CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:27/07/2024

Kỳ vọng công nghiệp Đại Lộc

Năm 2016 - năm đầu tiên triển khai kế hoạch 5 năm, khởi đầu chặng đường mới, Đại Lộc nỗ lực gỡ khó, tạo cơ chế thông thoáng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển.

Khởi sắc

Năm nay, bức tranh CN Đại Lộc nhìn chung có phần khởi sắc ở cả lĩnh vực CN tập trung tại cụm công nghiệp (CCN) lẫn CN phân tán và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) ở nông thôn như may mặc xuất khẩu, đan lưới nuôi trai, mây tre đan, chế biến nông sản, khai thác khoáng sản… Những năm qua, huyện đã nỗ lực phấn đấu, đẩy mạnh hoạt động khuyến công, khuyến khích làng nghề truyền thống phát triển. Đến cuối năm 2015, tổng kinh phí hỗ trợ khuyến công 330 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của tỉnh đã được đầu tư cho các ngành nghề TTCN. Cụ thể như trang bị thiết bị tiên tiến cho các làng nghề truyền thống mây tre đan, chằm nón, làm hương, làm trống, cơ sở sản xuất bánh tráng, tạo cơ hội cho làng nghề hoạt động tốt, giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương. Các lớp khởi sự DN đã được Phòng Kinh tế & hạ tầng huyện phối hợp với Huyện đoàn tổ chức, nhằm định hướng, hỗ trợ thanh niên, những chủ DN trẻ tương lai. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn, tại khu vực các CCN không ngừng được đầu tư phát triển. Đến nay, huyện đã sửa chữa các tuyến giao thông theo kế hoạch bảo trì đường bộ gồm các tuyến đường ĐH 4.ĐL, ĐH 11.ĐL, ĐH5 với kinh phí gần 3 tỷ đồng, trong đó tuyến ĐH4 được thi công với tổng vốn 3,8 tỷ đồng. Một số lưới điện phân phối nông thôn, phần mở rộng của tỉnh ở 13 xã trên địa bàn huyện được nâng cấp, mở rộng với tổng kinh phí lên tới 23,4 tỷ đồng, đầu tư một số dự án nâng cấp lưới điện phục vụ cho CN.

Dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng không nung tại Đại Lộc.
Dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng không nung tại Đại Lộc.

Ngoài kiện toàn cơ sở hạ tầng CN, Đại Lộc còn từng bước tháo gỡ, tạo cơ chế, chính sách thông thoáng cho DN nhằm cải thiện môi trường đầu tư theo tinh thần Chỉ thị số 10/CT-UBND của UBND tỉnh như thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, phổ biến và công khai minh bạch, giám sát việc thực hiện các thủ tục hành chính. Theo ông Phạm Thúy - Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng huyện Đại Lộc, để tạo môi trường thông thoáng, thu hút DN vào đầu tư, bài học đặt ra cho địa phương là tăng cường cung cấp thông tin hỗ trợ DN, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN. Mỗi năm, huyện thống nhất thành lập một đoàn kiểm tra liên ngành gồm đầy đủ các ban ngành nắm bắt tình hình, hỗ trợ DN, tránh việc kiểm tra nhiều lần ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, phiền hà DN. Tổ chức giao ban định kỳ 2 lần/năm nhằm lắng nghe phản ánh, kiến nghị của DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, kịp thời chấn chỉnh những tiêu cực. “Các cơ quan chức năng làm hồ sơ thủ tục, giúp DN thực hiện nhanh về tiến độ. Những DN có nhu cầu về vùng nguyên liệu, địa phương sẽ ưu tiên, làm việc với ngành chức năng lập thủ tục hồ sơ, giải quyết nhanh chóng” - ông Thúy chia sẻ.

Chăn nuôi heo công nghệ cao. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Chăn nuôi heo công nghệ cao. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Với những nỗ lực quảng bá, kêu gọi đầu tư, ở lĩnh vực dự án ngoài CCN, trong năm 2015, trên địa bàn huyện có 2 DN đã thỏa thuận địa điểm đầu tư là Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm (tiếp nhận cơ sở Nhà máy Cồn Đại Tân) đầu tư xây dựng hồ dự trữ nước tuần hoàn trên diện tích 7ha tại xã Đại Tân và dự án thuê mặt bằng làm bãi đậu đỗ xe tại xã Đại Quang diện tích 1.000m2. Trong CCN, huyện đã tiếp nhận, thỏa thuận địa điểm cho 7 dự án với tổng diện tích 27,7ha, có tổng vốn đăng ký đạt 1.296 tỷ đồng. Đến thời điểm này, 2/7 dự án đã san lấp mặt bằng và xây dựng các hạng mục công trình gồm dự án sản xuất gạch không nung Hiệp Hưng (CCN ấp 5, xã Đại Nghĩa) và dự án đầu tư Nhà máy sản xuất dầu DO, FO của Công ty Đầu tư Toàn Phát (CCN Đại Đồng 2, xã Đại Đồng). Riêng các dự án còn lại đang trong giai đoạn thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng… Hiện, Đại Lộc có 12 CCN, chủ yếu được bố trí thành vệt dài dọc theo quốc lộ 14B, tiện lợi trong việc giao thông. Ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, nhìn chung tình hình sản xuất CN toàn huyện có phần khởi sắc, một số DN, cơ sở sản xuất đi vào hoạt động ổn định, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, số dự án thu hút được so với tiềm năng hiện có vẫn chưa nhiều, tỷ lệ lấp đầy của các CCN vẫn còn ở mức thấp. Nguyên nhân là khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng hiện vẫn còn chậm và kéo dài, làm mất cơ hội đầu tư của DN; vốn đầu tư cho các hạ tầng CCN còn ít, chưa tạo điều kiện cho ngành CN phát triển. Kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp hạ tầng còn khó khăn; kinh phí đền bù, giải tỏa mặt bằng trong một số dự án còn quá tốn kém và chiếm nguồn quá lớn so với năng lực địa phương. Tính tự quyết của cấp huyện trong công tác thu hút đầu tư chưa được nâng cao…

Kỳ vọng năm 2016

Theo Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Trần Văn Mai, năm 2016 là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm, mục tiêu đặt ra là phấn đấu tăng trưởng kinh tế do huyện quản lý đạt 4.083,48 tỷ đồng. CN là nền tảng, là kinh tế mũi nhọn, là động lực của sự phát triển, vậy nên để đạt được mục tiêu đề ra, huyện sẽ tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho DN đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, khâu quảng bá, thu hút đầu tư vào các CCN sẽ không ngừng được đẩy mạnh. Việc theo dõi, giám sát, đôn đốc các dự án đã có chủ trương đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thi công nhà xưởng, sớm hoàn thành để đưa vào sản xuất năm 2016 được chú trọng hơn nữa. Cũng theo ông Mai, để thực hiện tốt các chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra, năm 2016, kế hoạch của huyện là thu hút từ 5 - 7 dự án đầu tư vào các CCN. Tuy nhiên, chủ trương của huyện là tiếp nhận các dự án CN sạch như gạch không nung, nông nghiệp công nghệ cao, các dự án du lịch, ưu tiên cho nhóm CN chế biến, nhất là chế biến hàng nông sản và CN phụ trợ vào địa bàn, giúp tiết kiệm quỹ đất, giải quyết việc làm cho lao động địa phương với số lượng lớn. “Giai đoạn 2016 - 2020, xu thế TP.Đà Nẵng và các vùng lân cận có nhiều điều kiện thuận lợi sẽ “bão hòa” về phát triển CN. Tận dụng cơ hội này, Đại Lộc xúc tiến thu hút nhiều dự án tiềm năng vào lấp đầy các CCN, khu CN trên địa bàn, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế” - ông Trần Văn Mai nói.
Thời điểm này, Đại Lộc đang xúc tiến để tiếp nhận dự án Khu nông nghiệp kỹ thuật cao kết hợp CN chế biến thương mại và dân cư ở huyện Đại Lộc (Dai Loc AICC), của Tập đoàn KaChay (Hoa Kỳ) đầu tư tại xã Đại Chánh với tổng vốn đăng ký khoảng 300 triệu USD. Vùng phân bố dự án rộng 450ha, giai đoạn 1 đầu tư 300 triệu USD, giai đoạn 2 là 50 triệu USD. Dự án có khu vực trồng cỏ, khu chăn nuôi bò sữa cao cấp, khu cung cấp thịt bò cao cấp, có khu vực phế thải xử lý bằng hầm biogas cùng với khu du lịch sinh thái, nhà nghỉ. Dự án cũng tận dụng một phần diện tích mặt nước Khe Tân làm du lịch. Hiện Công ty KaChay đang phối hợp với địa phương khảo sát địa điểm, đối thoại với tỉnh và huyện, 80% khả năng dự án sẽ thực hiện được. Nếu thành công, đây sẽ là dự án tạo đà thúc đẩy kinh tế và làm khởi sắc diện mạo vùng vùng B nói chung, Đại Lộc nói chung.

Theo HOÀNG LIÊN (Báo Quảng Nam)

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất