Hôm nay:22/11/2024
VỀ MIỀN TÂY
Phạm Trúc Hà
Về miền Tây Đại Lộc (Đại Lãnh, Đại Hưng) bằng nhiều cách nhưng có lẽ theo tiếng ngân nga của những câu ca xưa thì đến với nơi đây không lạc lối. Đó là nơi ngàn xanh:“Trầu nguồn hái tận sông Bung/ Chờ cau Đại Mỹ để cùng về xuôi”, đó là lời hỏi thăm nhắn gởi: “Ai về chín xã Sông Con...”, là tâm tình chung thủy:“Muốn ăn bánh ít lá gai/ Có chồng Đại Lãnh cho dài đường đi”,…
Nơi ngã ba sông (Hà Tân, Đại Lãnh)
Miền đất huyền tích.
Từ thế kỷ XV lưu dân người Việt ở Thanh- Nghệ- Tĩnh vào miền Tây Đại Lộc khai khẩn đất đai, lập làng tạo xã suốt nhiều thế kỷ về sau.Lên Bằng Am mà nhìn xuống, thì đó là thung lũng xanh được bao bọc bởi núi, được ôm ấp bởi sông. Ở đây xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh bắp, xanh những biền dâu mà dân gian tài tình thăng hoa tỏ bày cảm xúc:“Chiều chiều mang giỏ hái dâu/ Hái dâu không hái, hái câu ân tình”. Có từ ngữ, hình ảnh nào diễn đạt tình yêu lao động, tình làng nghĩa xóm, tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương mặn nồng say đắm như câu ca dao ấy không.
Cư dân ở đây có từ lâu đời, sống hai bên bờ sông là những làng mạc trù phú, thanh bình. Có lẽ vì vậy mà yếu tố “ hà” luôn gắn với danh xưng của làng, của đất: Hà Sung, Trúc Hà, Hà Tân, Hà Dục,… chăng. Bên cạnh đó là ‘gò”, nào Gò Ngang, Gò Dinh, Gò Chùa, Gò Hiu, Gò Ông Thể, Gò Cấm, Gò Trao...mỗi tên gò như vậy đều có lai lịch hẳn hoi. Ví như Gò Tôn Dương ở Đại Hưng, tương truyền nơi Định vương Nguyễn Phúc Thuần phong cho cháu ruột của mình Nguyễn Phúc Dương làm Đông cung Thế tử. Gò Đình ở Đại Lãnh có bản lý lịch quý giá khác, là nơi tập trung nhiều di chỉ khảo cổ học thuộc văn hóa Sa Huỳnh và các phát hiện khảo cổ học cho biết vào đầu công nguyên trên vùng đất này đã có con người sinh sống.
Bàu ở đây thì gần như mỗi làng đều có. Bàu Tre của Hà Dục Đông, Bàu Làng ở Hà Tân, Bàu Chợ thuộc Hoằng Phước, Bàu Đá của Trúc Hà, Bàu Sen về Thạnh Đại, ...Bàu Quyền thuộc Tịnh Đông Tây. Ở Bàu Quyền có thời gian nghe nói có con cá lạ xuất hiện, người người nhiều nơi về đây xin nước ở bàu uống để chữa bá bệnh.
Miếu Ngũ hành tiên nương ở làng Trúc Hà lại thờ năm người phụ nữ cấy lúa chỉ đường đánh lạc hướng quân Tây Sơn truy đuổi, cứu sống quân chúa Nguyễn, sau đó bị quân Tây Sơn giết chết. Sau này, nhớ ơn những người cứu mạng, vua Gia Long sắc phong cho năm bà là Ngũ hành tiên nương cho xây miếu thờ, lệnh dân làng hằng năm vào ngày 14 tháng giêng âm lịch tổ chức cúng tế, lệ ấy vẫn lưu truyền. Hay bên Non Tiên có cái giếng ở đầu làng lưng chừng núi, nước trong veo quanh năm không mùa nào cạn kiệt, trong dân gian còn truyền rằng ngày xưa người ta hay thấy vào những trưa hè yên tĩnh nhiều tiên nữ về tắm; những đêm trăng thanh, gió mát từng đoàn tiên nữ về đây múa ca, tên gọi Giếng Tiên đã đi vào tâm thức dân gian. Còn sự tích Sông Cùng lại ngợi ca một mối tình chung thủy giữa anh trai nghèo với con gái phú hộ, gắn liền với nơi thờ cúng ở Dinh Ông.
Rồi, Hóc Lăng, Hóc Trung, Hóc Bơn, Hóc Chè, Hóc Tướng...đều có sự tích về cách đặt tên. Như Hóc Lầy thôn Chấn Sơn gắn liền với sử tích về vị đô đốc họ Lương thuộc đoàn quân Tây Sơn trên đường truy đuổi quân chúa Nguyễn cả voi và người sa vào vùng đầm lầy lút tận đầu người đã tuẫn nạn nơi đây. Người dân cảm phục lập miếu thờ gọi là Miếu Ông Lương. Hay nói đến Đồng Canh Quan Trại người ta lại nghe đâu đây tiếng sang sảng chỉ huy của vị nữ Đô đốc Bùi Thị Xuân danh tướng triều Tây Sơn.
Còn nhiều nữa huyền tích của miền Tây Đại Lộc long lanh.
Vững vàng trong bom đạn
Khi gót sắt của quân xâm lược chà đạp lên miền Tây Đại Lộc, lòng yêu nước của nhân dân trỗi dậy hơn bao giờ hết. Chín xã Sông Con là căn cứ quan trọng của Nghĩa hội Quảng Nam (1885-1887). Nghĩa quân đã lập tuyến phòng ngự ở Động Hà Sống và tổ chức đánh quân Pháp với nhiều trận nổi tiếng. Đầu thế kỷ XX, Phong trào chống sưu cao, thuế nặng, khởi xướng ở Đại Lộc lan tỏa cả Trung Kỳ làm rạn nứt móc xích thống trị của thực dân Pháp ở nước ta cũng có sự tham gia của đông đảo người dân nơi đây, mà Lương Châu (người làng Hà Tân) là một trong những thủ lĩnh.
Trong kháng chiến trường kỳ, miền Tây Đại Lộc là vùng tự do, là miền đất hòa bình trong lòng kháng chiến. Đại hội Đảng bộ huyện Đại Lộc lần thứ II (tháng 4/1949) diễn ra tại Chấn Sơn, lãnh đạo lực lượng vũ trang, nhân dân toàn huyện giành nhiều thắng lợi. Người cao tuổi kể lại, cả vùng lúc bấy giờ tích cực trong phong trào tăng gia sản xuất, ổn định đời sống phục vụ kháng chiến. Nông đoàn - một hình thức tổ chức làm ăn tập thể của nông dân- đã được thành lập ở một số làng. Những năm 1947 - 1949 bộ đội từ đây đã xuất quân đánh nhiều nơi, có nhiều trận vang dội như trận đèo Hải Vân lật đổ đoàn tàu quân sự địch, diệt tên quan năm Roger.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất miền Tây lại bước vào giai đoạn cam go. Nhân dân quyết tâm, cho dù khó khăn đến đâu cũng bảo vệ thành quả cách mạng. Cứ lấy khu du kích Đại Lãnh mà nêu thì cũng thấy. Tính từ vị trí này bây giờ đi bằng xe máy gần 10 phút là đã đến đồn địch cũ. Thế mà, hơn 20 năm chống Mỹ- ngụy, dù trang bị vũ khí tối tân, phương tiện quân sự hiện đại, lực lượng hơn hẳn du kích gấp nhiều lần nhưng chưa bao giờ địch đụng được đến nơi đây. Tại sao có điều kỳ diệu vậy? Đem câu này hỏi cán bộ lão thành cách mạng, hỏi các cô chú, anh chị du kích mới biết rằng: không chỉ do vị trí địa lý, khu du kích này còn được bảo vệ bởi nhân dân, bằng trái tim quả cảm của những cơ sở cách mạng. Chiến thắng Thượng Đức 45 năm trước là minh chứng cho niềm tin của nhân dân với Đảng; sức mạnh của quần chúng đã làm “cánh cửa thép” của địch rệu rã, đổ vỡ, tan tành.
Miền Tây reo ca
Bây giờ, sau 45 năm được giải phóng (1974 - 2019), đường giao thông về miền Tây Đại Lộc khá thuận lợi, ôtô vút một cái đã đến tận nhà dân, chứ nói chi đến được cơ quan nhà nước. Cung đường này đã có tuyến xe buýt Đại Lãnh - Tam Kỳ giá rẻ bất ngờ, đi từ đầu đến cuối tuyến trả tiền chỉ bằng một tô mỳ Quảng loại đặc biệt. Mới đây có thêm tuyến Đại Lãnh - Đà Nẵng. Trong địa bàn liên xã cũng có xe buýt phục vụ học sinh trường THPT Chu Văn An. Đã qua rồi cái cảnh đường bùn lầy, học sinh đi học lấm lem như đi cày đi cấy. Đường liên xã, liên thôn, đường ngõ xóm được bê tông, cứng hóa gần hết. Là vùng rốn lũ, các phương án đảm bảo an toàn cho người dân được cấp trên ưu tiên tạo điều kiện, nhiều hộ thấp lụt đã xây nhà tránh lũ; các hộ sạt lở ở ven sông Vu Gia di dời vào Gò Hiu; ven sông Con vào Gò Dinh; bà con đã dần quen với nơi ở mới, ổn định đời sống để phát triển kinh tế.
Bây giờ, hai xã Đại Lãnh, Đại Hưng có bảy trường học các cấp, cơ sở vật chất ngày càng được đáp ứng cho phát triển giáo dục toàn diện. Chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao, đáp ứng nguồn lao động chất lượng cao, theo kịp cuộc cách mạng công nghệ “bốn chấm không”. Phòng khám vùng A, các trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang, xanh, sạch, đẹp; đội ngũ y, bác sĩ phục vụ nhiệt tình, chuyên nghiệp, nhân dân yên tâm trong khám, chữa bệnh.
Bây giờ, hộ nghèo giảm đáng kể theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhờ đã có nhiều giải pháp tăng thu nhập. Người trồng lúa, trồng màu đã biết cách tăng giá trị trên diện tích đất trồng bằng cách áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật, cơ giới hóa cộng với sự đầu tư có trọng điểm của Nhà nước, sự liên kết của các doanh nghiệp. Mới đây, cấp trên đầu tư xây dựng đập thủy lợi qui mô tại thôn Chấn Sơn, nhân dân trầm trồ phấn khởi, bảo ngày xưa mơ cũng không thấy, chừ thì mắt thấy tay sờ, sự thật mà cứ như mơ. Giờ mỗi mùa vụ chẳng thấy bóng dáng của những “đầu cơ nghiệp” ở đâu, tiếng nghé ọ đã vọng vào dĩ vãng. Thay vào đó là thanh âm của những chiếc máy cày, của những chiếc máy gặt đập liên hợp.
Bây giờ, nhân dân đã hưởng lợi từ rừng trồng nên việc chăm sóc, bảo vệ, phòng cháy được chu đáo vẹn toàn hơn.
Năm 2019, kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Thượng Đức, Khu Di tích lịch sử quốc gia Chiến thắng Thượng Đức sẽ tiếp tục đón các vị lãnh đạo, các đoàn cựu chiến binh, bà con gần xa về thăm viếng. Đây là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, dạy lòng biết ơn cho thế hệ trẻ đối với sự hy sinh cao cả của bao lớp cha anh đã ngã xuống đất này.
Năm 2019, cũng là năm Đại Lãnh phấn đấu về đích nông thôn mới; Đại Hưng kỷ niệm 15 năm hình thành- phát triển và nỗ lực đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm sau. Một miền Tây Đại Lộc đang đi lên với niềm vui reo ca cùng sự đổi mới của huyện, của tỉnh!
P.T.H