CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:19/09/2024

Lao xá Đại Lộc qua vết thời gian

Chúng tôi tìm về lao xá Đại Lộc, chứng tích nằm trên bến sông Ái Nghĩa năm nào theo dòng tâm tưởng của những chiến sĩ cách mạng kiên trung và cả những tâm hồn trẻ thơ của mấy chục năm về trước với những lát cắt ký ức về sự khắc nghiệt của chiến tranh và tội ác.

Theo lời kể của nhiều cán bộ lão thành cách mạng, lao xá Đại Lộc (nay dùng làm Trại tạm giam Đại Lộc) được Pháp xây dựng vào khoảng năm 1954 - 1955, sau khi xây xong đồn Ái Nghĩa cùng nhiều công sự, hầm ngầm, ụ pháo kiên cố trấn giữ cho vùng quận lỵ Ái Nghĩa. Ban đầu, lao xá được Pháp đặt ở vị trí đông nam cầu Ái Nghĩa, sát bến phà, nay là khu đất sát bờ kè thuộc khu 7, thị trấn Ái Nghĩa. Ông Huỳnh Diệu (sau đổi tên Hoàng Minh Chánh, 93 tuổi, hiện ở khu Ái Mỹ, thị trấn Ái Nghĩa), nguyên Chánh Văn phòng UBND huyện Đại Lộc kể lại, trại tạm giam ngày đó được Pháp xây dựng sơ sài, nằm gần bến phà, những cán bộ cách mạng bị địch bắt giam ở đây để khai thác thông tin. Nếu chưa phát hiện manh mối gì, chúng tiếp tục giam giữ, còn đối tượng bị liệt vào dạng “cộng sản cứng đầu”, sẽ bị đưa vào lô cốt gần đó biệt giam. Lô cốt này nằm sát chi công an, mỗi lần tra khảo, chúng dẫn tù nhân từ lô cốt sang chi công an, nơi đây có đủ dụng cụ với những màn tra tấn dã man không thua kém bất cứ nhà lao nào. “Chỉ với chưa tới 30m2, có thời điểm địch giam tại đây gần 50 người, lô cốt chỉ có vài lỗ châu mai, thiếu ánh sáng, không khí nên anh em phải la ré lên. Mỗi đợt la ré thì cửa mở và những đợt mưa gậy phang xuống nhưng nhờ vậy mà được thở” - ông Chánh kể.

Bia di tích nằm rêu phong. Ảnh: B.Liên
Bia di tích nằm rêu phong. Ảnh: B.Liên

Ông Hoàng Minh Chánh kể, cuộc đình chiến năm 1954, trong khi nhiều người tập kết ra Bắc thì gia đình ông thuộc số những gia đình được phân công ở lại miền nam hoạt động. Năm 1955, để đối phó với nạn lùng sục, bắt bớ của địch, những chi bộ đảng bí mật phải đổi tên, như Chi bộ Đại Hiệp đổi tên là Cô Hạ, Đại Hòa đổi tên thành Cô Lang và Đại Minh là Cô Đông. Địch tăng cường càn quét, nhiều cán bộ hoạt động bí mật cũng bị lùng sục, bắt bớ. Thời đó, có tên chiêu hồi chỉ điểm nên nhiều cán bộ cơ sở của ta bị lộ. “Có lần, chúng dẫn tên chiêu hồi lên trại giam, nắm đầu ông Lương Văn Quế (Chi bộ Đại Hòa) hỏi: “Cô Lang đây hả?”. Tên chiêu hồi đáp: “Phải”. Chúng bóp trái khế ông Trần Hùng hỏi: “Có phải Cô Đông không?”. Rồi tóm râu ông Lê Phong: “Cô Hạ phải không?”... Ký ức ông Hoàng Minh Chánh tái hiện về những ngày lao khổ mà mỗi buổi sáng, khi nhà lao mở cửa, 4 tên giữ lao đứng 4 góc lấy báng súng thụi qua thụi lại dồn dập khiến anh em té chúi nhủi. Chúng còn nhảy đạp lên người, khi thì bóp cuống họng tống mạnh tù nhân vào tường đến ngất xỉu rồi dội nước cho tỉnh lại.

Với ông Kiều Phước Lại - nguyên Chỉ huy trưởng Cơ quan Quân sự huyện Đại Lộc, tuổi thơ ông cùng bạn bè đồng lứa ở vùng B Đại Lộc từng bị địch bắt theo cha mẹ trong một trận càn vào làng, khoảng năm 1971. Chỉ chừng 30m2 nhưng hơn 70 người, cả già trẻ, nam nữ đều bị giam chung vào một chỗ, không có ánh sáng, vách ngăn, mọi sinh hoạt, từ ăn uống tới tiểu tiện đều tại chỗ trong suốt 10 ngày. Và ký ức những ngày sống trong lao ở một đứa trẻ 9 - 10 tuổi đầu theo tôi đến tận bây giờ” - ông Lại nói.

Có còn cho mai sau?

Theo nhiều nhân chứng lịch sử, lao xá Đại Lộc thời Pháp sau giải phóng còn lại là những bức tường rêu loang lổ nằm trơ vết theo thời gian. Song rất tiếc chứng tích quan trọng của chiến tranh ấy cũng biến mất dần, chỉ còn sót lại lô cốt địch trưng dụng làm trại tạm giam năm xưa nằm sát cơ quan Huyện ủy Đại Lộc nay. Và chứng tích này đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 4266/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 21.11.2005. Lao xá - lô cốt đôi - trại tạm giam này đã bị san ủi, phần nổi hiện chỉ còn chân móng, còn phần ngầm từ sau giải phóng tới nay đã bị lũ bồi lấp. Dù đã được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh từ năm 2005, song tới nay di tích vẫn chưa được khoanh vùng bảo vệ, tu bổ làm nơi lưu dấu chứng tích chiến tranh và tội ác của giặc, nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Không gì khác, ngoài tấm bia di tích trên nền cũ rêu phong.
Theo nhiều cán bộ cách mạng lão thành, chứng tích lao xá - trại tạm giam Đại Lộc đã bị xâm hại nghiêm trọng từ hoạt động dân sinh. Chúng tôi đã làm việc với Trung tâm VH-TT huyện Đại Lộc, đơn vị quản lý di tích của huyện, song được trả lời là hồ sơ di tích đã bị thất lạc(?!). Thiết nghĩ, giáo dục truyền thống không chỉ dừng lại ở sách vở, tài liệu, mà quan trọng, cần biến những tấm bia tưởng niệm, bia chứng tích trở thành những “địa chỉ đỏ”, là những chứng tích sống, nơi tổ chức những đợt hành quân “về nguồn”, tìm hiểu về tội ác của quân thù, những tấm gương bất khuất, kiên cường cùng sự hy sinh mất mát của đất và người Đại Lộc anh hùng.
Trước sự bào mòn của thời gian và nguy cơ xâm hại từ dân sinh, chứng tích liệu có còn cho mai sau? Và khi những nền móng cuối cùng này không còn nữa, thì lịch sử căn cứ vào những chứng tích gì để nhắc nhớ thế hệ trẻ mai sau về quá khứ oanh liệt, hào hùng của cha ông, của quê hương ngoài những sách vở, tài liệu khuôn sáo?

TRẦN BÍCH LIÊN

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất