CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:22/11/2024

Số phận nghiệt ngã của một cô giáo

Mỗi đêm về, bên cạnh nỗi đau bệnh tật dày vò, cô lại cồn cào nhớ trường, nhớ lớp, nhớ ánh mắt các em học sinh. Và cứ thế, nước mắt lại lăn dài…Thật trớ trêu khi đang ở độ tuổi trẻ trung, đầy nhiệt huyết và tình yêu với công việc, thì cô giáo Lê Thị Hoa Mận, sinh năm 1976 trú thôn Bộ Bắc, xã Đại Hòa là giáo viên bộ môn Văn của trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc  lại biết tin mình mắc bện hiểm nghèo (bệnh lupus ban đỏ). Cũng kể từ ngày đó, sự sống với cô chỉ còn đếm từng ngày.

Nhắc đến hoàn cảnh của cô Mận, các đồng nghiệp trong trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ lại buồn rầu, thương xót cho số phận của cô giáo tận tâm, hết lòng với học sinh.“Cô Mận dạy ở trường cũng hơn 10 năm rồi, rất nhiều thế hệ học sinh được cô đào tạo giờ đã thành tài, trở thành niềm tự hào của cha mẹ. Tính cô Mận hiền lắm nên đi dạy, trò thương mà đồng nghiệp thì vô cùng yêu quý. Bỗng dưng nghe tin cô mắc bệnh nặng mà chúng tôi đau xót. Nhưng càng thương và quý trọng cô nhiều hơn khi bệnh nặng, cô vẫn gắng gượng xin đi dạy để được nhìn thấy học trò”, thầy Phan Tứ (hiệu trưởng trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ) nghẹn giọng khi nói về cô Lê Thị Hoa Mận

.

Cách đây 4 năm, cô Mận phát hiện mình bị bệnh lupus ban đỏ. Khoảng thời gian đó cũng là lúc cô vừa hoàn thành xong phần móng của căn nhà mới sau nhiều năm tích góp. Bệnh tật khiến kinh tế gia đình cô kiệt quệ, chỉ sau một thời gian ngắn, cô đã phải đối mặt với món nợ lớn hơn 200 triệu. Bản thân cô Mận sức khỏe cũng ngày một yếu, mắt mờ và tinh thần không còn minh mẫn. Nhưng với tình yêu dành cho học trò, tình yêu dành cho mái trường nhiều năm gắn bó khiến cô gắng gượng chạy vạy thuốc thang để được tiếp tục đứng trên bục giảng, được học trò gọi mình bằng tiếng gọi thân thương: Cô Mận!

Sau 4 năm chiến đấu với bệnh lupus ban đỏ, bệnh đã di căn và lây lan cả người, tóc gần như rụng hết, những bước đi của cô giáo dạy Văn giờ chậm chạp và vô cùng khó khăn. Dù cố gắng giấu đi sự mệt mỏi, tiều tụy, nhưng nhắc tới trường, tới lớp cô Mận lại rưng rưng nước mắt. Trong căn nhà đơn sơ, không có vật dụng gì đáng giá, cô Mận vẫn dành một góc để giá sách ngăn nắp, những trang giáo án, những tập bài học trò vẫn được cô giữ gìn cẩn thận.

Nghĩ về những ngày tháng trước đây, cô Mận rơi nước mắt: “Học trò của cô ngoan lắm, cứ nghe thấy tiếng học trò là cô thấy vui vì cảm giác được sống lại tuổi thơ của mình. Có những hôm mệt lắm cô cũng ráng đội tóc giả đi dạy, đằng sau vẻ mạnh mẽ và lạc quan trên lớp, không học sinh nào biết rằng cô đã phải đội tóc giả để được đến trường, để tiếp tục cầm quyển giáo án giảng dạy cho các em những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Trải lòng về cuộc sống hiện tại của mình, dù đau khổ nhưng cô Mận lại ít khi đề cập, cô chỉ nói, mối lo lớn nhất bây giờ là hai đứa con còn quá nhỏ để có thể tự chăm sóc bản thân. Con trai lớn của cô tên Hồ Văn Hoàng hiện là học sinh lớp 3, cậu trai út tên Hồ Văn Huy học lớp 1. Do sức khỏe của cô Mận ngày một yếu nên hai em được bà ngoại chăm sóc, bà cũng đã già yếu, năm nay cũng gần 80 tuổi. Từ ngày cô Mận bị bệnh, nợ nần ngày càng chồng chất, nên chồng cô phải vào Sài Gòn mưu sinh để có tiền chi trả chi phí thuốc men cho vợ. Những đêm gió mùa về, nằm co ro lạnh lẽo một mình, cô lại nhớ chồng, thương con, rồi khóc thương cho số phận nghiệt ngã của chính mình.

Sau 4 năm từ ngày bị bệnh, dù đi khắp nơi chữa trị nhưng bệnh tình của cô Mận không hề thuyên giảm. Khi chúng tôi hỏi cô có nuối tiếc điều gì không, cô khóc: “Cô tiếc là không được đứng lớp, nhớ trường, nhớ học sinh. Cô tiếc mình không thể nuôi con đàng hoàng, chỉ vì cô gia đình lâm vào cảnh kiệt quệ, con cái không có cái ăn, cái mặc”.

                                                                                                                                                 D. Tài

 

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất