CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:22/11/2024

Cây cầu mơ ước

  Những ngày này, hòa trong không khí đón chào 40 năm ngày giải phóng quê hương và niềm vui khi cây cầu Ái Nghĩa  sau 2 năm triển khai xây dựng, nâng cấp đã nối nhịp đôi bờ sông Vu Gia. Chính quyền và nhân dân Đại Lộc càng vui mừng, phấn khởi hơn khi dự án xây dựng cầu Giao Thủy bắt qua sông Thu Bồn  sắp được khởi công nhằm nối 2 huyện Duy Xuyên và Đại Lộc

.

Cầu Giao Thủy là cây cầu từng tồn tại trong lịch sử nối đôi bờ sông Thu Bồn thuộc vùng Giao Thủy của xã Đại Hòa huyện Đại Lộc và  vùng Kiểm Lâm của xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên.  Trước sự  tàn phá của chiến tranh cây cầu bị hư hại nặng nề rồi biến mất khiến cho giao thông giữa 2 vùng suốt nhiều năm bị cô lập, chia cắt bởi con sông Thu Bồn, người dân hai vùng Đại Lộc - Duy Xuyên muốn qua lại không còn cách nào khác phải qua đò Giao Thủy. Trước nhu cầu lượng người lưu thông trên bến đò khu vực Giao Thủy - Kiểm Lâm ngày một tăng, phương tiện đò ngang luôn ở trong tình trạng quá tải, lòng sông Thu Bồn không ngừng bị mở rộng và xói lở… khiến cho vấn đề an toàn giao thông đường thủy trở thành  nỗi ám ảnh của người dân.

 Để giải quyết vấn đề trên nhiều năm liền, chính quyền 2 huyện Đại Lộc - Duy Xuyên đều có văn bản, tờ trình gửi các bộ, ngành, trung ương kiến nghị đầu tư xây dựng cây cầu, một mặt tạo thuận lợi cho sự giao thương kết nối sự phát triển kinh tế của 2 huyện, một mặt để người dân không còn phải lo ngại mỗi khi qua đò.  Bao nhiêu mong mỏi, chờ đợi cũng đến ngày kết. Cuối năm 2014, dự án đầu tư xây dựng cầu Giao Thủy tại hai huyện Duy Xuyên  và  Đại Lộc với tổng vốn đầu tư lên tới 823 tỷ đồng đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó ngân sách trung ương chiếm 80%, phần còn lại là ngân sách của địa phương theo kế hoạch bố trí vốn hằng năm và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.  Được biết, dự án sẽ được triển khai trong vòng 5 năm từ năm 2015 đến năm 2020.  Theo đó, chiều dài cây cầu dự kiến hơn 1km, rộng 12m. Phía UBND huyện Duy Xuyên sẽ phụ trách hạng mục dự án từ điểm giáp nối đường ĐT610 tại Km18+900 đến sông Thu Bồn, còn UBND huyện Đại Lộc sẽ phụ trách đoạn từ nút giao thông Ngã tư Ái Nghĩa tại Km6+500 tuyến ĐT609B đến Sông Thu Bồn với chiều dài 3,8Km. Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép thường và bê tông cốt thép dự ứng lực, thuộc chương trình các dự án cấp bách có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Trước thềm khởi động dự án cầu Giao Thủy, ông Huỳnh Sáu - Chủ tịch UBND xã Đại An tâm sự: Nếu cây Cầu Giao Thủy được hình thành sẽ làm thay đổi  bộ mặt kinh tế của địa phương đồng thời kéo theo sự phát triển của thương mai và du lịch.  Vùng ngã tư Quảng Huế nằm giữa hai xã Đại An và Đại Hòa sẽ có điều kiện mở rộng, phát triển, buôn bán của người dân sẽ dễ dàng hơn. Cùng với việc nhà sơ chế rau củ quả Bàu Tròn đi vào hoạt động, vùng sản xuất Bàu Tròn với gần 50ha hướng tới sản xuất rau an toàn, địa phương cũng tranh thủ vừa nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp, vừa hướng tới tạo sản phẩm phục vụ tham quan, du lịch”.

Trước tin vui này, bà con nhân dân vùng Duy Xuyên, Đại Lộc ai nấy đều phấn khởi. Chị Nguyễn Thị Bé, người dân thôn Giao Thủy, xã Đại Hòa phấn khởi nói: “Có cây cầu thuận tiện, bà con đi lại cũng đỡ vất vả đi nhiều, lại an toàn. Mấy chục năm nay, sợ nhất là đêm hôm có việc cần phải qua lại đò, hay như mỗi mùa mưa bão tới, qua sông qua đò khiến chúng tôi rất sợ”. Với chị Bé hay bất cứ người dân nào sống giữa hai vùng nói riêng, nhân dân hai huyện Đại Lộc, Duy Xuyên nói chung, cây cầu luôn là niềm mơ ước suốt mấy chục năm mà  họ mong đợi

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đặng Hùng Trận - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho hay: Đến thời điểm này, việc bàn giao mốc lộ giới cho hai địa phương đã xong. Cùng với Duy Xuyên, huyện đã và đang đẩy mạnh tiến độ giải tỏa, giải phóng mặt bằng cho hơn 1,4ha đất vùng Đại Hòa, khu vực diễn ra lễ khởi công, bàn giao chơ đơn vị thi công. Cùng với đó, huyện đang nỗ lực tập trung chỉ đạo giải tỏa, di dời, giải phóng mặt bằng cho hơn 30 hộ dân thuộc diện giải tỏa trắng và bị ảnh hưởng thuộc hai thôn Giao Thủy và Hòa Thạch của xã Đại Hòa. Đây chủ yếu là các hộ dân bị ảnh hưởng bởi mố cầu và đường dẫn từ cầu Giao Thủy về ngã tư Ái Nghĩa. Tuyến đường dẫn này đi qua 2 thôn Hòa Thạch, Giao Thủy và trải dài đi qua 3 xã/thị trấn Đại An, Đại Hòa và thị trấn Ái Nghĩa. “Huyện đang triển khai có lộ trình các khâu họp dân, thu hồi đất, kiểm kê, áp giá, lập phương án bồi thường, chi trả chế độ, khảo sát nhu cầu về đất ở tái định cư cũng như lập dự án tái định cư, cố gắng bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đúng tiến độ.

Nhấn mạnh về vị trí, tầm quan trọng của cầu Giao Thủy trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà, Bí thư Huyện ủy Mai Đình Lự chia sẻ: “ Sự kiện cầu Giao Thủy được khởi công xây dựng đã trở thành mốc son chói lọi, quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo động lực thu hút đầu tư nhất là các dự án du lịch có quy mô lớn của hai huyện Duy Xuyên - Đại Lộc cũng như các huyện lân cận. Khi có cây cầu, không chỉ nhân dân 2 huyện được đi lại, giao thương thuận lợi, mà nhờ tuyến đường huyết mạch này, người dân các huyện Nông Sơn, Quế Sơn, Hiệp Đức cũng sẽ đi dọc theo tuyến ĐT 611, ĐT 610 - cầu Giao Thủy - quốc lộ 14B đến Đà Nẵng nhanh nhất, thuận lợi nhất. Cầu Giao Thủy sau khi xây dựng còn đảm bảo phục vụ kịp thời công tác cứu hộ cứu nạn, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai xảy ra. Ngoài ra, các vùng còn có động lực, điều kiện giao lưu, liên kết nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế.

Hòa trong không khí khi toàn Đảng, toàn dân đang chuẩn bị cho Đại Hội đảng các cấp hướng đến đai hội Đảng bộ  huyện Đại Lộc lần thứ 21. Đặc biệt là kỉ niệm long trọng 40 năm ngày giải phóng quê hương. Dự án cầu Giao Thủy như tiếp thêm sức mạnh, động lực, niềm tin để Đảng bộ huyện Đại Lộc cùng nhân dân phấn đấu xây dựng huyện Đại Lộc trở thành huyện công nghiệp trong tương lai theo nghị quyết huyện ủy đề ra. 

Hoàng Liên - Bích Liễu 

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất