Hôm nay:22/11/2024
Tại Đền tưởng niệm Trường An (xã Đại Nghĩa, Đại Lộc) có dựng bia vinh danh Nguyễn Hữu Quân, người được vua Tự Đức có tờ chế tưởng thưởng, gia tặng là Phụng thành Đại phu, Hàn lâm viện Thị giảng.
Theo dấu sắc phong
Trong những ngày tháng 5 biển Đông dậy sóng, tôi được anh bạn thân – bác sĩ Nguyễn Hữu Trâm Em cho biết vị Cao tằng tổ của anh – cụ Nguyễn Hữu Quân (còn gọi là Nguyễn Hữu Duân) tử trận khi đánh giặc Tàu Ô (tức bọn cướp biển người nước Thanh – Trung Quốc), được vua ban khen về tấm lòng trung nghĩa.
Theo chân anh, tôi đến nhà ông Nguyễn Hữu Bích để được xem sắc phong. Điều đập vào mắt khiến tôi có phần sửng sốt là nội dung hoành phi và liễn đối trên khám thờ. Ở giữa là hai chữ Quốc Sủng (Đất nước quý mến, trọng vọng). Dọc hai bên là đôi liễn: Vi thiện kỳ hữu hậu/ Thừa hựu vĩnh vô cương (Làm việc thiện, ấy là có no ấm/ Theo điều lành, mãi không giới hạn). Bên trên là hoành phi bốn chữ Sơn hà chính khí (Khí chất ngay thẳng, uy thiêng của núi sông). Rõ là, chỉ người có công nghiệp, thể hiện được khí chất uy hùng của non sông, được đất nước tri ân dưới thời phong kiến mới có được một khám thờ sơn son với những chữ Hán thếp vàng trang nghiêm đến vậy.
Theo nội dung sắc phong và tờ chế của vua Tự Đức hiện còn lưu giữ tại gia đình và với sự khảo cứu tư liệu của ông Nguyễn Hữu Hoằng – người anh đầu của ông Nguyễn Hữu Bích, cùng với tra cứu từ sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn và Châu bản triều Tự Đức thì cụ Nguyễn Hữu Quân sinh năm 1836, có tên tự là Trúc Hiên, người thôn Phúc An, tổng Phú Mỹ, huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn, nay là thôn Phước Yên, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Cụ đỗ cử nhân khoa Đinh Mão trường Thừa Thiên vào năm Tự Đức thứ 20 (1867), năm sau thi Hội tuy bài có dự vào phân số điểm nhưng không đủ để trúng cách. Theo đề tấu của Bộ Lại, vua Tự Đức chuẩn ông vào ngạch huấn đạo, bổ đi nhậm chức Giáo thụ (như chức Trưởng phòng giáo dục hiện nay) ở phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Sau lại đổi đi làm Giáo thụ phủ Nam Sách tỉnh Hải Dương, đồng thời giữ chức quyền Nhiếp phủ vụ (tức kiêm luôn các công việc của phủ này. Có lẽ bấy giờ Nam Sách đang khuyết chức Tri phủ).
Khí tiết nhà Nho
Thời Tự Đức, đất nước phải đối mặt với nhiều loại giặc. Quân Pháp nổ súng xâm lược, mở rộng địa bàn chiếm đóng ra khắp nơi, hết trong Nam đến ngoài Bắc; bọn tàn quân Thái Bình Thiên Quốc từ Trung Quốc dạt sang các tỉnh biên giới nước ta biến tướng thành giặc phỉ Cờ Vàng, Cờ Trắng, Cờ Đen, càn quấy từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến tận Bắc Ninh; ở mặt biển bọn giặc Tàu Ô được thể càng lộng hành đánh cướp, nhất là với hải phận các tỉnh Quảng Yên, Hải Dương. Tổng đốc Hải Dương – Quảng Yên là Nguyễn Đình Tân từng tâu về triều “tình hình bất phân thắng bại giữa quân Triều đình và bọn Tàu Ô ở Hải Dương”. Thế mà suốt 10 năm trời vẫn không triệt thoái được chúng. Táo tợn hơn, có khi bọn Tàu Ô còn tràn lên bờ đánh bức phủ thành. Nguy cấp đến mức vua Tự Đức phải xuống chỉ dụ khiển trách các quan đại thần phụ trách quân đội ở các tỉnh bất tài, hèn nhát không trị được bọn phỉ, để chúng ngày càng lan tràn khắp nơi và kêu gọi họ hãy hết lòng vì nước vì dân, cố gắng hơn nữa. Điều đó cho thấy cụ Nguyễn Hữu Quân ra làm quan ở phủ Nam Sách khi nơi đây đang là điểm nóng về an ninh biển.
Ngày 26 tháng Giêng năm Tự Đức thứ 25 (1872), bọn Tàu Ô đông đến 1.300 tên đi trên 90 chiếc thuyền từ biển tiến vào theo đường sông vây bức phủ thành Nam Sách, nhưng bấy giờ quân giữ phủ chỉ có hơn 600 quân mà quá nửa là quân mộ dũng chứ không phải phiên chế cơ đội chính quy. Cụ Nguyễn Hữu Quân đã chỉ huy đốc chiến một cách kiên cường, nhưng vì tương quan lực lượng hết sức bất lợi nên cuối cùng phủ thành bị thất thủ. Khi bị bắt, cụ Nguyễn Hữu Quân lớn tiếng mắng chửi bọn Tàu Ô nên bị chúng giết chết. Cùng tuẫn nạn có người em của cụ tên là Nguyễn Văn Bốn. Về sự kiện này, sách Đại Nam thực lục (đệ tứ kỷ) của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: “Thuyền giặc thuộc hạt Quảng Yên hiếp đánh phủ lỵ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Nhiếp biện phủ vụ là Nguyễn Hữu Quân, tác vi Phó lãnh binh là Hoàng Văn Trữ đem quân lên thành chống giữ, đều bị giặc giết chết”.
Liền ngay khi giặc vừa rút khỏi phủ thành, cai tổng Mạn Đê, huyện Thanh Lâm của phủ Nam Sách là Đặng Văn Lương liền đưa tuần phiên cùng người nhà lần vào phủ tìm kiếm, đưa được thi hài của cụ Nguyễn Hữu Quân đi an táng.
Mặc dù phủ thành thất thủ nhưng triều đình vẫn thưởng phạt phân minh. Theo đó, các quản lý, cai đội, suất đội trong khi chiến đấu hèn nhát bỏ chạy về tỉnh lỵ đều bị cách chức, tùy theo nặng nhẹ để nghiêm phạt. Những ai ra sức chống đánh tử nạn đều được truy tặng phẩm hàm và cấp tiền tuất. Riêng với cụ Nguyễn Hữu Quân, vua Tự Đức có tờ chế tưởng thưởng, truy tặng thực thụ chức Giáo thụ và gia tặng là Phụng thành Đại phu, Hàn lâm viện Thị giảng; thụy là Đoan Thận.
Nhận được hung tin, gia đình cụ Nguyễn Hữu Quân liền ủy cho người học trò của cụ là bá hộ Nhã đi trước ra phủ Nam Sách tìm phần mộ của cụ và đặt vấn đề cải táng về quê, nhưng cai tổng Lương và dân làng muốn xin để cụ ở lại một thời gian. Sau này cụ bà Phan Thị Tú (vợ cụ Nguyễn Hữu Quân) lặn lội ra tận Hải Dương đưa hài cốt cụ về. Khi linh cữu cụ Nguyễn Hữu Quân về đến Huế, các quan Bộ Binh và Bộ Lễ tổ chức đưa vào trước Trung Nghĩa Từ để thắp hương và phối thờ cụ ở đấy. Sau đó linh cữu được đưa về an táng tại quê nhà. Người con trai của cụ là Nguyễn Hữu Đệ lúc đến tuổi trưởng thành, được triều đình Thành Thái sắc phong tập ấm.
PGS-TS.NGÔ VĂN MINH