CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:22/11/2024

Hương thơm rượu nếp Trà Đức

Lần theo những con đường làng quanh co, ôm sâu những lũy tre già xanh nghít. Chúng tôi tìm về thôn Trà Đức, xã Đại Tân, một làng nổi tiếng với nghề nấu rượu. Nhiều người đồn rằng rượu Trà Đức có một hương vị rất độc đáo làm say lòng  nhiều khách thập phương.

 Để đi tìm lời giải này chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Bình người có thâm niên nhất làng về nghề nấu rượu và cũng là người làm ra loại rượu này. Ông Bình cho biết “Năm 1967- 1972 ông đi tù ở Côn Sơn, khi ở trong tù anh em những lúc rảnh rỗi thường truyền dạy cho nhau những đặc sản quê hương mình, nghe bí quyết nấu rượu nếp ngon, ông cố gắng nhớ trong đầu bí quyết để sau này về quê hương mà nấu. Năm 1975 khi đất nước giải phóng, ông về quê hương ở thôn Trà Đức, mở lò nấu rượu và truyền dạy lại cho người dân làm kế sinh nhai. Đặc biệt địa hình, thổ nhưỡng nơi đây tương đối thuận lợi để trồng một số loại nếp có chất lượng cao như nếp mỡ, nếp mù u, nếp than đen tuyền  để cho ra đời một loại nếp rất thơm, ngon khiến cho cái tên rượu Trà Đức nổi tiếng từ đó.

Được biết để làm nên một hũ rượu nếp thơm ngon thì công đoạn chọn nếp là bước quan trọng nhất nó buộc người chế biến phải chọn những hạt nếp có độ tròn, mẩy, có mùi thơm, trắng đục và nhất là không được lộn hạt gạo nào. Sau  đó nếp được đem đi nấu chín  rồi  làm nguôi lại, sau đó rắc vào bột bánh men để đem đi ủ với tỷ lệ 1 lon nếp 2 viên men. Thời gian ủ nếp được thực hiện khá dài, khoảng 3 – 5 tháng với nhiệt độ dao động từ 30-350C. Nếu  ủ vào mùa đông thì phải có chăn màn đắp lên để giữ nhiệt độ. Điều đáng nói là trong quá trình ủ  nấm mốc sẽ phát triển trên cơm gạo nếp và sẽ tạo ra một hệ enzim đường hóa  khiến cho sản phẩm có một hương thơm rất đặc trưng, hấp dẫn.  Nếu ủ càng lâu thì rượu càng ngon. Sau khi ủ xong, lấy thành phẩm ra cho vào cối đá với một ít nước ấm rồi xay mịn và bỏ đường vào với tỉ lệ 1kg đường thì 20 lít rượu. Điều đặc biệt là khi xay phải xay bằng cối đá  để hương vị ngon hơn so với xay bằng máy. Sau đó lấy rượu gạo hòa vào nếp xay với tỷ lệ 50:50. Ông Bình cho biết  “Sở dĩ rượu Trà Đức trở nên thơm ngon, bổ dưỡng chính là phụ thuộc vào công đoạn ủ, nghĩa là thời gian ủ phải lâu,  đặc biệt là việc sử dụng men để ủ phải là men Việt Nam chứ men  Trung Quốc dù  thời gian ủ rất nhanh khoảng 3 ngày là có thành phẩm nhưng chất lượng rất thấp. Những người chạy theo lợi nhuận sẽ không bao giờ làm ra được món rượu nếp thơm ngon”.

Với đặc trưng như vậy nên hiện tại cả làng Trà Đức chỉ còn  4 hộ bám trụ với nghề còn đa số đã quay lưng khi nghề này không đem lại thu nhập kinh tế cho họ.  Với vị thơm ngon, bổ dưỡng như vậy rượu nếp Trà Đức đã dần khẳng định vị trí của mình trên thị trường với số lượng đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Theo bà  Nguyễn Thị Mỵ một người nấu rượu nếp ở Trà Đức cho biết: “ Rượu nếp Trà Đức có tiếng nên cứ mỗi dịp lễ hội là họ tới đặt cả mấy trăm lít một lần, thu nhập kinh tế gia đình thế tôi vậy mà khá dần lên, gia đình tôi có 4 sào đất đều trồng lúa nếp để phục vụ sản xuất. Hiện tại, giá bán gốc mỗi lít rượu nếp là 25.000 đồng. Nhưng đến mùa cao điểm như lễ, tết  thì cũng không có rượu để bán”

Hiện nay, tuy tuổi cao nhưng ông Bình vẫn giữ nghề.  Với ông giữ nghề nấu rượu không đơn thuần vì đem lại thu nhập kinh tế cho gia đình mà nó còn là việc lưu giữ một nghề truyền thống, một nét đep trong văn hóa ẩm thực của người dân xứ Đại.

Bích Liễu  

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất