CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:25/11/2024

Suối Mơ... nên thơ tự bao giờ?

Suối Mơ là một trong những thắng cảnh của đất Đại Lộc, thu hút rất đông du khách đến thưởng ngoạn. Hiện nay có nhiều tài liệu viết về Suối Mơ thường ở dạng giới thiệu về vẻ đẹp kỳ thú của nó, nhưng đều gắn với thời gian gần đây và hiện tại. Tôi luôn tự hỏi Suối Mơ được người ta biết đến tự bao giờ?

Suối Mơ.
Suối Mơ.

Đại Lộc có nhiều dãy núi chạy dài từ phía tây kéo bọc sang tây bắc và bắc, tạo thành rất nhiều khe suối, hồ đập. Như dãy Sơn Gà chạy qua địa phận Đại Đồng có Suối Mơ, qua địa phận Đại Quang có Suối Thơ, Đại Nghĩa có Vũng Thùng, ra Đại Hiệp có đập Trà Cân… Vùng đất An Định không chỉ có Suối Mơ thơ mộng mà còn là nơi nổi tiếng về lịch sử kháng chiến chống Mỹ của người dân Đại Lộc.

Tôi được con cháu nhà Nho, nhà giáo Trương Đồng Hiệp ở Hội An cho xem một tập bản thảo di cảo của ông. Thật may mắn, trong đó có một bài thơ chữ Hán viết về Suối Mơ Đại Lộc. Có thể nói đây là tài liệu sớm nhất đề cập thắng cảnh này.

Trong các văn bản trước tác, Trương Đồng Hiệp lấy hiệu là Thuấn Phu. Ông là một nhà Nho, đỗ cử nhân khoa Giáp Ngọ, năm Thành Thái thứ 6 (1894), cùng khoa với Phạm Liệu, Phan Quang; đồng thời là nhà giáo. Sách “Thành phố cổ Hội An đất và người” ghi ông sinh năm 1857 mất năm 1926, gốc làng Minh Hương, tổng Phú Triêm, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là phường Minh An, TP.Hội An) và cho biết ông được “sơ bổ Huấn đạo tại Quảng Nam với hàm chánh thất phẩm. Suốt đời phục vụ ngành giáo và là người thầy nghiêm túc, tài đức được triều đình quý trọng. Ông được vua ban “Hàn lâm viện Thị giảng”, hàm tòng ngũ phẩm”. Ông có quãng thời gian làm tri huyện Đại Lộc từ sau sự kiện phong trào chống thuế - 1908, bởi ông có để lại bài thơ chữ Hán “Lưu thúc Đại Lộc huyện huấn đường tú sĩ”: “Mùi niên thệ sĩ Mẹo niên hưu/ Cửu tải tuần tư huyện bác lưu/ Bổng hướng đồ hư gia hoạn cấp/ Tác thành vị hạ cổ nho lưu/ Trúc thanh hoa ảnh thâu nhàn liễu/ Sơn nguyệt giang phong cộng thích bôi/ Học giới khủng phương anh tuấn bộ/ Cựu thư huề ngã cựu thời du”. Và tự ông diễn Nôm: “Năm Mùi làm quan đến Mẹo rồi/ Lăng quăng Huấn giáo huyện mà thôi/ Lương tiền luống những quan thêm cấp/ Nhăn nhó đà cho trống mấy hồi/ Kỳ trước bôn ba chừng nớ đã/ Trăng non gió nước biết mình ôi/ Còn e lỡ bước bề tân học/ Sách cũ về cùng bạn cũ chơi”. Đặc biệt, ông còn có mối lương duyên với Đại Lộc, bởi ông là học trò của Lương Thúc Kỳ. Trong tập di cảo của ông rất nhiều chỗ nhắc đến Hà Tân Hậu bổ Lương Thúc Kỳ với lời lẽ kính trọng.

Trong một lần đi chơi Suối Mơ, Trương Đồng Hiệp đã làm một bài thơ Đường luật “Đồng chư hữu du An Định Hoa Khê chi tác” (Cảm tác khi cùng các bạn đi chơi Suối Hoa An Định). Phiên âm như sau: “Cổ tích trùng lai thử địa gian/ Du tung mịch thắng bộ hà gian/ Thanh lưu hoàn đới thiên hồi thủy/ Thúy sắc liên hàm tam diện san/ Cầm bả vong âm tuyền dược hưởng/ Thi đề đắc cú thạch khai nhan/ Ngã lai phi thị lâm bô khách/ Hảo khán trùng vân bất yểm quan”. Tạm dịch: “Dấu xưa theo đến cuộc đất này/ Chân tìm cảnh đẹp nào khó thay/ Suối trong uốn khúc muôn dòng nước/ Rừng biếc ôm phủ ba non dày/ Gảy đàn chẳng nhớ nước reo nhảy/ Đề thơ đắc ý đá vươn bay/ Ta đến nào phải người lánh thế/ Mải ngắm mây trời có che ai”.

Theo câu 5 và dòng ghi chú trong bài thơ, lúc bấy giờ Trương Đồng Hiệp và nhóm bạn đã đem cả đàn để xướng ca ngâm vịnh ở một nơi sơn thủy hữu tình như Suối Mơ, thật là phong nhã, xứng với tao nhân mặc khách. Hình ảnh Suối Mơ ngày xưa cũng như ngày nay, vẫn là những thác nước tung bọt trắng xóa, là những dòng nước nhỏ len lỏi uốn quanh các vách đá, là những màu xanh trùng điệp của núi rừng khởi nguồn từ dãy Trường Sơn cao vời vợi.

Dựa theo bài thơ của Trương Đồng Hiệp, chúng ta có thể thấy Suối Mơ đã được biết đến muộn nhất cũng đã hơn trăm năm rồi. Đồng thời ngoài cái tên quen thuộc lâu nay, chúng ta còn biết thêm nó có tên “chữ” là Hoa Khê (Suối Hoa) cũng rất giàu thi vị, là hoa của những cỏ cây, là hoa của những tảng đá, là hoa của những bọt nước, và những dòng suối, hồ nước là một vùng hoa nổi bật giữa rừng xanh.
Từ nay, nếu có tập thơ về Suối Mơ ắt hẳn không quên tuyển chọn bài thơ này của Trương Đồng Hiệp. Và cũng hy vọng đơn vị quản lý và khai thác du lịch Suối Mơ cho khắc lại bài thơ này theo dạng thủ bút của Trương Đồng Hiệp để làm tăng thêm giá trị lịch sử và nghệ thuật cho Suối Mơ, để du khách ngày nay có thể đồng cảm với những rung động của người xưa trước một sơn kỳ thủy tú, phong cảnh hữu tình.

NGUYỄN DỊ CỔ (Báo Quảng Nam)

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất