháy rừng ở Đại Lộc trong thời gian gần đây thường xuất hiện ở các diện tích rừng trồng, rừng sản xuất với các loại cây trồng như keo, bạch đàn, sao đen. Đây là kiểu rừng có lớp thực bì phía dưới rất dày, phần lớn là lau lách, cỏ tranh nên tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất lớn. Địa bàn huyện trải rộng, địa hình phức tạp, độ đốc lớn, bị chia cắt mạnh ở các vùng Đại Sơn, Đại Lãnh, Đại Thạnh, Đại Chánh nên khi xảy ra cháy rừng, lực lượng chức năng rất khó khăn trong khâu tiếp cận, xử lý, khống chế đám cháy. Phần lớn người dân ở các địa phương đời sống còn khó khăn, thiếu việc làm, sinh sống bằng nghề rừng, đốn củi, đốt than, đốt mật ong, khai thác gỗ, săn bắt động vật rừng, rà tìm phế liệu… Chính việc tác động của con người vào rừng dễ xảy ra cháy và gây nên hậu quả nghiêm trọng.

Diễn tập chữa cháy rừng ở khu vực rừng đập Trà Cân (Đại Hiệp). Ảnh: HOÀNG LIÊN
Diễn tập chữa cháy rừng ở khu vực rừng đập Trà Cân (Đại Hiệp). Ảnh: HOÀNG LIÊN

Các vụ cháy rừng ở Đại Lộc diễn ra trong thời gian từ tháng 3 tới tháng 8 hằng năm, nhưng tập trung là các tháng 5, 6, 7, 8 tại những địa phương có diện tích rừng trồng lớn nói trên. Công tác PCCCR tại Đại Lộc vẫn chưa cao, hằng năm vẫn xảy ra cháy rừng gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, làm suy giảm tài nguyên rừng. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đại Lộc, 4 năm qua (2012 - 2015), Đại Lộc xảy ra 5 vụ cháy rừng làm thiệt hại 36,04ha rừng trồng, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa tính mạng nhân dân sống ven rừng, gần rừng, các chủ rừng chưa thực sự an tâm khi đầu tư kinh doanh nghề rừng do lo sợ dẫn tới mất trắng tài sản nếu xảy ra cháy rừng. Trong số 5 vụ thống kê, có 4 vụ không tìm ra đối tượng gây hại, ngoài một vụ được truy tìm đối tượng do đốt vàng mã gần nghĩa địa gây cháy lan sang rừng trồng xảy ra ở xã Đại Đồng vào năm 2015. Rất may, ngọn lửa đã được dập tắt kịp thời, thiệt hại không đáng kể. Còn 4 vụ khác, đối tượng chính vẫn do con người gây ra như đốt nương rẫy, dọn vệ sinh rừng sau khai thác nhưng không canh coi để lửa cháy lan. Gần đây nhất là vụ cháy rừng ở thôn Đầu Gò, xã Đại Sơn vào 21.4.2016, làm thiệt hại 9,08ha rừng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tại địa phương này. Cho tới nay, nguyên nhân xảy ra vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.

Nhiệm vụ của toàn dân

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng huyện Đại Lộc cho hay, năm nay, hiện tượng El Nino xuất hiện với nắng nóng gay gắt, gây khô hạn trên diện rộng, nguy cơ cháy rừng là rất lớn. Để ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng, việc nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân trong công tác PCCCR, huy động mọi người vào cuộc tham gia PCCCR là cấp thiết. Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện và các địa phương có rừng xây dựng cụ thể phương án PCCCR như lập các dải băng xanh, trắng trên các diện tích rừng; tuyên truyền nhân dân cẩn trọng khi xử lý, đốt thực bì trong quá trình trồng rừng đúng quy định và báo cáo với lực lượng kiểm lâm địa bàn; gắn biển báo, biển cấm tại những khu rừng trọng điểm dễ cháy; thường xuyên thu dọn, chăm sóc rừng để giảm thiểu vật liệu gây cháy rừng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo vệ rừng, PCCCR theo nguyên tắc “phòng ngừa là chính, chữa cháy rừng phải khẩn trương và triệt để”, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Mới đây, huyện Đại Lộc đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức lễ phát động toàn dân tham gia PCCCR và triển khai cuộc diễn tập PCCCR cấp huyện, thu hút hàng trăm cán bộ, kiểm lâm viên và chủ rừng tham gia. Thông qua diễn tập, lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội, các chủ rừng và người dân được trang bị kiến thức, kỹ năng tác chiến, kỹ thuật chữa cháy rừng.

Lâu nay, khu vực rừng xã Đại Hiệp là địa bàn trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng mùa khô. Toàn xã có diện tích đất lâm nghiệp là 750ha, trong đó 500ha được quy hoạch trồng rừng sản xuất, chủ yếu là bạch đàn, keo lá tràm, phân bố ở 2 thôn Phú Quý và Phú Hải. Ông Đỗ Thanh Cảng - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp cho hay, khu vực rừng sản xuất của Đại Hiệp luôn ở mức báo động đỏ về cháy rừng trong mùa khô. Thực hiện chỉ đạo của huyện, chính quyền địa phương tập trung bảo vệ vốn rừng hiện có, chống các hành vi gây hại đến rừng. Hàng năm, trước khi vào mùa khô, UBND xã đều có phương án PCCCR trên địa bàn, thành lập các đội thanh niên xung kích bảo vệ rừng, PCCCR để sẵn sàng cho công tác chữa cháy. Trong đó, trọng tâm là tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến người dân và các chủ rừng, kêu gọi người dân trên địa bàn xã tích cực hưởng ứng phong trào toàn dân tham gia PCCCR do Chi cục Kiểm lâm tỉnh phát động. “Chúng tôi tuyên truyền người dân không được dùng lửa bừa bãi trong rừng; xử lý, đốt thực bì đúng theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Vận động mọi người xung quanh cùng tham gia phòng ngừa lửa rừng, góp phần thực hiện tốt công tác PCCCR nói riêng, bảo vệ rừng nói chung” - ông Cảng nói.

HOÀNG LIÊN (Báo Quảng Nam)

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất