CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:27/07/2024

Mai một nghề rèn truyền thống

“Xóm lò rèn” thuộc thôn Thạnh Phú (xã Đại Chánh, Đại Lộc) đã tồn tại hàng trăm năm qua. Đây là một trong những làng nghề truyền thống được tôn vinh ở huyện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy làng nghề này đã mai mọt dần, cái tên “xóm lò rèn” chỉ còn là địa danh.

Cả thôn Thạnh Phú có 395 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp và nghề rèn truyền thống. Ban đầu, nghề rèn tạo cho bà con nơi đây có kế sinh nhai. Ngoài làm nông thì nghề rèn giúp người dân có được công ăn việc làm để tăng thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, từ năm 2005 công việc này gặp nhiều khó khăn nên một số người bỏ nghề.

Bây giờ “xóm lò rèn” có ít người theo nghề.
Bây giờ “xóm lò rèn” có ít người theo nghề.

Trước đây, đa số người dân địa phương đều làm nghề rèn dao, rựa, cuốc, xẻng… Tận dụng những mảnh vỡ từ bom, mìn, thợ rèn đã sáng tạo ra những nông cụ phục vụ cho nông nghiệp. Hiện nay, nhiều nông cụ được sản xuất bằng máy móc đã dần áp đảo sản phẩm thủ công địa phương bởi giá rẻ, mẫu mã bắt mắt. Vì vậy, sản phẩm làm ra không còn bán đắt đỏ như trước. Việc ưa chuộng những mặt hàng nhanh, tiện lợi đã làm cho khách hàng quên dần những sản phẩm thủ công. Gặp nhiều bất lợi trong việc rèn các nông cụ, ông Trương Bảy - người đã có hơn 50 năm gắn bó với nghề, chia sẻ: “Lúc trước làm đỡ lắm, còn bây giờ thì do bà con áp dụng máy móc và sử dụng hàng chợ đâm ra sản phẩm mình làm ế ẩm. Giá nguyên liệu ngày càng tăng lên, tiền lời thì không bao nhiêu. Cực lắm! Những năm trước thì xóm này rộn ràng tiếng búa, tiếng đe còn bây giờ thi thoảng mới nghe tiếng đập”. Cũng là một người thợ có thâm niên 30 năm trong nghề, ông Ngô Văn Châu chia sẻ thêm: “Giờ đây, nếu như mỗi ngày có khách đến đặt hàng khá khá thì trung bình người mỗi thợ rèn ở Thạnh Phú thu nhập từ 100 - 150 nghìn đồng/ngày. Tuy không nhiều nhưng số tiền đó cũng đủ trang trải. Nhưng thực tế, số lượng người mua hàng thưa thớt dần. Nghề này do ông cha ta truyền lại, gắn bó với nghề đã ngần ấy năm thì dù có khó khăn, vất vả tôi cũng theo đến cuối đời. Muốn sống với nghề thì phải yêu nghề mới làm được. Nghề này tuy hết thời nhưng nó vẫn là nguồn sống của một số hộ dân nơi đây”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Tâm - Trưởng thôn Thạnh Phú cho biết, hiện nay địa phương chỉ còn 10 hộ làm nghề này nhưng không phải lò rèn nào cũng đỏ lửa thường xuyên. Lò nào có tiếng, uy tín thì có nhiều khách đến đặt hàng, còn phần lớn thì dăm bữa nửa tháng mới có khách đến. Chính quyền đã có vài lần bày tỏ phương hướng để phát triển và khôi phục làng nghề rèn nhưng chưa được thực thi.

MINH PHƯỜNG - PHONG BA (Báo Quảng Nam)

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất