Hôm nay:22/11/2024
Chiến thắng Thượng Đức và nhiều chiến thắng vẻ vang trên đất Đại Lộc đã đi vào huyền thoại. Những người con nằm lại trên đất mẹ Đại Lộc có người may mắn được đồng đội, thân nhân tìm lại đúng mộ phần, đúng tên tuổi song cũng không ít người còn nằm lại rải rác nơi chiến trường, trên những cánh rừng già trong sự tìm kiếm vô vọng, trăn trở, day dứt khôn nguôi...
Kết nối đồng đội
Nằm lại với chiến trường Đại Lộc, có nhiều màu áo lính thuộc nhiều đơn vị, có những đoàn quân hy sinh gần hết, trong đó phải kể đến là những chiến sĩ thuộc Sư đoàn 304 (đơn vị tăng cường cho Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 324).
Năm 1980, nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Lãnh được xây dựng. Lúc bấy giờ, ông Lê Phước Luyện (nay đã 61 tuổi) đang là Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh được giao giữ sơ đồ mộ liệt sĩ do các đơn vị chiến đấu ngày trước bàn giao lại. Giai đoạn 1981-1986, xã Đại Lãnh cũ (nay tách thành xã Đại Hưng và Đại Lãnh) đã thực hiện cuộc vận động toàn dân tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ tại chiến trường Thượng Đức xưa, mà khu vực tìm kiếm lớn nhất là chân đồi 1062, đồi Thượng Đức và các vùng lân cận. Từ những cuộc tìm kiếm, đã có hơn 500 hài cốt liệt sĩ được quy tập vào Nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Lãnh. Giữ sơ đồ, ông Luyện là người nắm rõ nhất danh sách, tên tuổi, quê quán của các liệt sĩ. Ông kể, đa số các liệt sĩ nằm lại chiến trường này đều thuộc Sư đoàn 304, họ đều là những người con miền Bắc. Trong suốt hơn 30 năm qua, ông Luyện là sợi dây kết nối giữa thân nhân và các liệt sĩ, giúp họ đưa hơn 150 hài cốt về quê an táng.
Ông Mua ngày ngày chăm lo những phần mộ ở nghĩa trang xã. |
Tất cả những gia đình thân nhân liệt sĩ vào Đại Lộc để tìm kiếm thông tin của con, em, chồng, cha mình đã ngã xuống, ông Luyện đều giúp đỡ tận tình. Những năm 1980, căn nhà nhỏ của ông luôn tấp nập người ra vào, ở lại. Thấu hiểu được nỗi mất mát to lớn của họ, ông Luyện chăm lo tất cả từ chỗ ở đến bữa ăn. Một trong những trường hợp đáng nhớ nhất trong công tác liên lạc với gia đình thân nhân liệt sĩ tìm kiếm hài cốt, ông Luyện xúc động kể: “Liệt sĩ có tên trong sơ đồ là Trần Công Yến, quê ở Hà Nội. Khi bốc mộ của liệt sĩ này, chúng tôi phát hiện được lọ thủy tinh ghi thông tin, nhưng lại không dám mở ra xem vì sợ thất lạc, chỉ dựa theo tên tuổi trong sơ đồ mà định danh hài cốt. Lúc thân nhân của liệt sĩ Yến đến nhận và đưa về quê an táng, khi mở bình bi đó ra thì trùng khớp với danh tính của liệt sĩ. Gia đình họ đã điện thoại cho chúng tôi và rất biết ơn sự chính xác, tỉ mỉ trong công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ của địa phương”.
Nhiều mộ liệt sĩ không xác định được tên tuổi, quê quán. |
Không riêng gì ông Luyện, ở Đại Lãnh còn có nhiều người vẫn ngày đêm trăn trở cho nỗi niềm xa quê của những liệt sĩ đã ngã xuống ở mảnh đất Đại Lộc một thời lửa đạn. Ông Nguyễn Mua (84 tuổi, ở tại thôn Tịnh Đông Tây) là quản trang ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Lãnh từ khi nghĩa trang này mới xây dựng. Đến nay, đã có 689 mộ liệt sĩ được an táng tại nghĩa trang này. Trong số đó có một nửa là những liệt sĩ vô danh. Ông Mua vốn là du kích địa phương thời chiến, nay lại ngày ngày lo việc hương khói, quét dọn nghĩa trang. Bao lần đứng trước mộ chiến sĩ vô danh, là bấy nhiêu tâm sự nao lòng. “Tôi từng tận mắt chứng kiến cảnh ác liệt mỗi lần giao chiến. Hình ảnh bộ đội ta kéo những thi thể không còn nguyên vẹn do trúng mìn claymore mang ra đường lớn. Hay cảnh các chiến sĩ ta bị trúng phải đạn xoáy của địch, người họ xoay tròn nghiêng ngã, có khi cắn nát cỏ cây vì đau đớn khoảng vài phút rồi mới trút hơi thở cuối cùng. Lúc hỗn loạn, người biết kẻ không, khi nằm xuống chẳng ai nhớ họ tên gì, ở đâu - ông Mua xúc động kể. Người may mắn trong số các liệt sĩ đó được đồng đội nhớ được thông qua tấm sơ đồ của nghĩa trang thời chiến. Nhưng còn những liệt sĩ không rõ danh tính, ông Mua vẫn ngày ngày chăm lo bằng những tình cảm chân thành nhất trên mảnh đất đã trở thành “quê hương thứ hai” của họ.
Nỗ lực tìm kiếm, quy tập
Trong 689 mộ liệt sĩ được tìm kiếm, quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Lãnh hiện nay, phần lớn là liệt sĩ thuộc Sư đoàn 304, bên cạnh đó có một số là du kích xã, dân quân, giao liên của địa phương hy sinh cũng được quy tập về đây. Vào tháng 4 vừa rồi, tại khu vực thuỷ điện An Điềm (thuộc xã Đại Hưng) đã phát hiện và quy tập hài cốt 15 liệt sĩ về nghĩa trang xã Đại Lãnh.
Ông Trương Văn Vôn – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết: “Từ năm 1986 đến nay, công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ luôn được xã chú trọng nhưng cũng gặp không ít khó khăn do địa hình thay đổi quá nhiều, mồ mả ngày trước thất lạc địa chỉ, tên tuổi, lớp người hậu sanh chỉ biết dựa vào những nguồn nhân chứng sống hay thông tin từ người dân, thân nhân liệt sĩ cung cấp để tổ chức tìm kiếm, quy tập”.
Lễn truy điệu và cải táng liệt sĩ ở xã Đại Thạnh. |
Mới đây, xã Đại Thạnh cũng đã tổ chức quy tập và cải táng 5 hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang xã, trong số đó, có 4 liệt sĩ vô danh. Khu vực tìm thấy hài cốt của các liệt sĩ này nằm dưới chân Dốc Gió A, hòn Cối đều thuộc xã Đại Thạnh. Đây là khu vực hoạt động của đơn vị E38, Sư đoàn 2 trước đây. Được xây dựng từ năm 1985, đến nay, nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Thạnh là nơi an nghỉ của 311 liệt sĩ thuộc các đơn vị: E38, Đoàn pháo binh 577, Mặt trận 44 Quảng Đà… Trong giai đoạn 1977-1984, có hàng trăm hài cốt liệt sĩ đã được đưa về quê an táng theo nguyện vọng của gia đình tận miền Bắc. Trong số gần 500 hài cốt liệt sĩ được tìm kiếm, quy tập trên địa bàn xã Đại Thạnh giai đoạn 1977 tới nay, có 80% liệt sĩ xuất thân từ miền Bắc.
Phòng Lao động – Thương binh và xã hội huyện Đại Lộc những năm qua đã khen thưởng một số cá nhân điển hình trong công tác tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ vào nghĩa trang các xã, thị trấn. Tiêu biểu như ông Phan Anh Dũng (xã Đại Thạnh); ông Phan Văn Sáu (xã Đại Chánh); Bà Trần Thị Xanh ( xã Đại Đồng). |
Theo Trung tá Đặng Thị Thanh - Trợ lý chính sách Ban Chỉ huy quân sự huyện Đại Lộc, cho tới nay, tổng số liệt sĩ của huyện Đại Lộc đã quy tập về các nghĩa trang thì nắm được nhưng không thể biết được chính xác bao nhiêu liệt sĩ hy sinh trên mảnh đất Đại Lộc. Danh sách liệt sĩ toàn huyện chủ yếu là liệt sĩ của Sư đoàn 304, Sư đoàn 324 (Quân khu 4), Sư đoàn 2 (Quân khu 5), E38 của Trung đoàn Bạch Đằng, R20 - Tiểu đoàn 1, Trung đoàn đặc công…
Từ những nguồn tin trong nhân dân, các cựu chiến binh cung cấp hay từ thân nhân các liệt sĩ, Ban Chỉ huy Quân sự huyện làm tờ trình, đề xuất lên cấp trên, phối hợp với các đơn vị chức năng, các địa phương nỗ lực tìm kiếm. Để việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ được chính xác, Ban Chỉ huy quân sự huyện và các đơn vị chức năng luôn làm theo quy trình chặt chẽ, địa phương không hợp tác với các nhà tâm linh, nhà ngoại cảm mà dựa trên cơ sở khoa học. “Tuy nhiên, do không có đội quy tập chuyên nghiệp mà lực lượng chủ yếu là điều động từ dân quân tự vệ xã, ban chỉ huy quân sự xã, cựu chiến binh nên hiệu quả chưa cao. Hơn nữa độ chính xác của các nguồn tin từ đồng đội cũ hoặc thân nhân liệt sĩ còn thấp vì chiến trường xưa đã có nhiều thay đổi, các phần mộ bị rửa trôi, thất lạc do thiên tai, lũ lụt” – Trung tá Thanh cho biết thêm.
PHAN VINH - HOÀNG LIÊN (Báo Quảng Nam)