Hôm nay:22/11/2024
Cách đây 107 năm phong trào cự sưu kháng thuế “long trời lở đất” diễn ra ở miền Trung làm cho thực dân Pháp và triều đình Huế phải hoảng sợ. Phong trào ấy bắt đầu từ một ngôi làng của huyện Đại Lộc nơi người Pháp vẫn thường gọi là le nhaque (xứ nhà quê).
Đình làng Phiếm Ái. |
Ngôi làng cổ của Đại Lộc
Nói về làng Phiếm Ái, nay thuộc xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc , Dương Văn An viết: “Dưới tập hợp kẻ hiền Phiếm Ái, nối gót trông nhau”. Nhiều người vẫn chưa rõ vào lúc đó (1555) ý ông muốn nói điều gì về ngôi làng mà có lẽ ông chưa từng được đặt chân đến nơi này, nhưng ngày nay khi đọc lại người ta liên tưởng ngay đến việc cả làng từ hương chức đến dân đinh cùng chung một lòng tham gia cuộc đấu tranh chống cường quyền trong vụ “kháng sưu cự thuế” vào năm Mậu Thân 1908.
Phiếm Ái là một làng cổ của Đại Lộc. Lần theo sách cũ để tìm hiểu dấu tích của làng ta thấy lần đầu tiên nhắc đến tên Phiếm Ái với tư cách là một đơn vị hành chánh là sách Ô châu cận lục của Dương Văn An viết năm 1555. Tại đây ta được nghe hai lần nhắc đến tên Phiếm Ái. Lần thứ nhất trong mục các làng xã thuộc huyện Điện Bàn của phủ Triệu Phong. Theo đó vào thời nhà Lê, huyện Điện Bàn có 66 làng. Trong số 66 làng đó chỉ có 5 làng nay thuộc địa phận huyện Đại Lộc là Quảng Huế (Đại An), Ái Đái (thị trấn Ái Nghĩa), Gia Cốc (Đại Minh), Bàng Trạch (Đại Đồng) và Phiếm Ái (Đại Nghĩa). Lần thứ hai trong mục tổng luận với câu thơ nhiều ẩn dụ vừa nói ở trên.
Sang thời các chúa Nguyễn, sách Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn viết năm 1776, cho biết Phiếm Ái là một trong 14 xã của huyện An Nông thuộc phủ Điện Bàn. Sách Địa bạ triều Nguyễn soạn năm 1812, dưới thời Gia Long có cung cấp thêm một số thông tin về làng nhưng không nhiều lắm: “Xã Phiếm Ái thuộc tổng Đức Hòa thượng, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn. Đông giáp xã Ái Nghĩa, tây giáp châu Bảo Sơn, nam giáp phường Đông Phúc, bắc giáp xã Ái Nghĩa”. Dưới thời Việt Minh vào năm 1947, cả huyện Đại Lộc chỉ có 10 xã, làng Phiếm Ái thuộc xã Đại Nghĩa. Sang thời Việt Nam Cộng hòa (1954-1975), Đại Lộc đổi lại thành quận và tên các xã được bắt đầu bằng chữ Lộc thì Phiếm Ái là một ấp thuộc xã Lộc An. Từ sau năm 1975 đến nay danh xưng các xã của Đại Lộc được khôi phục trở lại như thời 1947 chỉ có vài điều chỉnh nhỏ, Phiếm Ái lại thuộc xã Đại Nghĩa như cũ.
Dân làng vốn có nguồn gốc từ vùng Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Hồng di cư đến sau cuộc Nam chinh của Lê Thánh Tông (1471) nên có truyền thống cần cù, khả năng khắc phục thiên nhiên khắc nghiệt. Tại nhà thờ tộc Trương, một tộc họ tiền hiền của làng có tấm hoành phi với tám chữ “Hóa châu lai tích; Ái thổ triệu cơ” (phát tích ở châu Hóa; về lập nghiệp ở đất Phiếm Ái) đã cho thấy điều đó.
Phiếm Ái là làng văn vật hàng đầu của Đại Lộc. Trong 100 năm khoa cử Nho học dưới triều Nguyễn, làng chiếm 6 trong số 11 khoa bảng của cả huyện, là làng duy nhất của huyện và rất ít ỏi của Quảng Nam có văn từ biểu trưng cho truyền thống học hành, thi cử. Ngoài tộc Trương vốn rất nổi tiếng, ngày nay, tộc Phan một tộc lớn của làng cũng có 6 tiến sĩ và gần 200 thạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư và cử nhân.
Ngày nay, Phiếm Ái là một làng có kinh tế phát triển thuộc loại hàng đầu của cả huyện. Chỉ là một thôn nhưng Phiếm Ái lại chiếm gần một nửa số doanh nghiệp cả xã, tuy vậy nghề truyền thống đan ghe nan, một nghề đậm nét đặc trưng của vùng sông nước ven sông Vu Gia vẫn tồn tại. Bên cạnh các công trình xây dựng hiện đại, ngôi đình làng Phiếm Ái với gần 140 năm tuổi đang là biểu trưng tinh thần của làng.
Nơi châm ngòi cho phong trào cự sưu chống thuế
Ngày nay mỗi lần nhắc đến làng Phiếm Ái là người ta nghĩ ngay đến phong trào biểu tình “long trời lở đất” vào năm Mậu Thân 1908. Vì thế làng có biệt danh là “làng biểu tình”.
Chuyện bắt đầu từ một đám giỗ của tộc Trương, một tộc họ lớn của làng vào ngày 9.3.1908. Lúc này tộc Trương có người đang làm lý trưởng của làng, đó là nhà nho Trương Kỳ, còn được gọi là ông Xã Năm. Tộc còn có các cụ cử Trương Liên và Trương Lâm. Trương Liên đỗ cử nhân năm 1879, là một Huấn đạo hưu trí vốn là thành viên của phong trào Duy tân, vừa từ quan về trí sĩ trong làng và cụ Trương Lâm (còn gọi là Trương Nhiếp, đỗ năm 1888, từng giữ chức Trước tác ở Kinh). Ngoài ra còn có nhiều người có học và yêu nước như Trương Hoành, Trương Kỳ, Trương Côn, Lương Châu (rể họ Trương) vốn là học trò của Khâm Thiên Giám. Trong đám giỗ người ta bàn nhau chuyện sưu cao thuế nặng thế là rủ nhau làm đơn xin giảm sưu thuế, đem cho các làng khác trong huyện ký. Ký chưa xong có người sợ quá lén xuống huyện trình quan. Ngày 11.3 hơn 400 dân làng và các làng lân cận tập trung tại đình làng Phiếm Ái kéo về phủ đường gặp tri huyện. Tri huyện không có nhà mà đi báo quan trên. Dân kéo xuống tòa để nói cho rõ. Dọc đường nghe biểu tình xin sưu thuế dân các làng của Điện Bàn, Hòa Vang, Duy Xuyên cũng theo. Thế là hàng ngàn người kéo về vây tòa sứ ở Hội An. Công sứ không chịu giải quyết nguyện vọng của dân mà còn bắt những người đứng đầu đưa đi đày. Chuyện nhỏ thành chuyện lớn. Dân tập trung ngày càng đông. Khi quá đông thì lan truyền chỉ đạo huyện nào về vây huyện đó.
Thế là biểu tình vây phủ huyện lan ra cả tỉnh. Tại Điện Bàn ngày 20.3.1908, đoàn biểu tình của nhân dân cả tỉnh kéo vào dinh Tổng đốc Hồ Đắc Trung ở La Qua (Điện Bàn). Đoàn đã cãi tay đôi với viên Tổng đốc Hồ Đắc Trung, đòi đuổi viên tổng đốc này về: “Dân Quảng Nam không cần thứ quan như ông. Về trớt cho dân nhờ”. Ngày 22.3 dân vây phủ, bắt quan tri phủ Trần Văn Thống bỏ lên xe kéo xuống Hội An cùng biểu tình với dân. Ngày 30.3 tại Tam Kỳ, đoàn biểu tình đông hơn 3.000 người, do Trùm Thuyết chỉ huy, dẫn dân 7 tổng vây kín phủ đường, đòi bắt tên Đề đốc Trần Tuệ. Trước phủ đường, Trùm Thuyết kêu to: “Dân xin quan Đại lý giao ông Đề đốc để dân ăn gan!”. Dân 7 tổng đồng thanh hô vang “Dạ!”. Đề Tuệ ngồi trong xe, hộc máu gục xuống, sau đó tắt thở. Ngày 26.3 dân Thăng Bình biểu tình vây phủ đường, tri phủ bỏ trốn. Ngày 9.4, dân Duy Xuyên biểu tình bắt tên ác ôn Trần Quát dìm sông. Ngày 7.4, Ông Ích Ðường chỉ huy dân Hòa Vang vây bắt Lãnh Điềm, tổ chức cho công nhân bãi công, phá xe làm đường, đốt nhà cường hào ở Quá Giáng, đánh cai đắp đường, thu thuế chợ…
Sau Quảng Nam, cuộc biểu tình lan ra khắp các tỉnh Trung kỳ. Từ ngày 13.4 đến 23.5 dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh cũng biểu tình vây phủ đường, diệt ác. Cả một dải đất Trung kỳ hừng hực trong khí thế đấu tranh cách mạng.
Cuộc biểu tình xuất phát đầu tiên ở đình làng Phiếm Ái vào chiều 11.3 có ý nghĩa rất lớn, là cuộc biểu tình đầu tiên trong lịch sử đấu tranh cách mạng, kết hợp được cả hai mục tiêu chính trị và xã hội. Đình làng Phiếm Ái, nhà của ông Trương Nhiếp vì thế đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh.
LÊ THÍ