Hôm nay:22/11/2024
Rời TP.Đà Nẵng nhộn nhịp vào sáng xuân nắng đẹp, tôi theo hướng Hòa Vang lên phía tây. Đến thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc), tôi phôn anh Nguyễn A - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, muốn anh dã ngoại một vòng vùng đất chúng tôi từng đi qua. Nguyễn A kéo anh Phạm Duy Hiền đi cùng. Gặp lại Phạm Duy Hiền - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, kể từ năm 1987. Đón hai người bạn đồng hành xong, xe bắt đầu chạy thẳng về hướng Thượng Đức (vùng B Đại Lộc).
1.Gần đây tôi có về dâng hương tưởng nhớ các chiến sĩ hy sinh trong trận đánh vào Chi khu quận lỵ Thượng Đức. Vì vậy, chúng tôi không đến tận nơi mà dừng lại trên cầu Hà Nha - cây cầu bắc qua sông Vu Gia nối Đại Lộc với các huyện miền núi của Quảng Nam, để nhìn về vùng đất một thời đạn bom và anh hùng. Đứng trên cầu Hà Nha nhìn về vùng núi đồi Thượng Đức, dõi tìm Động Hà Sống, Ba Khe, những địa danh mỗi khi nhắc đến là nhớ bạn bè, nhớ những bà con bám trụ kiên cường nuôi giấu, che chở cán bộ, du kích: Nước sông Con chảy về sông Cái/ Anh trai Thu Bồn, em gái Hà Nha/ Chiều nay hò hẹn đôi ta/ Xuôi về một bến nước pha màu trời...
Quang cảnh Đền tưởng niệm Chiến thắng Thượng Đức. Ảnh: BÍCH LIÊN |
Không riêng người Đại Lộc, cả người Quảng Nam, Đà Nẵng cũng tự hào về chiến thắng Thượng Đức, một chiến thắng vô cùng quan trọng, mở toang “cánh cửa thép” bảo vệ về phía tây căn cứ hải - lục - không quân khổng lồ của Mỹ tại Đà Nẵng. Cùng với lòng tự hào, không ít trầm tư về một chiến thắng phải trả bằng máu của hàng ngàn chiến sĩ giải phóng. Nhà văn quân đội - Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung, trong một chuyến về Đà Nẵng khi không còn khỏe nữa, vậy mà anh vẫn cố gắng về thăm Đại Lộc. Nhắc lại trận Thượng Đức, trận đánh anh có mặt cùng đồng đội trong chiến hào nghẹt thở khói đạn, anh đã hỏi chính mình trong đầm đìa nước mắt: Con đường đột phá dài vô tận/ Có ai ngày ấy hôm nay trở về?
Tôi hỏi Phạm Duy Hiền: anh là người dân Đại Lãnh, có kỷ niệm gì với trận Thượng Đức? Mỗi lần nhắc đến Thượng Đức là tôi nhớ ông Phạm Đức Nam - Phạm Duy Hiền trầm tư. Anh kể: “Là cán bộ binh vận, lại là dân Đại Lãnh nên các anh bên huyện ủy phân công tôi tiếp cận vận động dân rời khu dồn về làng và chuẩn bị khi đánh Thượng Đức thì đưa dân ra vùng giải phóng. Khi chiến dịch sắp nổ ra thì ông Phạm Đức Nam, bấy giờ là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Đà, không chọn tôi vào đoàn cán bộ Dân Chính Đảng của Quảng Đà tham gia chiến dịch Thượng Đức. Tôi xin đi thì ông Nam nói: Mi tìm ra ông bà già chưa? Phải bằng mọi cách đưa ông bà già mi ra khỏi khu dồn Thượng Đức không thì khi ta đánh nát cứ điểm, địch sẽ phản kích thả bom tiêu hủy Thượng Đức. Chết hết trơn!”.
Quân Giải phóng đánh tan cứ điểm Thượng Đức vào buổi sáng ngày 7 tháng 8 năm 1974, đưa hơn mười ngàn dân ra, quá mừng và cũng vô cùng gian nan. Địch dồn ép đưa dân vô khu dồn, có được người dân nào ở vùng giải phóng quý như vàng. Vậy mà, cùng một lúc đưa hơn mười ngàn dân ra vùng giải phóng, coi như một thắng lợi của công tác giành dân. Nhưng dân ra thì đau sốt, sợ bom pháo, sợ địch phản kích. Lương thực tuy đã có gạo từ miền Bắc vào theo đường Trường Sơn, nhưng chỉ được một thời gian đầu. Hàng chục ngàn dân chỉ biết chờ cấp lương thực, thực phẩm mà không tài nào sản xuất được trên vùng đất còn đầy hoang hóa và không có phân bón. May bà con chịu đựng một thời gian ngắn thì đến mùa xuân năm 1975…
2.Những cây cầu mới xây như Hà Nha, Ái Nghĩa, Hòa Đông, Quảng Huế, Khe Đá... đã làm cho làng quê vùng B Đại Lộc như gần hơn. Xe chạy qua ba con đường chính được nâng cấp: đường Quảng Huế - Cầu Phao, đường Hà Nha - Hà Tân và đường từ ngã tư Đại Minh đến Khe Tân. Qua cầu Hà Nha xe bon bon trên đất Đại Hồng, Đại Phong, Đại Chánh, Đại Thạnh, hai bên đường cây xanh mát mắt. Màu xanh của rặng núi An Bằng, núi Cánh Dều là màu xanh của thiên nhiên ban tặng; màu xanh ngút ngàn của cây che kín Khe Lim, Khe Hoa, Khe Tân, bạt ngàn rừng cây keo lá tràm là màu xanh của các chiến dịch “phủ xanh đồi núi trọc”. Nhuộm lại màu xanh trên đồi núi một thời bị bom pháo Mỹ cạo trọc, người dân có một vùng sinh thái cho cuộc sống dễ chịu, an lành, còn có thêm thu nhập dồi dào từ cây cối, từ các vườn cây ăn trái... Đi qua vùng đất Đại Phong, Đại Thạnh, Đại Thắng thì nhớ một thời ác liệt của vùng B. Bỗng nghe Phạm Duy Hiền thốt lên giọng thật ấm và buồn lạ: Vùng B đêm rét rừng dài/ Chà là Khe Thẻ nhắc ngày nào xa/ Mai này về lại Vu Gia/ Đố ai biết được lòng ta nhớ gì...
Thơ khóc ai buồn vậy anh Hiền? Tôi hỏi. - Của Nguyễn Bá. Anh ta là con nhà địa chủ người Đại Hồng này đây, cũng lớp học sinh Trần Quý Cáp ở Hội An, học sinh Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng như anh em mình, đang học ngon lành thì xếp bút, chia tay người thân, thoát ly tham gia cách mạng từ những năm 1960. Nguyễn Bá từng là một Huyện ủy viên của Huyện ủy Đại Lộc, lên tỉnh làm cán bộ Ban Binh vận. Đang công tác thì nhận tin người em trai hy sinh. Nguyễn Bá làm bài thơ “Khóc em”. Nhưng sau lần khóc người em thân yêu bằng bài thơ thật cảm động này thì Nguyễn Bá nhận được tin em không hy sinh mà thoát chết. Mừng, vui chảy nước mắt. Một hôm Bá dẫn vợ qua đất Đại Phong, đêm hai vợ chồng ở lại trong một căn hầm thì... có thai. Sinh con trai, hai vợ chồng đặt tên cho con là Nguyễn Tiên Phong! Cha đã đi tiên phong không sợ hòn tên mũi đạn của quân thù, muốn con mình tiếp bước cha anh. Năm ác liệt khủng khiếp -1969, Nguyễn Bá bỏ lại vợ và con đi mãi không về. Và bỏ lại những dòng thơ cho đời: Xa rồi Non Chấn thân yêu/ Nắng mai những nhớ, mưa chiều những thương/ Ta đi trên vạn dặm đường/ Mà sao vẫn thấy vấn vương chốn này...
Xe chạy đến tận hồ nước Khe Tân. Từ ngày có hồ nước Khe Tân, trên 1.800ha ruộng lúa của 7 xã vùng B Đại Lộc chấm dứt cảnh nước trời. Nước Khe Tân làm hồi sinh các xã Đại Thạnh, Đại Chánh. Cá nuôi dưới hồ lớn nhanh và nhiều. Vườn nhà ai cũng trồng cây ăn trái, nhà nào cũng nuôi gà, heo, trâu, bò. Làng Thọ Lâm nay chìm trong lòng nước Khe Tân. Bên bờ hồ xa kia là con đường từ chợ Phú Thuận lên ranh An Bằng - vùng chè nổi tiếng một thời của xã Lộc Sơn, đi vào tới ranh qua Khe Chín Khúc thì leo lên Dốc Ông Thiên. Cạnh chợ Phú Thuận có bến đò qua sông Thu Bồn nối vùng B Đại Lộc và tây Duy Xuyên. Thời kháng chiến mỗi lần rời đồng bằng Điện Bàn, Duy Xuyên lên núi Đại Lộc, chúng tôi phải qua sông Thu Bồn lên vùng B, rồi qua Khe Tân, vào núi. Địch biết vùng đất quân Giải phóng thường xuyên qua lại nên cho đóng một cái đồn ở Gò Đu, thường xuyên cho lính gài mìn, phục kích. Theo sự hướng dẫn của giao liên và du kích vùng B, chúng tôi không đi theo một con đường mòn mà lúc thì qua Khe Rúc, lúc qua Khe Rằn, lúc qua Dốc Trấu, lúc leo lên Dốc Ông Thiên, lúc leo Dốc Ông Thủ. Ông Phan Thanh Thủ từng hai lần làm Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
3.Lòng bồi hồi, vui, nhìn những ngôi nhà ngói khang trang thay nhà tôn, nhà tranh. Nhiều ngôi trường cho học sinh tiểu học và THPT trong xã cũng được xây dựng để các em học sinh không phải vất vả xuống tận thị trấn Ái Nghĩa. Những ngôi trường mang tên những người con ưu tú của đất nước và quê nhà như Nguyễn Nho Túy, Lý Thường Kiệt, Đỗ Đăng Tuyển, Huỳnh Ngọc Huệ, Trịnh Thị Liền, Đỗ Văn Quả...; đền tưởng niệm Chiến thắng Thượng Đức cũng được xây dựng trang nghiêm để con cháu tưởng nhớ các bậc tiền nhân kiệt xuất, những anh hùng liệt nữ đã có công với Đại Lộc, đã cống hiến đời mình cho đất nước, quê hương. Trời ban cho Đại Lộc hai con sông Vu Gia và Thu Bồn hằng năm bồi bổ nguồn phù sa cho ruộng đồng - vùng đất màu mỡ gieo mầm xanh và cảm hứng, tạo nên những văn nhân, thi sĩ Tú Quỳ, Võ Quảng, Nam Trân, Nguyễn Văn Bổng, Trinh Đường...
Chia tay, các anh cho thưởng thức đặc sản quê hương bánh tráng thịt heo, tráng miệng món Nam Trân từng dâng tiến vua mỗi dịp tết. Đi giữa làng quê vào xuân, tôi vẫn chưa hết nhớ về những ngày hôm qua và hy vọng vùng đất cách mạng Đại Lộc sẽ tiếp tục đổi mới từng ngày!
Bút ký của HỒ DUY LỆ (Báo Quảng Nam)