CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:22/11/2024

Người Đại Lộc "lặng thầm chia lửa"

 Trong kháng chiến chống Mỹ - ngụy, Thượng Đức là chi khu quân sự địch, có tác dụng ngăn chặn hành lang vận chuyển của ta từ đường Trường Sơn xuống đồng bằng theo sông Vu Gia và Quốc lộ 14B. Với trận địa phòng thủ hiểm yếu và lực lượng quân tinh nhuệ, địch coi Thượng Đức là “cánh cửa thép của Đà Nẵng". Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã tặng cho Thượng Đức cái tên “Mắt ngọc của đầu rồng". Còn viên Quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng từng tuyên bố: “Nếu cộng sản lấy được Thượng Đức thì nước sông Vu Gia chảy ngược”.

Chiến dịch tiến công Thượng Đức năm 1974 do Quân khu 5 tổ chức, lực lượng vũ trang huyện Đại Lộc, Quảng Nam (đồng chí Trần Hùng Vĩ-Huyện đội trưởng, đồng chí Huỳnh Sánh-Huyện đội phó; đồng chí Nguyễn Trung Chính-Chính trị viên trưởng, đồng chí Lê Nhật Tập-Chính trị viên phó) tham gia phối hợp với lực lượng chủ lực đánh Thượng Đức là Sư đoàn 304. Đầu tháng 6-1974, đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 304, nhấn mạnh: “Chiến dịch (Thượng Đức) này  phải thắng cả quân sự và chính trị. Quân sự là diệt gọn quân địch, chính trị là giải phóng và bảo vệ bảo đảm đời sống cho hơn một vạn dân” (13.000 đồng bào ở hai xã Lộc Bình, Lộc Vĩnh - huyện Đại Lộc). Nhiệm vụ của lực lượng vũ trang huyện Đại Lộc là đánh địch từ đông cầu Hà Tân đến thôn Dục Đông: Đại đội 2 đặc công đánh vào quân bảo an chốt giữ phía đông cầu Hà Tân, khu dồn Vĩnh An và sân bay Hà Tân. Đại đội 1 đánh địch từ thôn Dục Tây đến thôn Dục Đông, nơi có 2 trung đội nghĩa quân và 1 trung đội bảo an địch. Đại đội 4 hỏa lực phối hợp với Tiểu đoàn 1 đánh địch tại gò Mồ Côi và chốt Lục Nam của xã Lộc Vĩnh. Gần cuối tháng 7-1974, lực lượng vũ trang huyện Đại Lộc có thêm nhiệm vụ phối hợp cùng lực lượng Mặt trận 4 và Sư đoàn 304 tổ chức tiêu diệt địch giải phóng Thượng Đức, bảo vệ dân, đánh địch tái chiếm, giữ vững và xây dựng vùng giải phóng. Những trang sử oai hùng của lực lượng vũ trang nhân dân huyện Đại Lộc đã ghi đậm chiến công của những người con vùng đất "chưa mưa đã thấm" trong tham gia trận quyết chiến lịch sử này. Thế nhưng chúng tôi, những người tìm hiểu Chiến thắng Thượng Đức sau 40 năm vẫn muốn gọi sự "chia lửa" của quân, dân Đại Lộc năm ấy như một sự sẻ chia thầm lặng..

 

Theo nhiệm vụ phân công, được sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Huyện ủy, ngay từ khi bắt tay chuẩn bị tham gia Chiến dịch Thượng Đức, Ban chỉ huy Huyện đội Đại Lộc họp với các đại đội bộ đội huyện, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phát động toàn lực lượng thi đua: "Luyện hay, đánh giỏi"; tập trung cho phía trước đánh địch liên tục, diệt gọn từng đơn vị địch, diệt ác, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy. Một quyết định nghiêm ngặt được đề ra là: Khi tiêu diệt địch phải bảo vệ được tính mạng và tài sản của nhân dân.

