-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:23/11/2024
Nông dân trồng ớt, bắp tại các xã Đại Nghĩa, Đại An đang bước vào vụ thu hoạch với niềm vui được mùa.
Tại các vùng trồng cây màu của xã Đại An, nhiều giống ớt lai như Ấn Độ 108, 138, 403 cho năng suất và sản lượng cao. Giá ớt tươi thương phẩm đầu vụ trên thị trường đạt mức 7.000 - 10.000 đồng/kg. Tại vùng Bàu Tròn, ông Phạm Thành vừa dọn cỏ cho những luống ớt trĩu quả, vừa phấn khởi nói: “Vụ này tôi trồng 1 sào ớt Ấn Độ, vừa hái ớt nách được 5 tạ, bán tươi được gần 4 triệu đồng. Thương lái tới tận nơi mua gom, tiền nong trả sòng phẳng nên bà con ai nấy phấn khởi”. Cạnh đó, ông Huỳnh Văn Thành có 2 sào ớt, lứa ớt nách vừa rồi, ông thu về 8 triệu đồng. “Làm cả vụ nhưng chỉ với lứa ớt đầu tiên coi như đã có lãi so với cả vụ như mọi năm. Những lứa ớt tiếp theo giá chỉ cần dao động 8.000 - 10.000 đồng/kg tươi thì còn gì bằng” - ông Huỳnh Văn Thành nói.
Ông Phạm Thành (Bàu Tròn, Đại An) bên những luống ớt trĩu quả. Ảnh : N.D |
Được biết, giống ớt Ấn Độ mới 403 do Công ty Trang Nông cung ứng cho trái sai, phẩm chất trái tốt, vừa có thể bán tươi, phơi khô bán cũng có giá cao so với các loại giống khác, lại được thị trường ưa chuộng, không phải lo lắng đầu ra nên bà con nông dân chọn trồng nhiều trong vụ này. Xã Đại Nghĩa, địa phương có diện tích trồng cây ớt lớn nhất của huyện, những ngày này, bà con đang rộn ràng thu hoạch ớt nách. Ông Lê Văn Mỹ ở thôn Hòa Mỹ trồng 3 sào ớt, đợt thu hái trái nách, ông bán trên 10 triệu đồng. Nếu giá cả ổn định, ông sẽ có thu lãi khoảng 8 - 10 triệu đồng/sào sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư.
Cũng trong những ngày này, nông dân Đại Lộc tất bật thu hoạch vụ bắp đông xuân. Ngay từ sáng sớm, vợ chồng anh Nguyễn Văn Sáu ở thôn Hòa Mỹ, Đại Nghĩa, đã ra bãi bồi để bẻ bắp giao cho thương lái từ Huế, Đà Nẵng đến mua. Hơn 10 năm trồng bắp tại bãi bồi, chưa khi nào vợ chồng anh hoan hỉ như năm nay vì bắp vừa bẻ xong đã được thương lái mua ngay tại chỗ với giá 35 - 36 ngàn đồng/chục. Anh Sáu chia sẻ: “Gia đình tôi quanh năm sống nhờ vào những diện tích hoa màu này. Vụ đông xuân năm nào cũng trồng bắp. Chỉ 2 sào bắp, tôi thu về từ 8 - 10 triệu đồng”. Dọc các con đường dẫn ra các bãi bồi thôn Hòa Mỹ, Mỹ Liên lao xao giữa các ruộng bắp là tiếng người râm ran. Chị Trần Thị Vân ở thôn Mỹ Liên hồ hởi: “Năm nay thời tiết thuân lợi, cây bắp phát triển tốt cho trái to, đẹp nên có bao nhiêu thương lái cũng thu mua hết”. Được biết, giống bắp nếp ngọt (bắp lai F1 HN88, AG 500) do Công ty Giống cây trồng Trung ương và Công ty An Giang phân phối được thị trường ưa chuộng. Đến mùa thu hoạch bắp, vùng bãi bồi ven sông Vu Gia tấp nập hẳn lên. Bắp được mua sỉ tập kết ra thị trường Đà Nẵng, Huế, Hà Nội… Chị Nguyễn Thị Bảy, một thương lái ở Đại Lộc cho hay, mỗi ngày chị thu mua hàng tấn bắp đưa đi các nơi bỏ sỉ. Cây bắp không chỉ nuôi sống người dân quê mà còn tạo nguồn lợi đáng kể cho các thương lái xa gần vào mỗi mùa vụ.
Theo ông Trương Nhành - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa, năng suất bắp không ngừng tăng do người dân đã tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng giống mới cho năng suất cao, phẩm chất trái tốt. Vùng này, nhiều hộ trồng từ 5 sào đến cả mẫu bắp là chuyện thường. Mỗi sào bắp trồng 1.800 - 2.000 gốc cho lãi khoảng 7 triệu đồng.
NHẬT DUY - TRIÊU NHAN (Báo Quảng Nam)