Hôm nay:22/11/2024
Câu chuyện về nữ tù chính trị Hồ Thị Ny, người con gái của vùng đất Đại Lộc gan dạ, kiên trung, giữ vững khí tiết của người cộng sản trước đòn tra tấn dã man của kẻ thù lâu nay được người dân quê tôi truyền miệng như một tấm gương sáng ngời lý tưởng cách mạng, làm rạng danh cho mảnh đất anh hùng.
Một thời máu lửa
Chúng tôi tìm về thôn An Bằng (Đại Thạnh, Đại Lộc) để gặp lại người con gái du kích năm xưa Hồ Thị Ny. Trong ngôi nhà cấp 4, đón chúng tôi là một người phụ nữ nay đã ngoài tuổi 60 khuôn mặt ẩn chứa vẻ điềm tĩnh và rắn rỏi. Khi chúng tôi khơi gợi ký ức về thời hoa niên gương mặt cô trầm ngâm, quá khứ hiện về với bao nỗi niềm.
Cô sinh ra trong một gia đình thuần nông tại xã Lộc Tân (nay là xã Đại Phong). Năm 1964, chiến tranh ngày càng ác liệt, địch tăng cường kiềm kẹp, bắt bớ, chúng dồn dân vùng B thời bấy giờ là các xã Lộc Ninh, Lộc An, Lộc Tân… vào các ấp chiến lược. 16 tuổi, Hồ Thị Ny đã giác ngộ cách mạng, cô tham gia vào đội du kích của xã. Đội du kích xã Lộc Tân giai đoạn 1965-1966, có quân số lên đến 2 trung đội, hoạt động rộng khắp, xây dựng tốt các cơ sở cách mạng, tổ chức những trận đánh làm cho quân địch nhiều phen khiếp vía.
Vốn thông minh, mưu trí, lại thông thạo địa bàn nên cô được tổ chức tin tưởng, phân công làm nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội về hoạt động, móc nối với các cơ sở cách mạng, tập kích đánh đồn địch. Ngày 3/2/1967, cô vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và được phân công giữ chức xã đội phó. Dù đối diện với không ít hiểm nguy, song đội du kích do người con gái Hồ Thị Ny chỉ huy vẫn ngày đêm đưa bộ đội sang sông, vận chuyển hàng hóa và tổ chức phục kích, đánh địch tại các điểm cầu Chìm, cầu Tây, cầu Lừ, chợ Phường Đông… hạ nhiều tên lính Mỹ, Ngụy khét tiếng.
Một ngày đầu năm 1971, địch từ Núi Lở tổ chức cuộc tập kích qua vùng B Đại Lộc. Tại cuộc càn quét này, chúng phát hiện và bắt sống nữ du kích Hồ Thị Ny cùng một số đồng chí khác khi đang trú ẩn tại một hầm bí mật. Địch giải cô về nhà lao Ái Nghĩa rồi chuyển xuống nhà lao Hội An giam giữ, được ấp trưởng xác nhận là “cộng sản cứng đầu”, giữ chức vụ quan trọng trong đội quân du kích xã Lộc Tân, địch dùng mọi cách mua chuộc, dụ dỗ hòng chờ cô khai ra những bí mật và cơ sở hoạt động song không lung lay được ý chí của người nữ du kích chúng lại giở trò đánh đập dã man, hèn hạ. Rồi chuyển cô tới nhà giam Thủ Đức lại chuyển sang nhà lao Tân Hiệp. Tại đây, những trận đòn roi hành hạ, tra tấn dã man trút xuống thân thể của người thiếu nữ không ngớt để rồi sau này, mỗi khi trái gió trở trời hay trong những giấc mơ, những cảnh tra tấn hãi hùng ngày ấy lại trở về ám ảnh. Mỗi khi kể về chuỗi ngày sống trong lao tù, giọng cô chợt đứt quãng, dồn dập, nghẹn ngào nữ du kích Hồ Thị Ny chia sẻ:“ Bọn địch tra tấn tù nhân nữ ác lắm nào là đổ nước xà phòng, đánh đập rồi đến trò bắt rắn thả vô ống quần hoặc xô xuống hầm rắn.."Cô kể cho chúng tôi nghe về cuộc chiến oanh liệt, những tấm gương hy sinh của anh em đồng đội cùng với cô trong những năm kháng chiến chống giặc hào hùng.
Với đòn roi da man của kẻ thù và chế độ ăn uống nhà tù quá hà khắc, thân thể cô gái trẻ đang độ tuổi thanh xuân ngày càng tiều tụy, ốm yếu. Năm 1973, hiệp định Pari được ký kết, cô cùng đồng đội được trao trả. Được tổ chức đưa ra Bắc an dưỡng tại đây cô gặp và nên duyên cùng với anh Huỳnh Văn Thọ, người con thôn An Bằng, xã Đại Thạnh, cũng là tù chính trị trở về từ đảo Phú Quốc. Rồi cả hai trở lại quê hương, bắt tay xây dựng hạnh phúc. Cô đảm nhận chức phó ban nông hội xã Đại Phong, sau lập gia đình chuyển công tác sang làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đại Thạnh cho đến lúc về hưu. Song, người chồng do bị ảnh hưởng vết thương của các đòn tra tấn, tù đày, đã ra đi sau 10 năm chung sống, để lại 5 đứa con thơ với bao gánh nặng “cơm áo, gạo tiền” đè trên vai, cùng với những cơn đau ùa về hành hạ khiến thân xác cô ngày càng xuống cấp. Ngắt quãng câu chuyện, cô lặng im, ánh mắt nhìn xa xăm, cố kìm nén cảm xúc. Bởi lâu nay, mỗi lúc bị kích động mạnh là nước mắt cô chực ứa ra, đôi tay run rẩy, thân thể co rúm lại, ôm đầu vật vã… Bà con xóm giềng xót xa khi chứng kiến những lần cô Ny vật vã, thậm chí chạy khắp đường la hét, luôn miệng kêu la, mỗi lúc như vậy, cô gần như rơi vào trạng thái vô thức. Chị Huỳnh Thị Tin con gái cô tâm sự:“Lúc trước hễ cứ nhớ lại, căng thẳng hay nhìn thấy hình ảnh về chiến tranh xúc động là mẹ tôi lại có những biểu hiện vô thức, gần đây nhờ điều trị tích cực nên giờ bệnh tình mẹ đã giảm đi nhiều. Song, sức khỏe của mẹ lại yếu đi trước nhiều căn bệnh khác tấn công”.
Bệnh là vậy nhưng lâu nay, cô vẫn lặn lội, hỏi thăm để tìm kiếm hài cốt của người em ruột là bộ đội đã hy sinh nhưng vẫn biệt vô tăm tích. Những đợt kiếm tìm trong tuyệt vọng cũng khiến cho cô buồn phiền và day dứt. Ghi nhận những chiến công, những thành tích vẻ vang trong chiến đấu cô được nhà nước phong tặng Huân chương kháng chiến hạng ba, anh. Ông Doãn Chín, Nguyên Bí thư xã Đại Phong là đồng chí cùng chiến đấu với cô trong những năm tháng chiến tranh ác liệt xúc động tâm sự: “Tấm gương đồng chí Ny là biểu tượng của tâm hồn, khí tiết của người phụ nữ Việt Nam trung hậu đảm đang, dù hy sinh bản thân mình chứ không chịu khuất phục trước kẻ thù”. Côxứng đáng như lời khen tặng của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Nguyên Tổng Bí thư Đảng CSVN trao tặng “Sống trong tù kiên trung bất khuất, sống ngoài đời tình nghĩa thủy chung”…
Xúc động, khâm phục là cảm xúc của chúng tôi khi chúng tôi chia tay cô Ny bởi ý chí kiên cường trong đấu tranh với giặc. Thế mới thấy hết tình yêu quê hương, đất nước luôn sống trong lòng mỗi người con Việt Nam. Điều đó cắt nghĩa cho việc vì sao dân tộc Việt Nam dù bị nhiều đội quân hùng mạnh xâm lược nhưng chưa có một đội quân hùng mạnh nào đánh thắng được quân đội Việt Nam.
Bích Liên - Nhật Duy