Chưa bao giờ nhân dân huyện Đại Lộc phấn khởi như lúc này, họ đem hết sức lực cũng như những gì mình có để phục vụ chiến dịch, tất cả cho trận đánh thắng lợi. Cán bộ, du kích và nhân dân xã Lộc Bình phối hợp phục vụ bộ đội mở những con đường quan trọng từ Hiên (nay là huyện Đông Giang) về các vùng tây, tây bắc của xã Lộc Bình, tháo gỡ các loại mìn, bảo vệ an toàn cho các đơn vị pháo luồn sâu, lót sẵn vào vị trí bí mật. Nhân dân ở 3 xã Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Lộc Ninh ở ba tuyến sông Cái, sông Bung và sông Con có ghe thuyền xung phong vận chuyển vũ khí, lương thực, đưa bộ đội qua sông, tải thương... Du kích và nhân dân xã Lộc Bình cùng với bộ đội thức thâu đêm trinh sát đường sông, đường bộ, ghép phà, ghép bè để đưa bộ đội và hàng hóa vào trận địa. Thanh niên các xã Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Lộc Ninh xin bộ đội cho đi vác đạn, kéo pháo. Du kích và chi bộ xã Lộc Bình tổ chức cơ sở mật vẽ sơ đồ Thượng Đức gửi ra cho bộ đội. Các mẹ, các chị mang thơm, mít, chuối cho bộ đội ăn…

Khi chuẩn bị bước vào chiến dịch, nhân dân còn cùng với bộ đội vào rừng đốn tre nứa, đóng bè để vận chuyển pháo trên sông, chặt mây để cùng bộ đội làm dây kéo pháo lên tiếp cận vị trí quy định. Nhân dân hai xã Lộc Vĩnh và Lộc Quang tham gia cùng với du kích xây dựng phương án chặn đánh địch tháo chạy trên sông Vu Gia.

Đúng 5 giờ 1 phút ngày 29-7-1974, pháo của Sư đoàn 304 bắt đầu bắn tới tấp vào khu quân sự Thượng Đức. Ngay lúc đó, cùng với bộ đội địa phương của tỉnh, bộ đội địa phương huyện Đại Lộc đã lót quân vào vị trí quy định. Đại đội 2 bắn quả B41 đầu tiên vào quân địch tại thôn Đại An. Tiếp theo, các mũi đồng loạt nổ súng. Sau gần một ngày phối hợp tiến công tiêu diệt dịch, toàn bộ quân địch chốt giữ vòng ngoài tiền đồn Thượng Đức bị loại khỏi vòng chiến đấu. Hàng trăm tên bị diệt tại chỗ, hàng trăm tên khác đầu hàng hoặc bị bắt. Lực lượng bộ đội địa phương đã hoàn toàn làm chủ các vị trí được phân công; đồng thời tổ chức truy lùng tàn quân địch, chốt giữ các vị trí quan trọng, bảo vệ tài sản của nhân dân…

Ngay trong đêm chuẩn bị nổ súng mở màn chiến dịch, bộ đội và cán bộ các xã tổ chức vận động và đưa 13.000 dân của hai xã Lộc Bình, Lộc Vĩnh đi sơ tán để tránh thương vong. Tuy nhiên, nghe tin bộ đội ta nổ súng, một số người dân ở các thôn chưa sơ tán đã cùng bộ đội diệt quân ngụy, bắt bọn phản động. Nhà nào cũng treo cờ giải phóng. Cờ bay phấp phới trên nóc nhà, cây cau, bờ rào, ven đường, bãi sông… dày đặc bao quanh Thượng Đức. Bộ đội vào từng nhà giúp nhân dân cất giấu đồ đạc, hướng dẫn nhân dân đi theo đường an toàn ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Trong đêm 29-7, khi bộ đội chủ lực chưa tiêu diệt được khu trung tâm Thượng Đức thì bọn ác ôn và lính biệt kích lợi dụng đêm tối, tẩu thoát theo đường sông Vu Gia. Với phương án đã chuẩn bị sẵn, du kích và nhân dân hai xã Lộc Vĩnh và Lộc Quang đã đánh chặn, bắt sống và tiêu diệt nhiều tên địch. Đại đội 1 và Đại đội 2 bộ đội địa phương huyện Đại Lộc còn thành lập đội trinh sát, tổ chức tuần tra đêm, bắt và diệt bọn địch trốn chạy trên sông.

Sáng 30-7-1974, Ban chỉ huy Huyện đội Đại Lộc tổ chức cuộc họp để rút kinh nghiệm sau một ngày chiến đấu và triển khai nhiệm vụ mới theo lệnh của Ban chỉ huy chiến dịch. Đại đội 2 và phần lớn cán bộ cơ quan quân sự do đồng chí Trần Hùng Vĩ-Huyện đội trưởng chỉ huy hành quân đến vị trí mới tổ chức lực lượng tập kích đánh địch ở ngoại khu vực quận Đại Lộc, Cầu Chìm (xã Lộc Mỹ); Giao Thủy (xã Lộc Hưng). Đồng thời, giao nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang các xã Lộc Mỹ, Lộc An, Lộc Chánh, Lộc Hưng dùng mìn tự tạo phục kích trên đường 14B, đường 100 để đánh xe cơ giới địch hành quân tiếp viện cho Thượng Đức; tổ chức cho du kích mật theo dõi, nắm tình hình địch, bọn tề ngụy ác ôn; phân tán địch ra nhiều mục tiêu để đánh, hỗ trợ cho trận chiến Thượng Đức. Đại đội 1 và bộ phận trinh sát huyện phối hợp với Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn 10 do đồng chí Nguyễn Trung Chính-Chính trị viên trưởng Huyện đội chỉ huy, tổ chức một lực lượng áp sát bờ bắc sông Con, phía đông cầu Hà Tân, xây dựng công sự vây địch trong khu vực cố thủ Hà Tân, dùng hỏa lực mạnh, B41 đánh liên tục vào các lô cốt của địch, phối hợp với lực lượng Sư đoàn 304 vây hãm địch. Cán bộ, du kích và nhân dân các xã Lộc Vĩnh, Lộc Bình tổ chức chốt chặn địch và truy lùng bọn tề điệp ác ôn; vào rừng đốn mây song để cung cấp cho bộ đội làm dây kéo pháo và cùng bộ đội tham gia kéo pháo lên các điểm cao phía tây cứ điểm Thượng Đức.

Sau 10 ngày bao vây đánh lấn quyết liệt, đúng 8 giờ 30 phút, ngày 7-8-1974, Sư đoàn 304 làm chủ hoàn toàn Thượng Đức, lá cờ cách mạng tung bay chính thức báo tin vui: Thượng Đức được hoàn toàn giải phóng. Thừa thắng, lực lượng vũ trang Đại Lộc phối hợp với du kích các địa phương tấn công diệt các đồn Gò Đình, Hà Nha, Lâm Phụng, Bàn Tân ở xã Lộc Quang… Sau đó, phối hợp tổ chức đưa 13.000 đồng bào ở nơi sơ tán trở về làng cũ. Lực lượng vũ trang huyện Đại Lộc phối hợp với các lực lượng làm nhiệm vụ giữ vững vùng giải phóng, xây dựng chính quyền cách mạng, phát động quần chúng nâng cao giác ngộ; động viên nhân dân toàn huyện góp sức cùng với bộ đội vận chuyển vũ khí, phương tiện xây dựng các vị trí phòng thủ, đánh bại mưu đồ tái chiếm Thượng Đức của địch. Phần lớn thanh niên các xã gia nhập lực lượng vũ trang, thành lập đơn vị bộ đội để huấn luyện chuẩn bị bổ sung cho lực lượng vũ trang của tỉnh và huyện.

Giờ đây, thế hệ lãnh đạo lực lượng vũ trang huyện Đại Lộc ngày ấy cũng như hầu hết các chiến sĩ bộ đội địa phương Đại Lộc và bà con sở tại tham gia phối hợp tiến công giải phóng khu quân sự Thượng Đức đã vào độ tuổi 60 trở lên. Với họ, bản lĩnh sống được tôi luyện trong lò lửa chiến tranh, có “Thượng Đức khốc liệt và bi tráng”, càng thêm vững vàng trước mọi hoàn cảnh. Sự kiện quân dân Đại Lộc đấu tranh cách mạng qua trận Thượng Đức càng minh chứng thêm bài học kinh nghiệm của bộ đội Khu V trong kháng chiến chống Mỹ: “Có thắng về chính trị, giải phóng được dân, đập tan chính quyền cơ sở và bọn tề điệp ác ôn của địch, thì thắng lợi mới vững và khi chủ lực địch ra cũng không lấy lại được”.

                PHẠMXƯỞNG
Nguồn tư liệu: Lịch sử LLVT huyện Đại Lộc

 

 

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất