CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:19/09/2024

Đẩy nhanh tiến độ trước mùa mưa

Hơn 2 tháng sau ngày khởi công, dự án cầu Giao Thủy đang được liên danh nhà thầu tập trung thúc đẩy tiến độ phần hạ bộ trước khi bước vào mùa mưa bão.  

Tiến độ nhanh

Thức cả đêm để theo dõi nhà thầu đổ bê tông cọc khoan nhồi, ông Hà Nhật Ánh - cán bộ điều hành của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam (đơn vị chủ đầu tư) vẫn niềm nở hướng dẫn chúng tôi đi thực tế công trường. Ở phía bờ nam, “đại bản doanh” của Công ty TNHH Thanh Tùng được doanh nghiệp mượn tạm trụ sở Xí nghiệp ươm tơ Giao Thủy cũ, thuộc địa bàn xã Đại Hòa (Đại Lộc) để đóng quân. Quanh khu vực nói trên, mặt bằng tập kết nguyên vật liệu, máy móc và sau này dùng làm bãi đúc dầm được nhà thầu san ủi khá rộng rãi. Ông Nguyễn Văn Tuyên - Đội trưởng Đội thi công Công ty TNHH Thanh Tùng cho biết, dự kiến đến cuối tháng 6 năm nay mới bắt đầu khoan cọc, nhưng nhờ tinh thần khẩn trương mà khâu chuẩn bị diễn ra nhanh, nên ngày 16.4 vừa qua đã khoan xong cọc đầu tiên. Ngoài trụ T2 đang triển khai mặt bằng tập kết nguyên vật liệu, trụ T1 hiện khoan hoàn thành 5/5 cọc, trụ T3 khoan được 3/5 cọc. Trong khi đó, trụ T4 nằm tại vị trí giữa sông có độ sâu nhất nhưng công ty cũng đã khoan 8/12 cọc và sẽ thực hiện xong 4 cọc còn lại vào giữa tuần này.   

Công nhân thi công trụ T4 cầu Giao Thủy.Ảnh: CÔNG TÚ
Công nhân thi công trụ T4 cầu Giao Thủy.Ảnh: CÔNG TÚ

Triển khai 2 giàn khoan cọc nhồi trên công trường cầu Giao Thủy, Công ty CP 479 thi công đạt khoảng 10% giá trị khối lượng công việc ở các trụ T5 và T6. Chỉ huy phó Đặng Tiến Bình cho hay, đội ngũ cán bộ và công nhân của doanh nghiệp miệt mài bám trụ trên công trường để khoan hoàn thành 6/12 cọc trụ T6. Ngày 8.6 mới đây, nhà thầu bắt đầu khoan cọc đầu tiên của trụ T5 (tổng cộng 14 cọc). Với tiến độ 3 ngày khoan được 1 cọc, đơn vị phấn đấu hơn 1 tháng sẽ khoan xong cọc của cả 2 trụ nêu trên. Thi công các trụ từ T12 đến T21 và mố M2 (đầu cầu phía nam và đường dẫn), thành viên liên danh nhà thầu là Công ty TNHH Xây dựng Thái Dương đang tích cực thực hiện hạng mục mình đảm đương. Mặc dù mới khoan cọc đầu tiên (trụ T20), Chỉ huy trưởng Phan Đình Công khẳng định, tiến độ chắc chắn sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới vì công tác chuẩn bị của đơn vị đã hoàn tất ở nhiều khâu. Cùng với đó, nguồn nhân lực gồm 29 cán bộ kỹ sư và công nhân kỹ thuật có nhiều năm kinh nghiệm được bố trí theo tính chất công việc cụ thể nên chẳng sợ “giẫm chân” lên nhau.       

Chú trọng chất lượng công trình

Cầu Giao Thủy được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư 823,27 tỷ đồng. Cầu được xây dựng có chiều dài 1.002m, rộng 12m. Đường dẫn hai đầu cầu dài 4,29km. Trong đó, phía Đại Lộc dài 3,8km có điểm đầu tại km6+500, tuyến ĐT609B; điểm cuối phía Duy Xuyên dài 0,49km, giáp nối đường ĐT610 tại km18+900. Công trình do liên danh Công ty TNHH Thanh Tùng - Công ty CP 479 - Công ty TNHH Xây dựng Thái Dương thi công. Cầu Giao Thủy mới khi hoàn thành sẽ nằm trên tuyến đường huyết mạch nối ĐT609B với ĐT610. Thông qua đó, dự án kết nối 4 huyện Nông Sơn, Quế Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc với TP.Đà Nẵng; tạo điều kiện khai thác tiềm năng, lợi thế vùng đất phía tây của tỉnh để phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Theo quy hoạch chung, cầu Ông Đốc bắc qua sông Thu Bồn nếu được xây dựng cũng sẽ kết nối tuyến ĐT610B (Điện Bàn) với ĐT609B để qua cầu Giao Thủy hoặc ra ĐT609; đồng thời nối thông tuyến ĐH3.ĐL qua vùng B Đại Lộc để tiếp cận quốc lộ 14B.

Được biết, giá trị xây lắp của dự án cầu Giao Thủy khoảng gần 409 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Thanh Tùng thực hiện khoảng 204 tỷ đồng, bao gồm cả các trụ từ T7 đến T11 và đường dẫn phía bắc. Để đẩy nhanh khối lượng công việc, doanh nghiệp mời nhà thầu phụ cùng tham gia là Công ty TNHH Xây dựng Thanh Sơn, một đơn vị có uy tín khi đã thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng các cầu Quan Âm và cầu Ái Nghĩa trên tuyến ĐT609. Đội trưởng Nguyễn Văn Tuyên nói: “Chúng tôi phấn đấu trước mùa mưa bão năm nay sẽ đưa trụ T4 vươn khỏi mặt nước và lên đến đốt K0 (đốt đầu tiên trên đỉnh trụ). Các trụ còn lại, kể cả của nhà thầu phụ cũng dự kiến thực hiện xong phần hạ bộ”. Đại diện các nhà thầu khác thì khẳng định, những trụ đang triển khai đóng cọc, nhất là tại khu vực nằm dưới lòng sông phải hoàn thành hạ bộ hoặc ít nhất vươn lên trên khỏi mặt nước. Để khi vào mùa lũ lụt, họ sẽ triển khai làm phần việc trên bờ, nhất là khâu đúc dầm.         

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Nhật Ánh cho hay, từ thời điểm tiến hành trên thực địa đến nay, người dân luôn bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với công trình. Họ ngày nào cũng ra thăm và động viên công nhân cố gắng làm việc. Xác định trách nhiệm, chủ đầu tư đã cử cán bộ bám sát trên công trường để kiểm tra, yêu cầu nhà thầu dù đẩy nhanh tiến độ nhưng phải đặt chất lượng công trình và nhất là tính mạng con người lên hàng đầu. Có như vậy, dự án mới đạt trọn vẹn ý nghĩa đề ra.

CÔNG TÚ

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất