Hôm nay:22/11/2024
Cách đây khá lâu, vào năm 1977, khi đang là sinh viên năm thứ nhất Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Huế, một lần thay vì làm bài kiểm tra về môn văn học dân gian, thầy giáo bộ môn đã yêu cầu lớp tôi, mỗi người sưu tầm một số ca dao, tục ngữ liên quan đến vùng đất mà mình đang sống. Để trả bài, tôi chép một số ca dao theo yêu cầu, trong đó có cả câu: An Bằng lắm đồi nhiều khe/Làm dâu về đó uống nước chè cả năm. Sau mấy ngày, một buổi sáng, trong giờ giải lao, đứng bên hành lang của giảng đường, thầy giáo đã hỏi tôi về An Bằng. Ông ngạc nhiên khi biết ở Quảng Nam cũng có vùng đất trồng chè nổi tiếng. Ông càng ngạc nhiên khi nghe tôi kể về cách chế biến và uống nước chè ở quê mình khác hẳn với chè ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) hay ở Thái Nguyên. Khi kết thúc câu chuyện, thầy giáo cười và bảo tôi, Quảng Nam của cậu nổi tiếng nhiều thứ, chè An Bằng cũng là loại hình ẩm thực độc đáo đó!”. Lời khen của vị thầy giáo đã theo tôi nhiều năm và trở thành niềm tự hào mỗi khi tôi nghĩ về quê nhà.
Đồi chè. Ảnh: PHƯƠNG GIANG |
An Bằng ngày nay là một thôn của xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, nằm ngay trên bờ Bắc sông Thu Bồn, cách Đà Nẵng chừng 40km về phía tây - nam. Theo lời kể của những người lớn tuổi, cái tên An Bằng đã có lâu đời, từ thế kỷ thứ XV, khi các cư dân từ các tỉnh Thanh - Nghệ vào khai phá, lập nghiệp ở những khu vực dọc theo các con sông Thu Bồn, Vu Gia. Đây là vùng nằm sát núi có nhiều khe, suối và lắm gò đồi. Do đặc điểm thổ nhưỡng, nên trong vườn, trên đồi, trên rẫy, chỗ nào trồng chè cũng hợp, cũng lên tươi tốt và cho sản phẩm thơm ngon. Nhiều người nhờ trồng chè mà trở nên giàu có. Hồi nhỏ, thỉnh thoảng, tôi được theo mẹ đi hái chè trên rẫy. Trong khi người lớn cặm cụi với công việc, mấy đứa nhỏ chúng tôi thỏa thích chạy nhảy trên những triền đồi nghiêng nghiêng với những hàng chè lúp xúp nối đuôi nhau.
Ở quê tôi người ta không hái những đọt chè non mà hái những lá già và có khi cắt cả những cành chè vươn lên. Chè hái về được rửa sạch, cho vào cối, giã cho dập (chỉ giã dập cho đều mà không làm lá chè bị nát) rồi đổ thành đống trên nong, dùng lá chuối phủ lên để ủ. Sau một ngày hoặc một đêm, số chè được ủ chuyển từ màu xanh thành màu tím đậm, và bây giờ người ta mới dùng dao, chặt nhỏ từng nắm chè một rồi mang phơi dưới nắng cho thật khô.
Chè An Bằng thơm ngon có tiếng. Không chỉ người Quảng thường dùng mà dân ở nhiều tỉnh bạn cũng thích. Ngày xưa, từ cảng Hội An, nhiều nhà buôn đã dùng thuyền đi dọc lên sông Thu Bồn lên vùng đất này để mua các loại sản vật trong đó có chè, chở về xuôi, đi bán nhiều nơi.
Chè An Bằng muốn uống phải nấu. Chè khô khi nấu chín lên sẽ cho ra loại nước màu đỏ tím trông rất thích mắt. Và với người dân xứ Quảng, đây là thứ nước uống hàng ngày, không chỉ giải khát mà còn giúp tiêu hóa tốt. Chè được nấu thành nồi to để uống sau bữa ăn, uống trong lúc làm đồng, làm rẫy… Ngày xưa, ở quê tôi, nhà nào cũng có vài cái bát con gà để uống nước chè. Đây là loại bát sứ, to phải bằng cái bát bán phở, có in hình con gà trống màu xanh. Nhiều người, khi uống đã uống cả bát đầy, và theo họ, uống như vậy mới đã cơn khát. Ông nội tôi hồi còn sống là một trong số những người nghiện uống nước chè. Nước rót cho ông bao giờ cũng phải đầy cái bát to, đậm màu, và con cháu khi rót nước cho ông bao giờ cũng phải đưa cái vòi ấm lên cao một chút, để mặt bát nước sủi những cái bong bóng nhỏ. Với ông, có lẽ như thế mới ngon, mới thích.
Thời chống Mỹ, An Bằng là vùng đất bị chiến tranh tàn phá ác liệt. Những rẫy chè bị hư hại nhiều do bom đạn, do không được chăm sóc. Sau ngày giải phóng, khi công trình thủy lợi Khe Tân ra đời một số khu vực rộng lớn của thôn trở thành hồ chứa nước. Tuy vậy, ở nhiều ngọn đồi, ở nhiều khu vườn, chè tiếp tục được trồng và chế biến bán cho người dân trong tỉnh.
Có lẽ một ngày không xa, các nhà nghiên cứu về ẩm thực của người dân xứ Quảng sẽ nêu tên chè An Bằng vào những công trình giới thiệu của mình. Sao lại không, khi trong kho tàng thơ ca dân gian Quảng Nam từng có câu: Thà rằng nhịn một bữa cơm/ Chứ không thể thiếu chè thơm An Bằng…
HOÀNG NHẬT TUYÊN (Báo Quảng Nam)