CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:27/07/2024

Đại Sơn "chảy máu" tài nguyên rừng

Gần đây, nạn phá rừng làm rẫy chủ yếu là trồng dứa ( thơm), keo lai đang khiến cho diện tích rừng đầu nguồn ở Khe Hoa, D7 của xã Đại Sơn ( Đại Lộc) bị tàn phá không thương tiếc 

Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay những cánh rừng bạc ngàn xanh ngút được thay vào đó là những rẫy dứa thẳng tắp, chạy xa tít có đến hàng chục ha. Một câu hỏi đặt ra là, nếu có mưa to, liệu nơi đây có tránh khỏi tình trạng rửa trôi, sạt lở?. Để hình thành nên những rẫy dứa như thế này tại khu vực rừng Khe Hoa người dân đã chặt phá nhiều cây rừng, tại nơi chúng tôi  đứng loang lổ nhiều dấu vết của cây rừng mới bị đốt, đất vương màu tro, trơ trọi những gốc cây to, đường kính tới vài chục centimet, thân cháy đen nhẻm dù lực lượng kiểm lâm đã có đánh dấu đỏ phân biệt khu vực rừng cấm, không được phát, đốt, nhưng người dân vẫn ngang nhiên phá bỏ các chỉ dấu này, tự ý phát nương, làm rẫy. Được biết, để bảo vệ rừng Khe Hoa và Đ7 , UBND xã Đại Sơn đã giao cho Hội Cựu chiến binh xã  đứng ra trực tiếp quản lý. Diện tích rừng được chia thành 5 tiểu khu giao cho 5 chi hội CCB của 5 thôn Hội Khách Đông, Hội Khách Tây, Bãi Quả, Tân Đợi và Đồng Chàm các chi hội CCB thường xuyên phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tổ chức các hoạt động tuần tra 3 - 4 lần/tháng tuy nhiên, công tác này gặp nhiều khó khăn, vì hễ thấy bóng lực lượng Kiểm lâm, người dân lại lẩn trốn hễ có động tĩnh thì gọi điện thoại báo cho nhau. Ông Nguyễn Hữu Bốn, CCB thôn Tân Đợi chia sẻ “ Lực lượng mỏng, trong khi đó diện tích rừng lại rộng, hiểm trở khiến cho việc tuần tra, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, lại thêm những thành viên trong hội CCB  đã cao tuổi nên công tác xử lí gặp nhiều bất cập”

Trong khi một số người dân hằng ngày vẫn khai thác rừng vì lợi nhuận trước mắt thì bản thân những người dân sống dưới chân núi  đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề trước tình trạng  lũ ống, lũ quét, tình trạng  sạt lở sẽ diễn ra bất cứ lúc nào khi có những cơn mưa to đầu nguồn. Một thực tế đã xảy ra tại xã Đại Sơn trong thời gian qua đó là việc phá rừng đã làm giảm mật độ che phủ và độ ẩm của rừng khiến cho tình trạng suy kiệt nguồn nước sản xuất diễn ra nghiêm trọng tại một số thôn như Tân Đợi, Hội Khách Đông, Hội Khách Tây…trao đổi với chúng tôi ông  Hồ Hữu Xiêm – Trưởng thôn Tân Đợi ấm ức mãi chuyện phá rừng làm rẫy dẫn đến thiếu nước sản xuất. Ông Xiêm cho biết “Vụ Hè Thu vừa rồi, hạn hán cuối vụ, 2 sào ruộng của gia đình ông cũng như một số người dân trong thôn bị thiếu nước tưới nghiêm trọng, khiến lúa không kết hạt được, nếu bình thường 2 sào  lúa  gia đình ông thu hoạch được 12-13 bao nhưng vụ vừa rồi gia đình ông  chỉ thu được  4 - 5 bao”. “Từ xưa đến nay, chưa bao giờ tôi thấy mực nước Khe Hoa cạn như thế. Kinh tế người dân chúng tôi nơi đây chủ yếu là sống nhờ rừng và làm lúa nhưng nay không có nước để sản xuất, lúa lại mất mùa thì người dân chúng tôi phải đi làm thuê, làm mướn các công việc khác như vào rừng bức mây, đập vỏ cây, phát rừng làm nương rẫy để trồng cây gì kiếm sống … như vậy vô tình khiến chúng tôi thành những kẻ phá rừng.., ông Hồ Hữu Xiêm bức xúc nói.

Hiện tại,  Đại Sơn đang có 3 cửa truông để vào rừng đó là  Khe Hoa, khe Trăn và Đ7. Trước nạn người dân phá rừng làm nương rẫy ồ ạt chính quyền xã Đại Sơn cũng đã có văn bản kiến nghị lên cấp trên và giải pháp được thực hiện đó là Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với địa phương múc đường, hạn chế xe tải ra vào để khai thác củi, cây nhưng xem ra vẫn là giải pháp không khả thi vì khi lực lượng chức năng đi thì người dân lại tiến hành san lấp mặt đường để cho xe chạy, và mọi chuyện cứ tiếp diễn rồi đâu lại vào đấy.

Từ bao đời rừng gắn liền với đời sống kinh tế người dân và người dân sống dựa vào rừng nhưng để đảm bảo cho những cánh rừng đầu nguồn giữ được màu xanh, hạn chế được tình trạng sạt lở núi, lũ ống, lũ quét gây nguy hiểm cho những gia đình đang sống dưới chân núi thì phải cần một giải pháp hữu hiệu hơn để hạn chế tình trạng phá rừng đang diễn ra ngày càng ồ ạt khiến cho những cánh rừng Đại sơn vẫn đang từng ngày “chảy máu”. 

                                                                                                                                           BL

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất