CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:23/11/2024

Loay hoay trong khâu quản lí rừng Đại Sơn

Rừng Đại Sơn đang “chảy máu” từng ngày trước làn sóng đốt rừng làm rẫy, song đến nay, các tổ quản lý bảo vệ rừng, chính quyền xã Đại Sơn và lực lượng kiểm lâm vẫn loay hoay trong khâu quản lí.  Trước đó, kế sách được Hội Cựu chiến binh xã đưa ra là tổ chức đóng cổng barie nhằm kiểm soát tình trạng xe tải mượn danh nghĩa vào rừng vận chuyển thơm nhưng một phần là vận chuyển than, gỗ củi. Tuy nhiên việc làm này từng gặp phải sự phản đối kịch liệt từ phía người dân trồng thơm tại Đại Sơn và Đại Hồng. Giải pháp khác cũng từng được các tổ bảo vệ rừng thực thi là cho xe múc đường, gây khó khăn cho xe tải ra vào, nhưng không khả thi vì đường bị múc đi lập tức được đắp trở lại.

Đáng nói, rừng Đại Sơn là “điểm nóng” của tình trạng phá rừng trồng thơm, song số vụ việc được phát hiện, xử lý hiện khá khiêm tốn. Theo số liệu từ Hạt Kiểm lâm huyện Đại Lộc, giai đoạn 2013 - 2014, ngành kiểm lâm huyện đã phát hiện 6 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng, trong đó hoàn thiện hồ sơ, chuyển Công an huyện xử lý 2 vụ, 3 vụ đang làm hồ sơ, xem xét khởi tố và 1 vụ đề xuất UBND huyện ra quyết định xử lý hành chính. Ông Dương Quang Hùng - cán bộ quản lý bảo vệ rừng (Hạt Kiểm lâm huyện Đại Lộc) cho biết, trong số 6 vụ xâm hại tài nguyên rừng nói trên, vụ xâm hại với diện tích nhỏ nhất là gần 3.000m2, lớn nhất là 1ha. “Trên thực tế, việc xử lý cũng gặp rất nhiều khó khăn, bên cạnh số vụ xâm hại rừng có tính chất nhỏ lẻ, chỉ dừng lại ở xử lý hành chính thì những vụ khởi tố cũng cần cân nhắc tới yếu tố hoàn cảnh đời sống của người dân. Cũng vì lẽ đó, việc cưỡng chế, thực thi pháp luật nhiều lúc hết sức gian nan” - ông Hùng chia sẻ.

Trung tá Nguyễn Thế Cả - Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế - chức vụ, ma túy và môi trường (Công an huyện Đại Lộc) cho biết, từ đầu năm 2014 tới nay, Công an huyện tiếp nhận 3 vụ khởi tố về hủy hoại rừng có tính chất nghiêm trọng, trong đó 2 vụ liên quan tới Đại Sơn. Vụ thứ nhất xảy ra vào 4.2014, tại khoảnh 2 và 3, tiểu khu 196, thuộc địa phận thôn Tân Đợi. Diện tích rừng bị hủy hoại khoảng 6.538m2, chủ yếu diện tích rừng tự nhiên, rừng nghèo, rừng sản xuất. Tháng 4.2014, một vụ phá rừng lại tiếp diễn ở khoảnh 2 và 3, tiểu khu 195, thôn Tân Đợi. Tổng diện tích rừng tự nhiên bị hủy hoại gần 8.784m2, bao gồm rừng nghèo, kiểu trạng thái 2B (rừng phòng hộ). Trong đó, diện tích rừng phòng hộ bị xâm hại lên đến 6.774m2. Công an huyện đã khởi tố vụ án có dấu hiệu của tội hủy hoại rừng, đang truy xét để khởi tố bị can. Trung tá Nguyễn Thế Cả nói: “Gần đây số vụ việc phát hiện có tăng lên và diện tích rừng bị xâm hại cũng nghiêm trọng hơn. Hiện chúng tôi điều tra, thu thập thông tin, chứng cứ để khởi tố bị can đối với 2 vụ án nói trên”.

                                                                                                                  BL

 

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất