Được viết ngày Thứ hai, 23 Tháng mười một 2015 11:34 Lượt xem: 962
Thời điểm này, tại các vùng Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên… nhiều nông hộ gặp khó vì khan hiếm giống ớt Ấn Độ mới 403, khi mùa vụ đã cận kề. Không chỉ mua giống giá cao gấp đôi, gấp ba; nhiều nông hộ còn mua phải hạt giống trôi nổi, giống giả…
Tại nhiều cánh đồng trồng hoa màu của vùng Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên… thời điểm này, nông dân đã dọn cỏ, làm đất, chỉ chờ qua 23.10 âm lịch là đồng loạt xuống giống. Tại các vườn ươm giống cây con, nhiều loại cây rau màu đã sắp sửa vào trành, chờ cung ứng cho mùa vụ. Riêng, nhiều nông hộ trồng ớt (đặc biệt là giống Ấn Độ 403) gặp khó bởi tình trạng khan giống diễn ra nhiều nơi, nhất là tại xã Đại Cường, Đại An, Đại Nghĩa… (Đại Lộc). Vùng này chuộng giống ớt Ấn Độ mới 403 do Công ty Trang Nông cung ứng vốn cho trái sai, phẩm chất trái tốt, vừa có thể bán tươi tốt, phơi khô cũng cho giá cao so với các loại giống khác, nên vụ này, nhiều người vẫn muốn tiếp tục trồng giống này. Song, ngoài những hộ may mắn mua được ớt giống đợt đầu, những đợt sau do nguồn hàng khan hiếm nên nhiều người gần như sắp hàng để đăng ký giống.
Bà Còn (xã Đại Cường) trước bịch giống Ấn Độ 403 của công ty và bịch giống trôi nổi được bán với giá khá cao. Bích Liên |
Ông Nguyễn Văn Tiên (thôn Bàu Tròn, Đại An) chia sẻ, năm nay, giống ớt Ấn Độ 403 không hiểu vì lý do gì lại tăng đột biến. Nếu các năm, giá một bịch giống từ 100.000 - 150.000 đồng, thì năm nay lại tăng lên 300.000 - 400.000 đồng nhưng không có để mua. Nhiều người phải chạy đi khắp huyện, thậm chí Vĩnh Điện (Điện Bàn), Duy Xuyên cũng chỉ đem về được vài bịch, chẳng thấm tháp vào đâu. Có người vì mùa vụ đã cận kề, phải mua giống trôi nổi ở các đại lý, hay do các chủ buôn đưa về bán lại với giá từ 300.000 - 400.000 đồng/bịch. “Tôi mua được vài bịch song về ươm tỷ lệ mọc chỉ tầm 30 - 40%, chất lượng cây con rất kém, rễ chậm phát triển. Tôi đã tính chuyển cây ớt sang trồng đậu phụng chứ không thể bỏ đất được” - ông Tiên nói. Trưởng thôn Bàu Tròn (xã Đại An), ông Huỳnh Bá Vĩnh xác nhận: Tình trạng sốt giống như bà con phản ánh là có, bên cạnh nhiều nguyên nhân thì có một nguyên nhân nữa là do vụ vừa rồi, cây ớt (đặc biệt là Ấn Độ 403) có giá thành tốt, năng suất cao nên vụ này nhiều người đầu tư trồng, do cung không đủ cầu nên xảy ra cháy giống. Đợt đầu, Công ty Trang Nông có đưa giống về, mỗi bịch giống chỉ có giá 200.000 đồng. Nhiều hộ đăng ký thêm, công ty có hứa đưa thêm giống về nhưng mãi tới nay vẫn không thấy. Phía công ty cũng từng tuyên truyền cho bà con cách nhận biết giống thật, giống giả…
Không chỉ Đại An, nông dân các thôn thôn Thanh Vân, thôn 10 xã Đại Cường cũng không giấu nỗi bức xúc. Bà Lê Thị Còn (thôn 9, Đại Cường), một chủ buôn ớt lâu năm cho biết: “Nghe bà con dặn mua giống giúp, tôi bèn lấy về 30 bịch giống ớt của một đại lý ở Trà Kiệu (Duy Xuyên) về bán lại cho bà con với giá 300.000 đồng/bịch, tính cả thảy hết 9 triệu đồng. Nhiều người mua đã đem trả lại vì cho rằng không có nhãn mác, bao bì, tôi đã thu lại và đem qua trả cho đại lý. Còn tôi, vì tin lời, nên vẫn giữ lại 10 bịch để ươm trồng nhưng lại trúng giống giả. Khi tôi đem trả thì chủ đại lý này cương quyết không nhận và cũng không trả lại tiền như cam kết”. Đáng nói, không chỉ riêng bà Còn mà rất nhiều chủ buôn ở Đại Cường cũng bị dính quả lừa... Chị Huỳnh Thị Tý, một hộ dân thôn 10 chia sẻ: “Thôn này nhiều hộ đã chấp nhận mua giống đắt nhưng lại trúng giống giả, chất lượng kém. Nếu để ý kỹ sẽ thấy sự khác biệt giữa bao bì giống ớt giả và thật như chữ in đậm, bao bì rất dày, hình thức hạt giống ở 2 bịch lại khác nhau"…
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc thông tin, vùng trồng ớt của Đại Lộc rộng từ 170 - 200ha. Tình trạng khan giống chỉ xảy ra với giống ớt chỉ địa, vốn là thói quen, tập quán sản xuất của người dân vùng Đại Lộc và các huyện lân cận. Song giống ớt chỉ thiên thì nguồn cung vẫn đảm bảo. Trước thực trạng trên, địa phương đã khuyến cáo bà con chuyển sang trồng những loại cây màu khác như đậu phụng, đậu cove, đu đủ hoặc giống ớt chỉ thiên…
Cũng theo ông Mẫn, nguyên nhân sốt giống và tăng vọt về giá của giống Ấn Độ 403, thì tình trạng các chủ đại lý găm hàng là có, song không phải là nguyên nhân chính mà do phía công ty không lường hết được nhu cầu của bà con. “Qua đây, có thể thấy, mối liên kết giữa doanh nghiệp cung ứng giống và địa phương chưa thực sự chặt chẽ. Thiết nghĩ, mỗi năm, Sở NN&PTNT cần có sự thông tin về thực trạng, nhu cầu giống cây trồng đến các doanh nghiệp, tạo mối hợp tác lâu dài. Còn để giải bài toán loay hoay về giống cây trồng, Quảng Nam cần có sự ra đời các trung tâm nghiên cứu và phát triển giống cây trồng, nhằm sản xuất, cung ứng giống cho tỉnh, tránh lệ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu như hiện nay” - ông Mẫn nói. Riêng về tình trạng giống trôi nổi, giống giả, ông Mẫn cho hay, phía Công ty Trang Nông cũng đã xác nhận có việc này, địa phương cũng đã báo cáo Sở NN&PTNT và các ngành liên quan vào cuộc.
TRẦN BÍCH LIÊN