CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:22/11/2024

Nghề khai thác đá ở Đại Tân

Xã Đại Tân được thành lập gần 20 năm, một khoảng thời gian không dài. Có thể nói, Đại  Tân là xã mới, nhưng mới ở địa danh, ở tên gọi, chứ mảnh đất này, dĩ nhiên, không hề mới. Và, trên thực tế, người dân Đại Tân, với những tên làng quen thuộc, thân thương như Mỹ Nam, Xuân Tây, Nam Phước, An Chánh… hầu hết là cư dân từ có nguồn gốc các tỉnh ở phía Bắc, vào lập nghiệp đã hàng mấy trăm năm. Cùng với việc khai phá đất hoang, biến vùng đầm lầy, nước đọng hay vùng ven núi thành đồng ruộng tốt tươi, nơi con cháu đời đời nối nghiệp, người dân Đại Tân còn để lại nhiều câu chuyện kể khá thú vị về cuộc sống và sinh hoạt

Theo các bô lão, thời trước, làng Xuân Tây nằm trong vùng bán sơn địa, có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhân dân hầu hết đều nghèo khổ. Bữa ăn chủ yếu phải độn sắn, khoai và gần như phải độn quanh năm. Từ thực tế ấy, ngay từ buổi đầu đến khai phá đất hoang, ngoài nghề nông, dân làng còn tích cực làm nhiều nghề phụ khác như đan lát, đi củi, đốt than... và nhất là nghề khai thác đá.

 

Về nguyên nhân ra đời, có chuyện kể rằng khoảng đầu thế kỷ XIX, không biết vì nguyên nhân gì, có một người tộc Huỳnh Bá tên là Huỳnh Bá Thắm, quê gốc làng Quán Khái, nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, đến lập nghiệp tại làng Xuân Tây. Chính nhờ ông Huỳnh Bá Thắm, nghề khai thác đá Xuân Tây mới ra đời và ngày càng phát triển. Cũng theo theo tương truyền, khi triều đình nhà Nguyễn xây dựng kinh thành Huế, người dân Xuân Tây đã góp phần cung cấp đá xây dựng. Cứ mùa hè họ khai thác rồi để đó, đợi đến mùa mưa, lúc nước sông Thu Bồn dâng cao, mới dùng ghe bầu chở ra Đà Nẵng. Rồi từ Đà Nẵng, tiếp tục cuộc hành trình ra Huế, cũng bằng đường biển, qua hang Dơi nổi tiêng với câu hát quen thuộc "Đi bộ thì khiếp Hải Vân/ Đi thuyền thì sợ sóng thần hang Dơi". Nhờ sự tích này mà mấy năm trước đây khi cố đô Huế được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, người dân Xuân Tây cũng rất tự hào vì họ đã đóng góp một phần công sức xây dựng cố đô.

Thật ra, đá táng dùng để lót nhà, lót các công trình, lót bậc tam cấp chỉ là một trong những loại sản phẩm của nghề đá Xuân Tây. Bên cạnh đá táng, họ còn sản xuất nhiều loại đá nguyên liệu khác để tạc bia mộ, đẽo cối xay bột, cối giã gạo, tạc các loại tượng mô phỏng theo tượng Chàm... Tùy theo các loại hình sản phẩm mà có các loại đá khác nhau. Về màu sắc, có đá màu xanh đen, xanh đậm đến màu đà, màu nâu. Khai thác đá xưa chẳng khác ngày nay nhiều. Nghĩa là người thợ phải dùng sức là chính. Dĩ nhiên, cần phải có kinh nghiệm. Công cụ khá đơn giản gồm xà beng, búa tạ, búa con,đục, só, mũi chạm... Thường, muốn khai thác phải đào hầm. Tiếp theo, những thợ đá dày dạn kinh nghiệm xem xét vân đá, thớ đá để dựa vào đó tách ra thành từng tảng một. Do đá Xuân Tây nằm dưới lòng đất nên việc khai thác rất khó khăn, nặng nhọc, tốn nhiều công sức, vất vả không kể xiết.

Nghề khai thác đá Xuân Tây hoạt động mạnh nhất từ sau ngày giải phóng đến nay. Thật ra, vào nửa đầu thập kỷ 1990, nghề có lúc đứng trước nhiều khó khăn vì các loại đá dùng làm nguyên liệu cho việc đẽo các loại cối xay bột, cối giã gạo... không còn tìm ra thị trường tiêu thụ. Bấy giờ, do diện lưới quốc gia đã kéo về nhiều vùng nông thôn, ngay cả ở những nơi hẻo lánh nên người dân không dùng các loại cối xay, cối giã mà chuyển qua máy xay vừa nhanh, vừa đỡ tốn công sức. Thế là, những người thợ đá xoay sang sản xuất đá táng, đá xây dựng. Trong thời gian đầu, việc tìm đầu ra cho sản phẩm gặp không ít khó khăn. Nhưng rồi, từng bước một, nghề khai thác đá Xuân Tây dần dần vượt qua những khó khăn, thử thách. Thường, mỗi năm họ chỉ làm từ bảy đến tám tháng là tối đa. Thời gian còn lại, chủ yếu vào mùa mưa, các hầm đều ngập nước, họ phải nghỉ. Tất cả đều trở về với đồng ruộng, chăm sóc đám lúa, vồng khoai để kiếm miếng cơm manh áo hàng ngày.

Nguyễn Hữu Đăng Đạt 

 

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất