Hôm nay:22/11/2024
“Về Đại Lộc miền sông đào, núi lở…”. Câu thơ ấy nhắc đến một dòng sông chảy qua thị trấn huyện lỵ Đại Lộc ngày nay, gắn liền với công cuộc “trị thủy” của nhà Nguyễn ở Quảng Nam vào cuối thế kỷ XIX. Hậu thế mãi ghi nhớ công tích của các vị tiền bối đã “thai nghén” nên dòng sông quan trọng này…
Mộc bản sách Đại Nam thực lục ghi chép việc Sơn phòng doanh điền sứ Quảng Nam Nguyễn Tạo dâng sớ xin đào sông Ái Nghĩa, lấp sông Vĩnh Điện năm 1876.
Năm 1824, vua Minh Mạng ra chỉ dụ cho tỉnh Quảng Nam đào sông Vĩnh Điện (nghĩa là mãi mãi vững bền) và cho rằng, đây là “việc trọng yếu về vận tải đường sông ở phía Nam kinh kỳ”. Khi công việc đã thành tựu, nhà vua lệnh cho khắc hình tượng sông Vĩnh Điện vào Dụ đỉnh- một trong Cửu Đỉnh đặt trước sân tông miếu của nhà Nguyễn, là báu vật tượng trưng cho đế nghiệp muôn năm vững bền của vương triều.
Dưới thời Tự Đức, sông Vĩnh Điện không còn giữ được vai trò quan trọng trong thủy lợi và giao thông vận tải nữa. Do sông này phóng thẳng, thế nước chạy nhanh, xoi kiệt mạch đất khiến các sông: Trà Kiệu, Sài Thị, Tân Mỹ ngày càng bị bồi cạn, việc nông thương đều bất tiện. Hải An Tổng đốc kiêm sung Tổng lý Thương chính đại thần Phạm Phú Thứ bèn bàn với Thị độc học sĩ lãnh Sơn phòng doanh điền sứ Quảng Nam là Nguyễn Tạo dâng sớ xin lấp sông Vĩnh Điện và khai sông Ái Nghĩa. Tháng 4 năm Tự Đức thứ 28 (1875), vua Tự Đức sai Lang trung Cao Hữu Sung vào Quảng Nam “hội khám tỉnh thành và đường sông”. Sau khi thăm khám tình hình, các quan: Cao Hữu Sung và Trần Văn Thiều làm tập tâu lên: “Từ khi khai sông Vĩnh Điện, nước sông chảy về phía Bắc, đường sông ngày càng nông, làm ruộng, đi buôn, đánh cá đều không lợi. Nên trước hết khai sông Ái Nghĩa và một đoạn Cẩm Lũ – Thi Lai, cho thế nước chia ra, để xói cát bồi, tiện lấp sông Vĩnh Điện và vẽ bản đồ dâng lên”. Nhà vua cho việc ấy là khó khăn trọng đại, sai Nguyễn Tạo và các quan tỉnh xét kỹ, khuyến quyên tích trữ sẵn, đợi khi tài lực hạt tỉnh ấy tạm thư, tâu xin làm việc.
Một năm sau, Sơn phòng doanh điền sứ Quảng Nam Nguyễn Tạo lại dâng sớ xin đào sông Ái Nghĩa và lấp sông Vĩnh Điện. Cho rằng “chỉ dựa vào bản đồ, tờ tấu thì chưa được xác thực, rồi ra việc khơi tắc hao tổn nhiều tài lực mà lợi hại chưa được xác đáng, bị khinh trọng không xong, lại tăng thêm phí tổn” nên vua Tự Đức chuẩn cho quan nội các Nguyễn Thuật “duyệt kỹ hợp chăng, thì tâu đầy đủ”. Nguyễn Thuật tâu: “Từ khi sông Vĩnh Điện đã khai, các cửa sông bên hữu ngày càng lấp mất, thuyền bè khó đi, ruộng không nước tưới, sông ấy nên lấp, văn võ sĩ thứ, vui lòng rất nhiều, theo hiểu biết của thần, cũng không trái khác. Năm ngoái quan Khâm sai: bọn Cao Hữu Sung, khám xét xin đào sông Ái Nghĩa xứ Tam Bào, để nước ở thượng nguồn chảy ra Cẩm Lệ. Lại đào một đoạn đường cảng Cẩm Lũ, Thi Lai để nước chảy thẳng ra Sài Giang, liệu làm hai đoạn kè để chia thế nước, để ngăn mọi lẽ là cát bồi, đã xét rõ hình thế nghĩ xin nhân công. Phí tổn cũng không nhiều lắm. Xin nêu tạm cho theo thế mà làm, đợi sau 4-5 năm, đất cát bồi lấp, cửa sông nông dần, rồi ra công đắp lấp, mới mong thành công”.
Sông Ái Nghĩa rộn ràng trong lễ hội đua thuyền đầu Xuân
Chưa an tâm, vua Tự Đức lại châu phê: “Bộ Công lại trích lục các tập tấu, phiến về các khoản đào sông cùng với bản đồ khẩn giao ra cho Phạm Phú Thứ duyệt kỹ hợp chăng, tức thời làm tấu tâu lên, đợi chuẩn, cốt được thỏa khắp”. Ngày 24 tháng 8 năm Tự Đức thứ 29 (1876), Hải An Tổng đốc kiêm sung Tổng lý Thương chính đại thần Phạm Phú Thứ tâu trình: “Xét rằng tập tâu của các bề tôi ở tỉnh nhà và bề tôi khâm phái đã đắn đo xin trước hết khơi lại sông Ái Nghĩa ở bên tả thượng lưu sông Vĩnh Điện, khiến cho nguồn nước rót về Cẩm Lệ và gần nơi giao thủy ở xã Thượng Phước và xứ Bãi Thơm ở phía trên tả ngạn cửa sông Cẩm Lậu đều xây mỏm đá để chia thế nước…Nên tùy thế mà liệu đào sông Ái Nghĩa cũ (từ chỗ Vu Gia, Thu Bồn hợp dòng trở xuống), nạo vét cảng cũ Bình Long (khiến cho chảy thẳng rót vào hạ lưu sông Vĩnh Điện) mà ở nơi giao thủy tại thượng lưu (từ chỗ Vu Gia, Thu Bồn hợp dòng trở xuống) và ở bên tả ngạn của cửa sông (thuộc địa phận xã Câu Nhí, xứ Bãi Thơm) đều xây mỏm đá thì nước ở thượng lưu tự có thể chia thế mà ngăn chặn xung phá”.” Đáng lưu ý là lúc bấy giờ, các quan đang tâu trình nhà vua xin cho dời tỉnh thành La Qua (Vĩnh Điện) về địa phận huyện Quế Sơn hoặc huyện Duy Xuyên để hợp với phong thủy, dân tình yên ổn, bởi trong nhiều năm liền tỉnh Quảng Nam bị hạn hán và lũ lụt liên miên. Phạm Phú Thứ mạnh dạn đề đạt nhà vua ưu tiên cho đào sông bị tắc trước chuyện di dời tỉnh thành: “Việc di dời tỉnh thành thì xin xét kỹ, từ từ lo liệu. Duy một khoản đào đường sông bị tắc là rất quan trọng, đó là lợi lớn của nghề nông”. Ông lý giải: “Thủy thổ đã bình thì nông thương mới lạc nghiệp, từ đó mới có thể trông mong năm được mùa, tài lực ngày càng đủ, nhiên hậu sẽ quyên giúp mà bồi bổ. Quan chẳng hao tổn mà dân được chỗ vậy”. Về nguồn kinh phí để đào sông, theo Phạm Phú Thứ, triều đình cần khoan thư sức dân, không nên buộc dân phải quyên góp tất cả, bởi vì “hạn hán, lụt lội, bão tố, sâu lúa không năm nào không có, đến nay trải hai mươi năm…Dân đã nghèo mà còn chuyên đòi hỏi quyên góp thì không thể thu được hiệu nghiệm”. Ông đề xuất: “Một nửa quyên góp, một nửa chi tiền kho mới có thể đoán ngày thành tựu”. Phải chăng hơn 140 năm trước, chính cụ Phạm là người đầu tiên ở Việt Nam khởi xướng một phương châm mà ngày nay chúng ta đã và đang thực hiện có hiệu quả: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”!
Sau hai năm thận trọng cân nhắc lợi hại, nghe đầy đủ ý kiến “tư vấn” của các quan là người “thổ địa” Quảng Nam (Phạm Phú Thứ, Nguyễn Tạo, Nguyễn Thuật), theo Quốc triều chính biên toát yếu của Quốc sử quán triều Nguyễn (Cao Xuân Dục chủ biên), tháng 12 năm Tự Đức thứ 29(1876), vua Tự Đức mới chính thức cho phép “đào các sông ở làng Ái Nghĩa, Cẩm Lậu, Thi Lai, thuộc tỉnh Quảng Nam”.
Lịch sử cho thấy, việc cho đào sông Ái Nghĩa cuối thế kỷ XIX là chủ trương kịp thời và hợp lòng dân, thể hiện quyết tâm và nỗ lực lớn lao của triều đình nhà Nguyễn và dân chúng đất Quảng trong công cuộc “trị thủy”. Ngày nay, sông đào Ái Nghĩa vẫn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đại Lộc. Dòng sông ấy không chỉ giải quyết vấn đề nước tưới, nước sinh hoạt và làm cho phong cảnh thị trấn Ái Nghĩa thêm hữu tình mà còn góp phần giải quyết cơ bản vấn đề thường xuyên bị thiếu nước và nhiễm mặn nghiêm trọng cho thành phố Đà Nẵng.
Vân Trình