Hôm nay:22/11/2024
Mỹ Thuận là ngôi làng có bề dày lịch sử từng đối diện với tình trạng sạt lở nặng khiến cả ngôi làng cũ gần như bị sông xâm thực hoàn toàn. Làng mới dù vẫn còn cách sông khoảng một cây số, song qua mỗi đợt lũ, tình trạng sông xâm thực vào làng vẫn còn tái diễn, có năm sông xâm thực vào làng tới cả 50m. Được biết, trong đợt lũ năm 2013, một lạch sông nhỏ đã hình thành bằng việc xé đất từ thôn Đại Phú tới làng Mỹ Thuận, lạch này cách làng chừng 300m. Để đối phó với tình trạng sạt lở trên chính quyền và nhân dân xã Đại Nghĩa đã ra quân trồng tre, song cứ qua mỗi đợt lũ thì tình trạng sạt lở vẫn tái diễn, trồng tre thì tre cũng trốc gốc trôi sông, làng lúc trước trồng rất nhiều tre song giờ hầu như không còn nữa.
Có thể nói, tình trạng sạt lở, xâm thực đã diễn ra mạnh ở làng Mỹ Thuận, Giai đoạn 1997-1998, làng có nơi bị sông xâm thực đến 200m và từ năm 2009 tới nay hiện tượng này vẫn còn tiếp diễn. Địa phương đã tính đến phương án trồng tre song không hiệu quả vì tình trạng xói lở diễn ra. Quy luật của sông là lở bồi, song do ảnh hưởng của thủy điện khiến cho lưu lượng nước đổ về vùng hạ du trong mùa mưa bão khá lớn và mạnh gây nên tình trạng bờ sông bị xâm thực nặng, ảnh hưởng tới đất sản xuất và dân sinh. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn xã Đại Nghĩa ước tính gần 30 ha đất nằm trong diện bỏ hoang, không sản xuất được. Nơi thì bị xói lở quá lớn, nơi thì bị bồi lấp quá nhiều khiến cho công tác khắc phục sau bão lũ trở nên khó khăn
Chịu chung số phận như làng Mỹ Thuận xã Đại Nghĩa, hiện 2 thôn Hà Dục Đông và Hà Tân của xã Đại Lãnh cũng nằm trong danh sách di dời . Được biết, nhiều năm nay, Thôn Hà Dục Đông và Hà Tân được xem là 2 thôn đối diện với nguy cơ sạt lở nặng. Mùa mưa lũ, nguy cơ hiểm họa là rất khó lường nên những nhà dân nằm sát sông trước kia, đa phần đã tự di dời để ổn định đời sống. Hiện chỉ còn khoảng 30 hộ bám trụ, nhiều nhà chỉ cách sông khoảng chục mét. Ông Ngô Xuân Yến - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xãcho biết “Do nằm ở vùng hạ du của 2 con sông Côn và Vu Gia, một số thôn trên địa bàn xã lại nằm ở vùng ngã ba sông, dòng sông lại cua ngặt nên biến động dòng chảy rất lớn, sạt lở sông càng diễn ra nghiêm trọng trong mùa lũ. Bên cạnh đó, 2 thôn Hà Dục Đông và Hà Tân chủ yếu phân bố dọc theo 2 triền sông nên vào mùa lũ lụt, chịu tác động và ảnh hưởng khá lớn. Có năm sông xâm thực vào đất liền khoảng 2-3m nhưng có khi lên tới 5-7m. Nặng nhất là đất sản xuất của Hà Dục Đông bị xâm thực nặng vài nghìn m2 qua mỗi đợt lũ. Hiện toàn xã có 38 hộ với 138 khẩu đối diện với nguy cơ sạt lở ven sông. Trước tình trạng trên UBND huyện Đại Lộc đã đầu tư Dự án di dời dân khẩn cấp vùng sạt lở thuộc thôn Hà Dục Tây. Dự án tái định cư này được khởi công từ đầu năm 2014 tới nay. Hiện, Ban quản lý dự án, đơn vị thi công cơ bản đã hoàn thành, chờ ổn định, bàn giao cho xã. Chi cục Định canh định cư đã kiểm tra vị trí mặt bằng, sẽ triển khai chế độ hỗ trợ cho mỗi hộ dân di dời để bà con an tâm ổn định đời sống.
Bích Liễu